Phường Ninh Giang (thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) được xem là “thủ phủ hoa cúc Khánh Hòa”, nơi cung cấp hàng trăm ngàn chậu hoa cúc cho các tỉnh thành khu vực phía Nam vào dịp Tết hằng năm. Năm nay do dịch bệnh COVID-19, nhiều hộ dân ở Ninh Giang không dám trồng hoa Tết, các hộ dân còn lại chỉ dám trồng số lượng hoa cúc bằng 1/2 so với các năm trước.
Vẫn quyết tâm bám trụ với nghề làm hoa cúc, chị Lương Thị Mỹ Vệ (42 tuổi, ở tổ dân phố Phong Phú 2, đang thuê đất ở tổ dân phố Phong Châu, phường Ninh Giang) cho biết: Mọi năm, gia đình chị trồng từ 500 - 600 chậu, nhưng năm nay do dịch bệnh COVID-19 nên chị chỉ dám trồng 200 chậu hoa để giữ nghề. Theo chị Vệ, toàn bộ chi phí trồng hoa từ vật liệu đúc chậu, giống, phân thuốc đều tăng cao. Đã thế cả vườn hoa nhà chị bị bệnh trống lá chân (phần thân gần rễ bị hư lá) nên tiền phân thuốc cũng nặng hơn mọi khi rất nhiều. “Từ đầu mùa vụ, tôi đã lo sợ dịch COVID-19 sẽ ảnh hưởng đến việc xuất bán hoa Tết, đến bây giờ tôi càng lo lắng hơn vì tình hình dịch vẫn phức tạp mà hoa còn mắc bệnh thì khó mà có người hỏi mua. Thời điểm này năm trước đã có người đặt cọc, năm nay tôi chưa nhận cuộc điện thoại nào của thương lái”, chị Vệ thở dài.
Ngược lại, riêng ông Trần Quốc Dũng (ở tổ dân phố Phong Phú 2, phường Ninh Giang) năm trước chỉ trồng 1.200 chậu, năm nay ông trồng đến 1.500 chậu hoa. “Tôi trồng nhiều hoa hơn vì dịch COVID-19 bùng phát vào đầu vụ, tôi đinh ninh đến cuối năm dịch sẽ được kiểm soát. Nhưng đến giờ này, chỉ còn 2 tháng nữa là Tết, tôi thực sự lo lắng hoa không xuất bán được. Vụ hoa lần này cộng dồn tất cả chi phí, tôi chi không dưới 80 triệu đồng. Hằng ngày chăm sóc hoa, tôi chỉ còn biết hy vọng từ giờ đến Tết tình hình dịch bệnh giảm xuống để tôi cũng như bà con ở Ninh Giang chạy được hàng”, ông Dũng nói.
Cũng theo ông Dũng, các hộ trồng cúc ở phường Ninh Giang đến rằm tháng 7 mới cho cây vào chậu, nhưng các công đoạn như ươm giống, đúc chậu và chẻ tre làm cọc đã phải chuẩn bị từ tháng 2. Vì vậy, dường như cả năm bà con phải túc trực ở vườn hoa, không thể làm thêm việc gì khác. Đến khi hoa đơm nụ, các nhà vườn phải thuê thêm nhân công để chọn nụ, tỉa cành rất tốn kém. Nếu không bán được hàng thì tiền bạc đổ ra cũng như công sức vun trồng cả năm coi như công cốc.
“Tùy cơ ứng biến”
Theo quan sát của phóng viên, hiện các vựa hoa cúc tại phường Ninh Giang đang vào công đoạn tỉa mầm nhánh và cắm cọc tre định hình cây. Bà con ở đây đang cố gắng chăm sóc thật tốt để có những chậu cúc hoa đều, to, vàng rực và đạt chất lượng tốt nhất cho nhu cầu trưng hoa mùa Tết. Tuy nhiên, tới thời điểm này vẫn chưa có khách quen đến xem hoa và đặt số lượng nên chưa biết mặt bằng giá ra sao.
Làng nghề trồng hoa cúc Ninh Giang có 147 hộ trồng với 250 lao động và một tổ hợp tác - liên kết sản xuất kinh doanh hoa cúc giống thành lập năm 2015. Trước năm 2020, mỗi năm các hộ sản xuất khoảng 150.000 chậu hoa các loại, chủ yếu là hoa cúc đại đóa và hoa cúc pha lê. Tổng doanh thu mỗi vụ khoảng 13 tỷ đồng, sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư người làm hoa thu lãi khoảng 6 tỷ đồng. Năm 2017, Cục Sở hữu trí tuệ (thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Hoa cúc Ninh Giang”.
Ông Phan Sang - Chủ tịch Hội Nông dân phường Ninh Giang, cho biết: Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, làng hoa cúc Ninh Giang trước có 147 hộ trồng thì năm nay chỉ còn 90 hộ bám nghề. Số lượng chậu hoa cũng giảm từ 150.000 chậu xuống còn khoảng 25.000 chậu. “Mặc dù số lượng hoa không nhiều nhưng thị trường nội tỉnh không tiêu thụ hết, chỉ có thị trường TPHCM là chủ yếu nhưng trước ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch đối với lĩnh vực vận tải hàng hóa và dịch vụ, đầu ra của sản phẩm sẽ gặp khó khăn. Hoa cúc không phải là mặt hàng thiết yếu nên sức mua năm nay chắc chắn sẽ giảm”, ông Sang nhận định.
Hiện việc vận chuyển hoa cúc đi các tỉnh sẽ gặp khó khăn vì dịch bệnh vẫn đang phức tạp. Tuy vậy, các hộ trồng hoa ở Ninh Giang cũng đã lên phương án nếu không có thương lái thu mua, bà con sẽ tự thuê xe chở hoa đi bán ở các tỉnh lân cận như: Đắk Lắk, Gia Lai và TPHCM… Trường hợp tình hình dịch căng thẳng hơn và hoa không được phép vận chuyển đi các tỉnh, bà con dự tính sẽ bán lẻ cho các địa phương trong tỉnh với giá rẻ hơn.
Hỗ trợ nhà vườn quảng bá sản phẩm
Ông Huỳnh Chiếm Đạt - Phó Chủ tịch UBND phường Ninh Giang, cho biết: “Lượng hoa bà con trồng năm nay không nhiều, nếu gặp trường hợp xấu nhất là không chở đi bán được ở các tỉnh khác thì vẫn có khả năng tiêu thụ được trong tỉnh Khánh Hòa. Phường sẽ tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, liên hệ các xã bạn tại thị xã Ninh Hòa cũng như các địa phương trong tỉnh ủng hộ mua hoa cúc cho bà con phường Ninh Giang”.