Vay không trả, huynh đệ tương tàn
Bị cả người thân đôi bên tố cáo về việc vay nợ không trả, đôi vợ chồng Phan Thị Lệ Thu- Nguyễn Đăng Hùng đã khiến mối quan hệ gia tộc trở nên thâm thù .
Sau nhiều lần vay vợ chồng người anh ruột là ông Nguyễn Đăng Hải-bà Huỳnh Thị Thưởng, vợ chồng Hùng-Thu xin gán nợ bằng cách ký giấy thỏa thuận bán căn nhà số 80 đường Phạm Hồng Thái phường Tự An, TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) cho vợ chồng ông Hải với giá 1 tỷ đồng. Giấy tờ ký xong, đòi mãi mà vợ chồng Hùng- Thu vẫn không giao bìa đỏ căn nhà, ông Hải lần hồi tìm hiểu mới biết trước ngày ký giấy, bìa đỏ này đã bị thế chấp ngân hàng để vay 400 triệu đồng. Sau ngày ký giấy, bìa đỏ lại được vợ chồng Hùng-Thu rút ra, thế chấp nơi khác vay 900 triệu. Rốt cục, Hùng-Thu lại bán căn nhà này cho người khác, bìa đỏ đã thay tên đổi chủ.
Bố mẹ ruột của anh em Hải, Hùng là ông Dương, bà Cháu đã làm đơn tố cáo hành vi lừa đảo của vợ chồng Hùng-Thu. Ông bà Dương-Cháu xác nhận chính Hùng-Thu quỵt nợ lại còn hăm dọa anh chị mình. Ông bà Dương-Cháu đề nghị “điều tra đúng theo pháp luật, không để kẻ lừa đảo nhởn nhơ”. Mới đây, vợ chồng em gái của bà Lệ Thu cũng ký đơn tố cáo vợ chồng Hùng-Thu còn sở hữu nhiều tài sản có giá trị, nhưng đã chiếm dụng nhiều khoản tiền vay của người khác, trong đó riêng các khoản vay của bố mẹ và anh em bà Thu tổng cộng đã hơn 2 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra và kiểm sát 2 cấp tỉnh, thành tại Đắk Lắk đã có văn bản trả lời ông Hải, rằng chuyện vay mượn giữa anh em ông chỉ là quan hệ dân sự. Ông Hải liệt kê tới nay đã gửi đi gần 200 lượt đơn, nhận về hơn 40 công văn hồi âm, sự vụ vẫn chưa kết thuc.
Bị xù trăm tỷ, chủ nợ đòi chết !
Nhiều người ở Buôn Ma Thuột biết bà Vũ Thị Thúy Thu Hồng là một “chị cả” trong nghề cho vay. Dù mức lãi không quá cao, bà Hồng có thời sở hữu hàng chục cơ ngơi bất động sản. Mỗi năm, dịp cận tết, vợ chồng con cái bà đều tổ chức phát quà trị giá vài chục triệu đồng, gọi là “chia lộc” cho hàng trăm người tàn tật nghèo ở nội thành Buôn Ma Thuột.
Vài năm trở lại đây, bà Hồng rơi vào vòng xoáy kiện tụng nhiều con nợ. Đa số khi xin vay đều thế chấp bằng bìa đỏ, quá hạn trả bà Hồng mới biết bất động sản đó đã bị thế chấp vay nợ nơi khác, thậm chí đã bị bán, các tài sản khác của con nợ đều đã kịp tẩu tán, đứng tên thân nhân. Không ít vụ được cơ quan điều tra xác định chỉ là quan hệ dân sự. Đại diện thi hành án dân sự địa phương bảo bà Hồng: Khi nào biết “nó” có tài sản chính danh ở đâu thì báo để họ thi hành. Bà Hồng bó tay.
