Bệnh viện Thú y thuộc Viện Thú y quốc gia (Trường Chinh, Hà Nội) những ngày này tấp nập người đưa thú cưng đi khám và chăm sóc đặc biệt. Nắng nóng là nguyên nhân chính gây bệnh về hô hấp, cảm, bệnh dại... trên vật nuôi.
Khoảng 8h-10h và 16h-21h, phòng khám chưa đầy 15 m2 của Bệnh viện Thú y nườm nượp "bệnh nhân".
"Những ngày nắng nóng này, số lượng thú cưng đến viện tăng gấp 3 lần. Mỗi ngày trung bình 50-60 ca", bà Phạm Thị Lan Hương, Quản lý Bệnh viện Thú y cho biết. Vật nuôi khi đến khám được theo dõi lâm sàng, nếu bị sốc nhiệt sẽ ngay lập tức được tiêm thuốc hạ sốt, thuốc cầm máu để tránh vỡ mạch máu mũi, truyền dịch, chườm mát, cắt bớt lông.
Nhiệt độ thích hợp để nuôi thú cưng là 28-30 độ C. Những vật nuôi có bộ lông dài hoặc giống nhập ngoại thường gặp tình trạng sốc nhiệt do không thích nghi được khí hậu Việt Nam.
Các triệu chứng dễ thấy là vật nuôi thở dốc, thân nhiệt cao, chảy máu mũi, tứ chi co cứng, co giật...
Vật nuôi sẽ được truyền nước và đường để hạ sốt, tránh mất nước. Mỗi bình truyền cùng lúc cho nhiều con vật.
Để giữ an toàn, y tá phải cố định tứ chi vật nuôi để tránh bị cắn, cào khi tiếp xúc.
Chó là giống dễ hấp thu nhiệt nhưng lại hạn chế giải phóng nhiệt, nên khi nhiệt độ quá nóng, nguy cơ đột quỵ là rất cao
Mỗi vật nuôi được nhốt riêng từng khu và từng lồng. Các lồng, chuồng được vệ sinh theo giờ.
Quạt và điều hoà giữ cho nhiệt độ phòng ở mức 25 độ C. Đợt nắng nóng bắt đầu từ ngày 28/6, dự báo sẽ kéo dài đến 6/7 ở Bắc và Trung Bộ. Nhiệt độ những ngày nóng nhất khoảng 40 độ C, ngoài trời có thể cao hơn 5 độ.