Ngày 27/5, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng ký ban hành Chỉ thị số 04/ về một số giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng những tháng cuối năm 2016. Người đứng đầu ngành ngân hàng khẳng định sẽ thực hiện quyết liệt và đồng bộ các giải pháp. Chỉ thị 04/CT-NHNN có hiệu lực thi hành ngay.
Vốn rót giao thông, BĐS vào 'tầm ngắm'
Thống đốc yêu cầu các đơn vị bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ và hoạt động ngân hàng để điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ; điều tiết chủ yếu thông qua nghiệp vụ thị trường mở, tái cấp vốn với thời hạn, khối lượng và lãi suất hợp lý để hỗ trợ thanh khoản và nguồn vốn cho các tổ chức tín dụng nhưng đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Cùng với đó, Chỉ thị nhấn mạnh phải kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống cũng như từng tổ chức tín dụng; có biện pháp xử lý nghiêm các tổ chức tín dụng vi phạm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng theo thông báo của Ngân hàng Nhà nước; Tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, nhất là các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khởi sự doanh nghiệp.
Đặc biệt, người đứng đầu NHNN đã yêu cầu phải theo dõi, giám sát chặt chẽ và cảnh báo tổ chức tín dụng có quy mô và tốc độ tăng trưởng tín dụng ở một số ngành, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như tín dụng trung, dài hạn, tín dụng đối với nhóm khách hàng lớn, tín dụng đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản, tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông; Hướng tín dụng lĩnh vực bất động sản vào dự án nhà ở xã hội, các dự án nhà ở thương mại đáp ứng nhu cầu thực của người dân theo chủ trương của Chính phủ. Rà soát để sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới chính sách, quy trình, quy chế nội bộ về cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro và các dự án thu hồi vốn thời gian dài nhằm đảm bảo kiểm soát rủi ro đối với các lĩnh vực này.
Rà soát để chỉnh sửa, hoàn thiện khung pháp lý về cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng cho phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan và điều kiện thực tế hoạt động của tổ chức tín dụng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.
Tỷ giá theo sát diễn biến thị trường
Lãnh đạo NHNN cũng khẳng định các đơn vị NHNN cần tiếp tục công bố tỷ giá trung tâm hằng ngày phù hợp với mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ, thực hiện các giải pháp nhằm ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ phù hợp với mục tiêu điều hành kinh tế vĩ mô và chính sách tiền tệ; Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm quản lý có hiệu quả thị trường ngoại hối, đảm bảo phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chống đô la hóa của Chính phủ.
Cùng đó, Thống đốc chỉ thị các TCTD chấp hành nghiêm túc các quy định và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và các quy định khác của pháp luật về lãi suất huy động và cho vay, phí cho vay, các quy định về mua bán ngoại tệ, niêm yết tỷ giá và giao dịch trên thị trường ngoại tệ, quản lý ngoại hối... Chủ động phát hiện và chấn chỉnh, xử lý nghiêm người đứng đầu các chi nhánh, đơn vị trực thuộc của tổ chức tín dụng để xảy ra vi phạm, báo cáo Ngân hàng Nhà nước; Tăng cường năng lực tài chính, quản trị rủi ro, chất lượng tài sản, chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu; tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn, bảo mật hệ thống công nghệ thông tin trong hoạt động ngân hàng.
Kiểm soát chặt chẽ quy mô, cơ cấu tín dụng ngắn hạn, trung và dài hạn, bằng đồng Việt Nam và ngoại tệ phù hợp với khả năng, kỳ hạn và cơ cấu huy động vốn
Giảm lãi suất cho vay
Trên cơ sở chỉ đạo và các giải pháp điều hành của NHNN, Thống đốc còn đề nghị các tổ chức tín dụng chủ động cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn để đảm bảo thanh khoản, ổn định lãi suất huy động, có điều kiện giảm lãi suất cho vay; chú trọng quản lý rủi ro thanh khoản, rủi ro chênh lệch kỳ hạn và loại tiền, đảm bảo an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng; Rà soát và cân đối khả năng tài chính để áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay; thực hiện tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng vay nhưng đảm bảo an toàn tài chính trong hoạt động.
Cùng đó, kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng phù hợp với khả năng huy động vốn và theo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đã được Ngân hàng Nhà nước thông báo, đảm bảo tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong tiếp cận vốn tín dụng; kiểm soát chặt chẽ các khoản cho vay đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ. Tăng cường công tác thẩm định, giám sát việc sử dụng vốn vay, đảm bảo đúng mục đích, hạn chế nợ xấu mới phát sinh.
Chủ động nghiên cứu, xây dựng các chương trình cho vay với lãi suất hợp lý kết hợp với việc đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục vay vốn nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay và phù hợp với quy định của pháp luật, nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng. Tăng cường minh bạch hóa thông tin tín dụng, tuyên truyền và hướng dẫn khách hàng vay.
Nợ xấu phải dưới 3%
Lãnh đạo NHNN yêu cầu cần chủ động triển khai các giải pháp cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu gắn với việc triển khai Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế. Trong đó tập trung xây dựng Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020, đẩy mạnh xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường; thực hiện phân loại các khoản nợ đã mua từ tổ chức tín dụng để có biện pháp xử lý nợ xấu một cách hiệu quả. Sớm có cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển thị trường mua, bán nợ và khuyến khích sự tham gia của các nhà đầu tư trong và ngoài nước; phát huy vai trò của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam trong việc xử lý, thu hồi nợ xấu, bảo đảm quyền lợi của chủ nợ.
Tiếp tục triển khai phương án cơ cấu lại, thực hiện các biện pháp xử lý nợ xấu, phấn đấu duy trì bền vững tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống dưới 3%.