Thu phí xe máy 80.000 đồng một năm
Theo đề xuất của Tổng cục Đường bộ tại đề án quỹ bảo trì đường bộ vừa trình Bộ Giao thông vận tải (GTVT), sẽ thực hiện thu phí 80.000 đồng/xe máy/năm.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Quyền - phó tổng cục trưởng Tổng Cục Đường bộ - cho biết: Tổng cục Đường bộ đã nghiên cứu đề án quỹ bảo trì đường bộ và trình Bộ GTVT nhiều lần trong năm 2010. Theo chỉ đạo của Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ đã hoàn thiện đề án trình lên bộ vào ngày 24-1 theo hướng sẽ thu phí bảo trì đường bộ theo đầu phương tiện cơ giới đường bộ đối với ôtô và môtô chứ không thu qua xăng dầu như đề xuất trước đó.
Đối với ôtô sẽ tính mức thu với từng loại xe và thu theo tháng với chu kỳ 1, 3 hoặc 6 tháng tùy theo loại phương tiện. Môtô sẽ thu theo hằng năm thông qua công tác tuyên truyền vận động và phối hợp với cơ quan bảo hiểm thu phí bảo trì đường bộ cùng với bán bảo hiểm môtô, xe máy.
Mức thu phí bảo trì dự kiến theo đầu phương tiện được áp dụng với ôtô?
Mức thu cụ thể chưa được đề xuất mà mới đưa ra chủ trương trong dự thảo để Bộ GTVT lấy ý kiến đóng góp, hoàn thiện nhằm đưa ra mức thu hợp lý trước khi trình lên Thủ tướng Chính phủ.
Nếu thực hiện thu phí bảo trì đường bộ thì các trạm thu phí đường bộ hiện nay sẽ được xử lý thế nào?
Đối với các trạm do nhà đầu tư (dạng BOT) thu phí hoàn vốn thì họ vừa thu phí vừa hoàn vốn đầu tư, vừa bảo trì công trình, quỹ bảo trì không cấp kinh phí bảo trì cho các công trình BOT nên các trạm thu phí BOT vẫn tồn tại.
Đối với các trạm thu phí trong thời gian vừa qua đã đấu thầu quyền thu phí (năm trạm) với thời hạn bán quyền thu phí năm năm sẽ tiếp tục thực hiện hết thời hạn thu phí đã được bán quyền cho các nhà đầu tư đến hết thời hạn hợp đồng.
Còn đối với các trạm thu phí hiện nay đang thu nộp vào ngân sách nhà nước để cấp lại cho công tác bảo trì đường bộ (còn hơn 20 trạm) sẽ kiến nghị để sắp xếp, chuyển đổi theo lộ trình phù hợp trong khoảng một năm rưỡi đến ba năm.
Hiện nay, số lượng trạm thu phí BOT khá nhiều, nếu tiếp tục thu phí bảo trì theo đầu phương tiện và vẫn duy trì trạm BOT sẽ không đảm bảo quyền lợi người nộp phí?
Các công trình BOT hiện nay có khoảng 16 trạm thu phí. Trong phương án đầu tư họ vừa thu phí vừa hoàn vốn đầu tư, vừa phục vụ sửa chữa các công trình BOT. Các công trình này được đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn cao, nhà đầu tư phải thu hồi vốn nên thu phí để hoàn vốn là cần thiết.
Kinh nghiệm ở các nước song song với thu phí bảo trì theo đầu phương tiện hoặc qua xăng dầu thì vẫn thu phí ở các công trình BOT cho nhà đầu tư thu hồi vốn đầu tư.
Thực tế đang có những trạm thu phí BOT vừa thu tuyến đường xây dựng theo hình thức BOT nhưng lại thu cả tuyến cũ như trạm Tào Xuyên ở Thanh Hóa. Điều này sẽ được giải quyết thế nào?
Hiện nay, có một số trạm thu phí không đặt trên công trình BOT. Cái này chúng tôi đang nghiên cứu phương án sắp xếp để đảm bảo hợp lý công bằng cho những người sử dụng đường bộ. Tuy nhiên, đối với công trình BOT, mức thu phí do Bộ Tài chính quyết định.
Vừa rồi, Bộ GTVT có văn bản đề nghị Bộ Tài chính hạ mức thu phí trạm Tào Xuyên từ 2 lần xuống 1,5 lần theo mức cơ bản của quyết định 90. Bộ Tài chính đang xem xét.
Tôi nghĩ việc điều chỉnh để phù hợp với quyền lợi của nhà đầu tư và người sử dụng đường bộ là cần thiết. Còn để làm sao hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư và người sử dụng đường bộ thì cơ quan nhà nước xem xét để đảm bảo.
