Trải nghiệm “Thử sống như em” đã đến với người dân Quảng Nam, Đà Nẵng (Trong ảnh: một người dân thử nghe “theo cách của người tự kỷ” trong vòng 2 phút). Ảnh: Thanh Trần.
2 phút “không tưởng tượng được!”
2 phút là trải nghiệm bất ngờ đối với tất cả những người được nhóm mời đeo thử thiết bị thực tế ảo để cảm nhận một phần cuộc sống của người tự kỷ. Đó là một cuộc sống mà khi mọi vật diễn ra xung quanh, một người bình thường tập trung nhìn, nghe một sự vật, một âm thanh nào đấy thì trẻ tự kỷ nghe tất cả với một mức độ âm thanh bằng nhau. “Khi mình đang nói chuyện với một người, thì người đó tập trung vào tiếng nói của mình và có thể coi đó là âm thanh duy nhất ngay lúc ấy. Nhưng trẻ tự kỷ thì lại nghe hết mọi thứ mà mình không biết là nó đang tồn tại”, Nguyễn Hạnh Duyên, một thành viên của nhóm nói.
Tiếng chim hót, tiếng điện thoại, tiếng trẻ con, tiếng gió, tiếng rót nước, còi xe… được trẻ tự kỷ cảm nhận rất rõ rệt, không thiếu một thanh âm nào. Rất nhiều người khi đeo thiết bị và bắt đầu nghe đã phải bịt tai lại vì không chịu nổi những âm thanh hỗn loạn cứ dồn đến tai mình, người lại toát mồ hôi hột và thậm chí có bạn nữ đã phát khóc vì quá hoảng sợ. “Khi mình nghe mọi thứ cùng một lần, cùng một mức độ âm thanh như nhau thì quả thật rất khó chịu. Trong đầu mình tưởng tượng ra mọi thứ đang ở rất gần, rất to nên người bắt đầu sợ hãi”, đó là cảm nhận của mọi người sau khi trải nghiệm.
Hạnh Duyên nói, các nghiên cứu đã chỉ rõ tự kỷ là một dạng khuyết tật phát triển suốt đời do rối loạn của hệ thần kinh gây ảnh hưởng đến não bộ. Các giác quan của người tự kỷ vì thế nhạy cảm hơn, họ có thể nghe, thấy rõ ràng hơn chúng ta, có thể thấy đau hơn dù chúng ta chỉ đánh nhẹ một chút. Chính vì vậy gây nhiều khó khăn và hiểu lầm trong giao tiếp, hành vi của người tự kỷ. “Đó là những kiến thức, hiểu biết cơ bản về tự kỷ song không phải ai cũng biết. Nhóm đã nghĩ làm cách nào đó, để không chỉ nói suông mà phải cho mọi người cảm nhận được cuộc sống của người tự kỷ để cảm thông cho họ. Sau đó đã thống nhất chọn thiết bị thực tế ảo để chuyển tải một phần giác quan, cụ thể là nghe để những người bình thường cảm nhận”.
Thương người tự kỷ
Vài phút trước khi bắt đầu trải nghiệm, mọi người vẫn rất mơ hồ về tự kỷ. Có người hỏi đó có phải là bệnh không, có di truyền không, có người lại nhận định tiêu cực người tự kỷ cho mình là số 1, chả thèm chơi với ai. Họ cũng cho rằng nguyên nhân dẫn đến tự kỷ là do cha mẹ, xã hội không quan tâm. Cho đến khi nghe được những lời giải thích tường tận của nhóm về tự kỷ và thử sống với những khủng hoảng mà người tự kỷ phải đối mặt, họ mới hiểu và cảm thông.
“Nếu như thế giới của bạn lúc nào cũng ồn ào như vậy từng phút từng giây thì bạn sẽ làm gì để đối phó với nó?”, câu hỏi này lần nữa khiến mọi người giật mình. Nhiều bạn trẻ nói rằng sẽ đập phá đồ, la hét hoặc tự đánh mình. Chị Lê Hoài An (33 tuổi, quận Hải Châu, Đà Nẵng), nói: “Sau trải nghiệm này, mình thấy thương những người mắc tự kỷ. Để giúp được họ, thì trước hết chúng ta phải nắm bắt được một phần tâm lý của họ, sau đó kéo họ ra thế giới bên ngoài, cùng làm việc, cùng vui chơi để giải tỏa bớt sự “hỗn loạn” bên trong họ”.
Nhóm khuyến khích mọi người tiếp cận với người tự kỷ bằng sự kiên nhẫn, bởi họ hạn chế về ngôn ngữ nhưng nhạy bén về hình ảnh. Hơn hết phải hiểu tự kỷ không phải là bệnh, nên hãy yêu thương họ một cách vô điều kiện. Ngoài ra, cần phải trân trọng người tự kỷ bởi họ có thể làm ra nhiều kỳ tích, điển hình như bà Temple Grandin bị tự kỷ khi mới lên 3, giờ đã thành GS.TS. ĐH Tổng hợp Bang Colarado (Mỹ), ngành mục súc nhờ khả năng thấu hiểu thú vật của mình.
“Trải nghiệm này mang đến hiệu quả ngoài mong đợi của nhóm. Mọi người không chỉ biết về tự kỷ mà còn hiểu đúng, cảm thông và yêu thương, rồi đồng tình với những việc làm có thể giúp ích cho họ”, Hạnh Duyên nói.
“Trẻ tự kỷ - Hiểu và yêu thương” quy tụ những bạn trẻ ở Đà Nẵng, ra đời với mục đích góp phần thay đổi những quan niệm chưa chính xác và những hiểu lầm về chứng tự kỷ. Sau dự án “Thử sống như em”, với việc cho mọi người trải nghiệm âm thanh mà người tự kỷ nghe thấy, nhóm dự tính sẽ tìm nguồn hỗ trợ kinh phí để thực hiện thêm mục tiêu trải nghiệm hình ảnh mà người tự kỷ nhìn thấy.