Thu Phương và diva

TP - Nhân những phát ngôn của Hà Trần liên quan tới Thu Phương và danh xưng diva được sử dụng tại Việt Nam, một lần nữa câu hỏi lại được đặt ra: Việc tấn phong này có nguồn gốc từ đâu và tại sao sau gần hai chục năm, không có thêm nữ ca sĩ nào tiếp tục “hóa” diva.

Trước hết, diva (tiếng Ý nghĩa là “nữ thần”) chỉ là từ dùng theo kiểu phiếm chỉ mang tính thời thượng. Vào đầu những năm 1990, từ diva- vốn dùng để chỉ giọng nữ thủ vai chính trong các vở opera- được đưa vào văn hóa pop do bà Annie Lennox buồn tình đặt tên album của mình là Diva. Năm 1998, kênh truyền hình VH1 ở Mỹ mở một cuộc trình diễn với tên gọi VH1 Divas tụ hội các tên tuổi Mariah Carey, Gloria Estefan, Celine Dion, Shania Twain và Aretha Franklin. Có thể thấy phong cách âm nhạc cũng như tuổi tác của các nữ ca sĩ này khá xa nhau. Người thì hát chân chất một màu, người thì biến báo khoe giọng đủ kiểu. Tuy nhiên cũng trong khoảng thời gian đó, từ “diva” thường được gắn với tên của Whitney Houston, Celine Dion, Mariah Carey hay Toni Braxton- những giọng hát có âm sắc riêng biệt và kỹ thuật vào loại thượng thừa.

Hà Trần trả lời bình luận của khán giả qua Facebook: "Khi bộ ba Lam- Nhung- Linh thành vedette trên các sân khấu lớn ở Hà Nội, thì Thu Phương vẫn chỉ là ngôi sao hát vũ trường..."

Việt Nam với tinh thần học hỏi cũng áp dụng cách gọi này cho những giọng nữ thành danh thời bấy giờ là Thanh Lam, Hồng Nhung và Mỹ Linh. Cách một quãng sau mới đến Hà Trần. Phải nói rằng Hà Trần không có khởi đầu đập phát ăn ngay như các chị mà cô vươn lên chiếm lĩnh sân khấu một cách từ từ.

Đến lúc này, những giọng nữ đủ sức làm diva quốc nội tuy rất ít nhưng không phải không có, nhưng có lẽ trào lưu này cũng đã đến lúc nhạt, chẳng ai buồn khuấy động. Có nam ca sĩ lập fanpage tự đính “The Divo” vào tên mình cũng chẳng ai nhắc nhở. Những nghệ sĩ biết chơi nhạc cụ và tự sáng tác mới đang là tâm điểm của sinh hoạt âm nhạc. Gần đây có lẽ do một số ca sĩ thị trường mượn danh ông hoàng bà chúa nhiều quá nên danh xưng diva được dùng trở lại nhiều hơn như một sự đối trọng.

Mặc cho đàn chị, đàn em bươn chải đi tìm những lối hát, những dòng nhạc mới mẻ, Phương vẫn giữ nguyên nét dung dị, mộc mạc trong giọng hát với cách xử lý luyến láy quen thuộc.

Nhiều khả năng chương trình hòa nhạc Master of Symphony số 1 hội tụ bốn diva “lịch sử để lại” và Thu Phương về mặt nào đó cũng có ý nghĩa lobby cho giọng ca đất cảng tiến tới một vị trí cao hơn nữa trong thị trường, nhân đà chị vừa gây bão truyền thông qua việc làm giám khảo Giọng hát Việt. Hình như hai chữ “lận đận” cũng có vận vào Thu Phương. Vừa làm giám khảo được khán giả trong nước quan tâm hơn thì đã lại mắc phải scandal liên quan tới các học trò. Rồi khi vừa đứng chung sân khấu với các diva thì đã lại “bị” Hà Trần nói đại ý hồi Phương vẫn đang là ca sĩ hát vũ trường thì các đàn chị đã là vedette trên sân khấu lớn. Cũng phải nói hát nhạc nhảy không phải đơn giản, không phải ai cũng làm được. Nay thì nhạc nhảy đã trở thành một dòng với các tên tuổi hot kiếm tiền hơi bị tốt, diva chưa chắc đã lại được. Còn Hà Trần chỉ đơn giản nhắc lại một dữ kiện trong lịch sử nhưng tiếc rằng cô lại là người trong cuộc nên câu chuyện bèn bị làm to ra.

Các diva đã được công chúng chấp nhận (hầu như không ai phản đối khi gọi họ là diva nữa) mặc nhiên đã tạo nên một thứ tiêu chuẩn cho danh xưng này. Và quả là đứng cạnh họ, Thu Phương vẫn có nét khác biệt. Mặc cho đàn chị đàn em bươn chải đi tìm những lối hát, những dòng nhạc mới mẻ, Phương vẫn giữ nguyên nét dung dị, mộc mạc trong giọng hát với cách xử lý luyến láy quen thuộc. Giá kể đêm nhạc nọ được đổi tên thành Thu Phương và diva, có phải chị thành ra một kiểu vedette?!