Xóa bỏ và tạm dừng sáu trạm thu phí đường bộ
Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản đồng ý phương án xóa bỏ ba trạm thu phí (TTP) đường bộ và tạm ngừng hoạt động ba trạm khác theo đề nghị của Bộ GTVT và Bộ Tài chính.
Cụ thể ba trạm sẽ xóa bỏ gồm: Việt Trì (quốc lộ 2) do khoảng cách quá gần (28km) với TTP BOT đường tránh Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc); cầu Hồ (quốc lộ 38 - Bắc Ninh) do có số thu quá thấp, năm 2009 là 5 triệu đồng; TTP km58 - quốc lộ 18 do có khoảng cách quá gần (34km) với TTP Phả Lại.
Ba TTP tạm dừng thu phí là Yên Thành (quốc lộ 7 - Nghệ An), Hồng Lĩnh (quốc lộ 8) và trạm số 3 - quốc lộ 14. Đây là các trạm có số thu thấp, nằm trên đoạn đường đang được đầu tư thi công. Các trạm này tạm dừng thu phí nhưng vẫn giữ nguyên trạng, khi có điều kiện sẽ tiếp tục thu phí. Riêng TTP Sóc Sơn - quốc lộ 3 sẽ bàn giao nguyên trạng cho TP Hà Nội vì nằm trên tuyến đường đã bàn giao cho Hà Nội quản lý.
Ông Nguyễn Ngọc Đông - thứ trưởng Bộ GTVT kiêm tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN - cho biết do từ khi có quyết định của Thủ tướng (ngày 20-1) đến Tết Nguyên đán quá gấp và chưa sắp xếp được cho các lao động dôi dư tại các TTP trên nên không kịp triển khai xóa bỏ và dừng các TTP này trước tết. Sau tết, Tổng cục Đường bộ sẽ họp với các đơn vị liên quan và người lao động tại các trạm để sắp xếp và triển khai dừng hoạt động của các TTP nói trên.
Sẽ thu trực tiếp từ đầu phương tiện
Trong đề án sửa chữa trình lên Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ đã kiến nghị nên thu phí bảo trì đường bộ trực tiếp từ đầu phương tiện cơ giới đường bộ. Theo đó sẽ thu trực tiếp từ đầu phương tiện theo kilômet xe chạy đối với ôtô các loại, trước mắt thực hiện thu theo tháng, quý hoặc kỳ đăng kiểm; kiểm soát thông qua công tác kiểm tra định kỳ về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
Dù chưa đưa mức thu cụ thể nhưng với số lượng ôtô đã qua kiểm định an toàn tại thời điểm 30-11-2010 là 1.256.488 chiếc, Tổng cục Đường bộ ước tính số phí sử dụng đường bộ thu được từ loại phương tiện này sẽ đạt mức 4.535 tỉ đồng/năm. Sau khi trừ chi phí tổ chức thu (dự tính 1,5%, khoảng 68 tỉ đồng/năm), số tiền quỹ thu được từ đầu phương tiện ôtô khoảng 4.467 tỉ đồng.
Với hình thức thu trực tiếp hằng năm từ đầu phương tiện là môtô, xe máy, mức thu tính toán một xe/năm là 80.000 đồng đối với xe gắn máy, 100.000 đồng đối với môtô loại 1, 120.000 đồng đối với môtô loại 2, 150.000 đồng đối với môtô loại 3.
Với số môtô, xe máy đang lưu hành đến thời điểm 30-11-2010 là 31.155.154 chiếc, số phí sử dụng đường bộ thu được từ loại phương tiện này đạt khoảng 3.243 tỉ đồng/năm. Trong giai đoạn đầu hình thành quỹ, số thu này dự kiến đạt khoảng 1.600 tỉ đồng/năm. Sau khi trừ chi phí tổ chức thu (dự tính 5%, khoảng 80 tỉ đồng/năm), số tiền quỹ thu được từ đầu phương tiện môtô, xe máy khoảng 1.520 tỉ đồng.
Hình thức thu loại phí này là: chủ các phương tiện môtô, xe máy sẽ phải trả phí sử dụng đường bộ theo năm cùng với năm mua bảo hiểm phương tiện. Số tiền còn lại sau khi trích để lại cho đơn vị tổ chức thu sẽ được chuyển vào quỹ bảo trì đường bộ địa phương. Khi có quy định về kiểm định khí thải đối với môtô, xe máy, công tác tổ chức thu sẽ được thực hiện cả ở các trạm kiểm định an toàn kỹ thuật xe và bảo vệ môi trường.
Như vậy, theo phương án thu qua đầu phương tiện, nguồn thu của quỹ bảo trì đường bộ đạt khoảng 6.035 tỉ đồng/năm.