Thu quỹ bảo trì đường bộ: Gần 2,2 triệu đồng/xe con/năm

TP - Theo đề án thu phí bảo trì đường bộ sẽ được trình Chính phủ trong tháng này, chủ xe máy phải đóng 80.000-100.000 đồng/năm; chủ ô tô (xe 9 chỗ trở xuống, xe tải dưới 2,5 tấn) phải đóng 2.160.000 đồng/năm.

Ôtô có thể phải chịu 4 lần phí
> Khi hạ tầng, giá xe tốt, hãy thu phí

Ông Nguyễn Ngọc Đông (ảnh), Thứ trưởng Bộ GTVT kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ cho biết, nếu được thông qua, nguồn thu từ quỹ bảo trì đường bộ sẽ lên đến trên 6.000 tỷ đồng.

Thu qua đăng kiểm, đơn vị bảo hiểm

Thưa ông, khi nào thực hiện đề án quỹ bảo trì đường bộ?

Để khắc phục thiếu vốn duy tu, Bộ GTVT có giao cho Tổng cục Đường bộ xây dựng đề án quỹ bảo trì đường bộ. Sau 2 năm xây dựng và trải qua nhiều lần chỉnh sửa, hiện nay, Tổng cục đã hoàn thiện và trình Bộ GTVT, dự kiến trong tháng này Bộ sẽ trình Thủ tướng Chính phủ. Nếu được thông qua, theo kế hoạch ngày 1-7-2012, đề án sẽ được triển khai.

Đề án sẽ thu phí qua đầu phương tiện, qua đó tăng nguồn thu bổ sung cho kinh phí quản lý, bảo trì đường. Hiện tại, hằng năm, Tổng cục được cấp khoảng 2.500 tỷ đồng cho 17.000 km đường. Dự kiến, trong những năm tới, nguồn kinh phí này sẽ tăng gấp đôi nhờ vào nguồn thu của quỹ bảo trì đường bộ. Hơn nữa, đường của địa phương cũng được hưởng từ quỹ này, vì đề án xác định đường của trung ương sử dụng 50%, địa phương là 45%. Cơ bản các bộ ngành liên quan nhất trí thu trên đầu phương tiện.

Mức thu sẽ được phân bổ như thế nào?

Mức thu về cơ bản không phải là tạo ra cái mới mà chỉ chuyển hình thức thu từ ngoài đường vào đầu xe. Trước đây, trên các tuyến quốc lộ (QL) thu qua trạm thu phí. Nay do các trạm thu phí không bao quát hết được nên chuyển sang thu vào đầu phương tiện. Do vậy, sau khi đề án này đi vào hoạt động, các trạm thu phí của nhà nước trên QL sẽ được xóa bỏ (các trạm theo hình thức BT, BOT vẫn hoạt động cho đến hết hợp đồng).

Vậy nguồn thu dự kiến là bao nhiêu và sẽ được sử dụng như thế nào?

Chúng tôi dự kiến thu từ đầu phương tiện ô tô được trên 4.400 tỷ, nếu tính cả phương án thu xe máy sẽ thêm 1.900 tỷ. Cụ thể, với mức thu 180 ngàn đồng ô tô từ 9 chỗ trở xuống, xe tải dưới 2,5 tấn một tháng và xe máy từ 80 nghìn đến 100 nghìn đồng/năm, với số lượng xe ô tô xe máy hiện có thì theo tính toán mỗi năm quỹ bảo trì sẽ có khoảng 6.000 tỷ đồng.

Nguồn thu này cộng với nguồn hằng năm của nhà nước chi (khoảng 2.500 tỷ đồng) cơ bản đáp ứng được nhu cầu sửa chữa đường bộ. Sau đó, nguồn nhà nước cấp sẽ giảm dần và đến sau năm 2020, nhà nước không phải đầu tư cho quỹ này nữa.

Với xe máy, liệu mức thu như vậy có hợp lý trong khi trên QL các trạm thu phí đã bỏ việc này?

Tuy các trạm thu phí đã bỏ nhưng chúng tôi cho rằng đã tham gia giao thông thì mọi phương tiện phải bình đẳng.

Dư luận lo ngại việc tổ chức thu sẽ khó khả thi và có thể không công bằng?

Với ô tô sẽ thu qua đăng kiểm, xe máy chúng tôi đang dự kiến ủy thác cho các đơn vị bảo hiểm và cho họ hưởng phí thu là 5%. Tuy nhiên, đây chỉ là dự kiến, cái chính vẫn là sự tự giác của mọi người dân. Đối với Việt Nam, nếu thu phí bảo trì cũng ít nhiều sẽ có sự băn khoăn. Tuy nhiên, nếu nhờ có số tiền đó mà hệ thống hạ tầng giao thông sau này được xây dựng, bảo trì tốt hơn thì việc đóng góp này là điều hợp lý cần thực hiện.

500 cầu yếu khát vốn

Ông Đông nói: Theo thống kê của Tổng cục, hiện cả nước còn trên 500 cầu yếu. Các cầu này nằm chủ yếu trên QL 1, QL 70, QL 53, QL 91 và một số tỉnh lộ. Tổng cục đã phân ra 150 cầu cần phải sửa chữa và đưa vào nhóm ưu tiên 1, các cầu còn lại được đưa vào nhóm ưu tiên 2 để bố trí vốn sửa chữa hằng năm.

Ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ.

Nguyên nhân của tình trạng này có nhiều, như xây dựng đã lâu, lưu lượng phương tiện tăng, nhưng xe chở quá tải vẫn là nguyên nhân cơ bản nhất. Theo khảo sát, xe tải hiện nay lưu thông trên các tuyến QL đều chở quá trọng tải cho phép từ 10 đến 30%, thậm chí vượt gấp đôi so với tải trọng cho phép. Tổng cục đang kiến nghị với Chính phủ cho lắp đặt lại các trạm cân để kiểm soát tải trọng phương tiện. Bên cạnh đó, nghiên cứu phối hợp với Bộ Công an xây dựng văn bản kiểm soát chặt tải trọng xe. Nếu lái xe vi phạm quy định này, thay vì xử phạt rồi cho đi như hiện nay, sắp tới sẽ tạm giữ hoặc buộc các xe phải san tải mới cho lưu thông tiếp.

Tổng cục Đường bộ có những biện pháp khắc phục, sửa chữa thế nào, thưa ông?

Cái khó lớn nhất hiện nay là vốn. Hằng năm vốn cho duy tu cầu đường mới đáp ứng được 50% so với nhu cầu. Trung bình mỗi năm nhà nước giải ngân cho quỹ bảo trì khoảng 2.500 tỷ đồng trên 17.000 km quốc lộ.

Chúng ta đang kêu gọi vốn của tổ chức quốc tế như JICA (Nhật Bản). Thực tế vốn cấp cho ngành giao thông hiện nay chủ yếu là vốn đối ứng để ưu tiên phát triển các dự án ODA, còn vốn để bố trí cho các dự án sửa chữa cầu rất hạn hẹp. Các dự án tương đối cấp bách với 77 cầu cần phải cải tạo, xây mới ngay được Bộ GTVT phê duyệt nhưng do thiếu khoảng 3.000 tỷ đồng vốn nên chưa thực hiện được.

Tất cả hơn 500 cầu yếu đã được Tổng cục đưa vào kế hoạch lâu nay, ngoài 77 cầu cần thực hiện ngay, các cầu còn lại nếu có vốn sẽ thực hiện lần lượt.

Cảm ơn ông.

Theo Báo giấy