Thu tiền để xả bẩn

TP - Nhiều doanh nghiệp phản ánh hằng tháng phải đóng hàng trăm triệu đồng cho Cty CP Sonadezi Đồng Nai để xử lý nước thải. Trong khi chính công ty này là thủ phạm xả bẩn.
Hồ hoàn thiện của nhà máy xử lý nước thải công đoạn cuối cùng trước khi xả thải ra môi trường vẫn rất bẩn

> Báo cáo khác xa thực tế

Bà Lê Thị Năm ở ấp 2, xã Tam An bên gốc cây dâu trên chục năm tuổi đã bị chết rụi vì nước ô nhiễm.
 

Chưa đạt vẫn xả thải

Theo quy định của tỉnh Đồng Nai, để quản lý nguồn thải, các doanh nghiệp tại các KCN đều phải đấu nối đưa nước thải vào nhà máy xử lý nước thải tập trung để xử lý đảm bảo đạt quy chuẩn trước khi xả thải ra môi trường.

Tất nhiên, các doanh nghiệp phải trả tiền cho nhà máy xử lý nước thải tính theo từng mét khối. Hiện nhà máy XLNT Long Thành đang xử lý nước thải cho 67 doanh nghiệp với khoảng 8.000m3 nước thải/ngày đêm với đơn giá 6.400 đồng/m3.

Suốt quá trình nhà máy hoạt động, các cơ quan chức năng từ tỉnh đến Bộ Tài nguyên - Môi trường đã thực hiện nhiều lần thanh tra, kiểm tra; HĐND tỉnh Đồng Nai cũng đã thực hiện nhiều cuộc giám sát hoạt động nhà máy. Kết quả là nhà máy vẫn hoạt động bình thường.

Chỉ đến khi Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường tại nhà máy XLNT Long Thành, dư luận mới thực sự ngỡ ngàng trước việc nhà máy này chưa bao giờ xử lý nước thải đạt quy chuẩn.

Ông Lê Văn Đức, Phó Chánh thanh tra Sở Tài nguyên - Môi trường Đồng Nai cho biết: “Đặc điểm nước thải tại KCN Long Thành là 80% nước thải từ các Cty hóa chất, dệt nhuộm, trong khi đó rất khó xử lý về độ màu, không thể nào xử lý đạt”.

Kết quả là, từ năm 2009 đến nay, cứ mỗi đợt thanh kiểm tra là Cty CP Sonadezi bị xử phạt hành chính về vi phạm bảo vệ môi trường. Sau mỗi lần bị xử phạt, Sonadezi vẫn tiếp tục công khai xả nước thải chưa đạt quy chuẩn ra sông Đồng Nai. Sonadezi còn được ưu ái cho phép xả thải (dù chưa đạt về độ màu) theo lộ trình đến tháng 6-2012.

Hồ hoàn thiện của nhà máy xử lý nước thải công đoạn cuối cùng trước khi xả thải ra môi trường vẫn rất bẩn.

Gây ô nhiễm nhất thời hay có hệ thống?

Sonadezi Đồng Nai nêu hoàn cảnh khách quan là do các nhà máy chưa xử lý nước thải cục bộ trước khi đưa vào nhà máy XLNT tập trung. Tuy nhiên, thực tế tại địa phương xã Tam An (huyện Long Thành) cho thấy nhà máy này đã gây ô nhiễm môi trường từ nhiều năm qua.

Tháng 12-2007, HĐND xã Tam An đã phản ánh nhà máy thường xuyên xả nước thải trực tiếp không qua xử lý ra rạch Bà Chèo, gây ô nhiễm nguồn nước, làm cho thủy sản, thủy cầm và vườn cây của nhân dân chết rất nhiều… Tháng 9-2008, UBND xã Tam An tiếp tục báo cáo UBND huyện Long Thành với nội dung trên.

Việc nhà máy XLNT Long Thành bị phát hiện xả nước thải không đạt quy chuẩn ra môi trường thực sự khiến các doanh nghiệp trong KCN Long Thành bất ngờ. Ông Nguyễn. T. T, một cán bộ kỹ thuật của Cty L.M chuyên về dệt nhuộm cho rằng: “Tôi nghĩ rằng nhà máy phải xử lý nước thải đảm bảo mới thu tiền của doanh nghiệp chứ”.

Một cán bộ khác của Cty G.Đ phản ánh, mỗi tháng doanh nghiệp của ông phải đóng phí xử lý nước thải hàng trăm triệu đồng, nhưng Cty Sonadezi lại yêu cầu doanh nghiệp ông phải xây dựng nhà máy xử lý cục bộ rồi mới đưa sang nhà máy xử lý tập trung. Như vậy, mỗi tháng doanh nghiệp ông lại phải tốn kém thêm hàng trăm triệu đồng.

Lên danh sách hộ nông dân bị thiệt hại

Đến ngày 12-8, Hội Nông dân xã Tam An (huyện Long Thành) nhận được 80 đơn của người dân, yêu cầu Cty CP Sonadezi bồi thường thiệt hại do hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường.

Ông Trần Văn Quang, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai cho biết, Hội đã yêu cầu Hội Nông dân huyện Long Thành tập hợp, lập danh sách toàn bộ số hộ, diện tích, cây trồng, vật nuôi của nông, ngư dân và thiệt hại do nước thải của Công ty CP Sonadezi Long Thành gây ra. Sau khi có danh sách, Hội Nông dân tỉnh sẽ báo cáo cấp trên giải quyết.

Theo Báo giấy