Cũng theo Thủ tướng, trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, ông Obama từng hứa “sẽ linh hoạt hơn với Nga trong nhiệm kì thứ hai của mình”.
Hãng tin CNN trích lời ông Medvedev: “Không có sự nới lỏng trong các vấn đề về phòng thủ tên lửa tầm xa, tên lửa đạn đạo, cũng không có sự linh hoạt nào. Chúng tôi vẫn giữ nguyên lập trường, quan điểm và chính phủ Mỹ cũng vậy. Tiếc thay, quan điểm của Liên bang Nga khác với phía Mỹ. Và dấu hiệu cho thấy khả năng giao thoa các quan điểm này không xảy ra”.
Khi phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos (Thụy Sĩ), Thủ tướng Nga cũng bày tỏ mối lo ngại về chương trình phòng thủ chống tên lửa đang được NATO triển khai, trong đó một số nước láng giềng với Nga cũng có tham gia vào hệ thống phòng thủ này.
Thủ tướng Medvedev nhấn mạnh: “Chúng tôi hiểu rõ rằng, nếu chúng tôi không có được một chương trình tương tự. Điều đó có nghĩa là chương trình phòng thủ tên lửa có thể được thiết lập nhằm chống lại kho vũ khí hạt nhân của Nga”.
Ông nói thêm: “Điều đó có ý nghĩa gì? Nó có nghĩa là điều chúng tôi đã ghi nhận với Tổng thống Obama bằng việc ký kết Hiệp ước New START, hiệp ước mà tôi nghĩ rất quan trọng và là thành quả của cái gọi là một sự khởi động lại. Nhưng hiện nay, quan hệ hai bên đang bị rạn nứt bởi chương trình đó, bởi phòng thủ tên lửa chính là sự tiếp nối trực tiếp của việc nâng cao khả năng phòng thủ hạt nhân, chống lại vũ khí hạt nhân”.
Không chỉ có vậy, thời gian qua, quan hệ Nga-Mỹ cũng đang xấu đi. Điển hình là khi Mỹ thông qua “Đạo luật Magnitsky”, (luật trừng phạt các quan chức Nga có liên quan đến cái chết của một nhân viên Quỹ Hermitage có tên Magnitsky trong nhà tù Nga). Phía Nga coi đây là một đạo luật chống Nga.
Tiếp đó, Nga đáp trả bằng việc thông qua “Đạo luật Dima Yakovlev” (hay còn gọi là “Đạo luật chống Magnitsky” cấm người Mỹ nhận con nuôi người Nga và cấm các quan chức Mỹ vi phạm quyền nhập cảnh vào Nga).
Cũng theo các nhà phân tích Nga, mối quan hệ Nga - Mỹ không được cải thiện về thực chất còn bởi vì hai bên có quá ít điểm chung.
Những điểm chung đó chủ yếu là những vấn đề mang tính chiến lược (như kiểm soát kho vũ khí chiến lược và giảm mức độ đối đầu giữa 2 nước) đã có từ thời Xô Viết nên giờ đây đã hết tác dụng.
Nếu không có được chương trình nghị sự mới cụ thể hơn thì mối quan hệ Nga - Mỹ sẽ bế tắc và thậm chí có nguy cơ trở lại thời kỳ chiến tranh lạnh.
Phan Yến
Theo RT