Trong số con nợ bất tín với khoản vay lớn nhất, dây dưa lâu nhất, là vụ đôi vợ chồng Hồng Vân- Văn Thảnh, từ 10 năm trước đã mang các giấy tờ chứng nhận bà Vân là chủ trường Mầm non tư thục 1/6, và bản gốc bìa đỏ ngôi trường này đến vay tiền bà Hồng, để xây trường. Trường đi vào hoạt động cả chục năm, bà Hồng vẫn không đòi được nợ. Tháng 2/2016 Chi cục Thi hành án Dân sự TP Buôn Ma Thuột ra quyết định yêu cầu ông bà Vân-Thảnh phải trả cho bà Hồng số nợ còn lại hơn 11,6 tỷ đồng. Đến nay, quyết định vẫn chỉ nằm trên giấy, bà Vân đã chuyển chức danh chủ trường cho người khác .
Trong số những người vay tiền nhưng giờ lại “xù”nợ bà Hồng có cả cán bộ, đảng viên. Hồ sơ thể hiện từ năm 2010, khi đang là Phó giám đốc Sàn giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột, ông Nguyễn Tú đã nhiều lần vay- trả với bà Hồng. Cuối năm 2011, ông Tú đưa vợ là bà Trần Thị Tho- chị dâu của vợ ông Trần Hiếu phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk khi đó, đến vay tiền bà Hồng, thế chấp bằng 1 bìa đỏ đất mà tỉnh Đắk Lắk cấp cho doanh nghiệp tư nhân Trực Phát do bà Tho làm giám đốc để xây văn phòng.
Đến hạn, bà Tho không trả nợ, bà Hồng tìm hiểu mới biết nửa tháng trước ngày vợ chồng bà Tho đến vay tiền, phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hiếu đã ký văn bản chấm dứt chủ trương dự án xây văn phòng của doanh nghiệp Trực Phát, do quá hạn nhiều năm không triển khai. Ngày 8/9/2012 Tòa án Buôn Ma Thuột ra quyết định công nhận thỏa thuận giữa đôi bên, buộc vợ chồng Tú-Tho phải trả cho bà Hồng hơn 2 tỷ 14 triệu đồng tiền nợ. Nhưng đến nay, vợ chồng Tú-Tho vẫn không trả. Ông Nguyễn Tú hiện là Bí thư chi bộ, giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại thuộc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk. Sáng 30/11 bà Hồng đến Trung tâm tìm ông Tú, nhân viên bảo giám đốc ốm mấy ngày rồi không đến cơ quan. Điện thoại, ông Tú không nghe máy. Đến nhà ông Tú thì cổng kín cao tường, cửa im ỉm khóa.
Bà Hồng ôm chồng hồ sơ đòi nợ đến khóc với phóng viên báo Tiền Phong, cho biết hiện người ta nợ bà hơn 100 tỷ đồng, hồ sơ các khoản vay này hiện đã chất đầy 1 va ly, các con nợ đều xác nhận có nợ, nhưng bà không cách nào đòi được. Ngược lại, bà đang nợ hơn 20 tỷ trong và ngoài ngân hàng, đã phải thế chấp tất cả tài sản đi vay để mỗi ngày trả cả chục triệu đồng tiền lãi. Điều khiến bà bức xúc muốn chết, là chẳng hiểu vì sao những kẻ lừa đảo rõ ràng vẫn không bị nghiêm trị.
Trao đổi với đại diện báo Tiền Phong khu vực Tây Nguyên, ông Lê Quang Tiến, Viện phó Viện KSND tỉnh Đắk Lắk xác nhận: Số vụ tố cáo về tình trạng vay tiền không trả trên địa bàn mấy năm gần đây tăng mạnh. Với các giao dịch cho vay lấy lãi trong dân, quan điểm của Viện là chuyển sang án dân sự. Nếu phía cho vay tính lãi cao hơn 10 lần, so với mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định, thì sẽ bị xử lý về tội cho vay nặng lãi. Còn phía đi vay khi tính chất lừa đảo quá rõ, ví dụ con nợ đem một bìa đỏ thế chấp nhiều nơi, mới bị khởi tố hình sự .