Cơ duyên nào đưa Minh Thu đến với Phú Quang?
Tôi yêu nhạc Phú Quang từ hồi mới đi hát. Năm ngoái, tôi định làm một đĩa nhạc về Hà Nội, trong đó không thể thiếu những ca khúc nổi tiếng của Phú Quang. Tuy nhiên, vì người hợp tác không tâm đầu ý hợp nên dự án đành bỏ dở. Đúng lúc nhạc sĩ Phú Quang làm show. Trước đó, ông đã nghe tôi hát nhạc ông ở vài nơi, nên mời tôi tham gia.
Sau show diễn, ông nói, mà tôi cũng không rõ là có đùa không: “Em làm một đĩa nhạc của anh đi, vì em hát nhạc anh rất riêng!”. Tôi mới đùa: “Em không có tiền!” Ông bảo: “Anh cho vay!” Câu nói đó khiến tôi suy nghĩ rất nghiêm túc, và quyết định làm một album nhạc Phú Quang.
Từng ra riêng 1 đĩa Phó Đức Phương và bây giờ Phú Quang, bạn cảm nhận âm nhạc của hai người khác nhau thế nào?
Phó Đức Phương hay viết về cái Ta- hồn thiêng sông núi. Tình yêu đôi lứa rất ít ở các tác phẩm của ông. Ông sử dụng chất liệu âm nhạc dân gian đồng bằng Bắc Bộ, thách thức ca sĩ bằng những bài hai quãng tám chất ngất, nốt phụ nhiều hơn nốt chính đòi hỏi ca sĩ phải uốn éo luyến láy tới mức… ma quái. Hát Phó Đức Phương để “tới”, cần quá nhiều yếu tố kỹ thuật, nội lực và trên hết là sự kiên trì, bền bỉ học thuộc nốt phụ (có khi tới 16 nốt quanh một nốt chính).
Cách truyền tải của Phó Đức Phương rất cực đoan khiến nhiều đại thụ trong làng ca sĩ trầy trật, có khi đầu hàng vì sự tỉ mẩn, khắt khe. Và đã có những va chạm, bất đồng, thậm chí bực bội giữa tôi và nhạc sĩ trong những lần thu âm CD Phó Đức Phương.
Phú Quang khác hoàn toàn, rất dí dỏm, hài hước trong lúc truyền tải tinh thần và cách xử lý từng lời hát. Phú Quang không thị phạm và “ầm ĩ” như Phó Đức Phương mà tạo cho ca sĩ chủ động, tự tin khi thu âm.
Nhạc Phú Quang tôi thấy gần gũi hơn, đời hơn. Và trong cách yêu, cách cảm Hà Nội, nó đồng điệu với tôi vô cùng. Hà Nội ngày trở về đã không biết bao lần làm tôi bật khóc khi hát. Nhạc Phú Quang cũng giống Trịnh Công Sơn ở chỗ nghe hay, thuộc dễ, nhưng để hát ra chất và tới lại không dễ dàng. Cái buồn trong nhạc Phú Quang không phải do túng thiếu vật chất, mà là sự cô đơn của lớp người duy mỹ, tham ái và luôn có gì đó trăn trở, đau đáu về những điều không trọn vẹn…
Những khó khăn bạn gặp phải khi làm đĩa Phú Quang?
Không thể gọi là khó khăn, mà nó là một cú khủng hoảng “vĩ đại” nhất cuộc đời ca sĩ. Làm việc về phần phối khí xong với nhạc sĩ Việt Anh được hai tháng, tôi phát hiện ra một khối u nang to khủng khiếp chèn giữa hai dây thanh, gần như tắt tiếng một tháng trời. Ba, bốn bệnh viện và bác sĩ giỏi nhất Hà Nội đều quyết định: Phải mổ cắt khối u. Và kết cục giã từ mãi mãi nghề hát là điều hoàn toàn có thể xảy ra, nếu rủi ro vết sẹo sau mổ biến dạng. Lúc này, những giọt nước mắt hằng đêm không ngớt tuôn rơi, tôi sợ hãi và day dứt lắm, đã chuẩn bị tâm lý chuyển nghề. Tháng 11/2016 là chuỗi ngày cấm khẩu như một người câm sau ca mổ. Bác sĩ dặn một tháng sau mổ mới được nói nhưng 8 ngày tôi đã nói, 12 ngày sau đã hát. Cho nên hai tháng sau dây thanh bị nề, lại bắt đầu chuỗi ngày “sống trong sợ hãi”. Nhưng do phải tìm đủ mọi cách để hát ra tiếng nên tôi lại phát hiện ra nhiều kỹ thuật hay ho…
Minh Thu đôi khi giống như người đàn bà trang điểm sơ sót một tí, nhưng thà như thế còn hơn là nhìn những gương mặt quá giả. Lăng-xê một ca sĩ tôi rất thận trọng. Đầu tiên lăng xê Ngọc Anh tôi chỉ để cô hát một bài trong đĩa. Chín bài kia do bốn ca sĩ nổi tiếng hát. Ba tháng sau, ra đĩa thứ hai, Ngọc Anh hát 5 bài. Bốn ca sĩ kia hát 5 bài. Sau đó tôi làm nhiều hơn thì có khán giả hỏi: “Ngọc Anh hát thế nào mà anh cho hát lắm thế?”. Tôi bảo chẳng có tiêu chí gì cả, hát hay thì tôi mời.
Khán giả nghe Minh Thu hát có thể lay động từ trái tim, còn tôi lay động trong đầu. Đỡ đầu cho ca sĩ thì tôi rất khó tính. Thời gian đầu làm việc với Tấn Minh, tôi khó lắm, nói phũ lắm. Nhưng sau này Minh trở thành người hát rất hay. Ngày xưa khi giới thiệu Lê Dung, tôi mắng đến mức cô ấy tự ái, bảo: “Em cũng học ở Tchaikovski”. Tôi nói: “Anh thì không học ở Tchaikovski, nhưng anh có học nhạc 21 năm. Nếu định làm ca sĩ thì anh sẽ đến học em. Còn để hát cho đúng bài thì em phải học anh”.
Nhạc sĩ Phú Quang