Ảnh: Hồng Vĩnh.
Tại Hội nghị triển khai kế hoạch, hướng dẫn nghiệp vụ xuất bản năm 2011 do Cục Xuất bản (Bộ Thông tin-Truyền thông) tổ chức ngày 10-3, ông Phạm Minh Thuận, Tổng giám đốc Cty Phát hành sách TPHCM (Fahasa) đi thẳng vào vấn đề của ngành xuất bản. Bởi trong báo cáo tổng kết hoạt động xuất bản năm 2010, còn khuyết phần đánh giá về xu thế thị trường, cũng như thế giới trong lĩnh vực này.
“Năm 2009-2010, Borders- hệ thống nhà sách lớn nhất nước Mỹ phải đóng cửa 200/500 nhà sách, vì sách truyền thống không cạnh tranh được với sách điện tử. Cũng tại Mỹ năm qua, sách điện tử được mua và tải về nhiều hơn sách truyền thống ở một số best-sellers.
Ở Việt Nam do công nghệ chưa phát triển và thói quen tiêu dùng, nên sách truyền thống chưa chịu nhiều ảnh hưởng. Nhưng hai, ba năm tới lớp trẻ tiếp cận nhiều với xu thế hiện đại khiến nhu cầu sách điện tử tăng nhanh”, đại diện Fahasa nói. Đơn vị này cũng cho rằng dường như ngành xuất bản Việt Nam chưa hề chuẩn bị đón xu hướng này.
Cục trưởng Nguyễn Kiểm giải thích: “Thực ra, trước đó trong giao ban xuất bản giữa năm ngoái tại Đà Nẵng, nguyên giám đốc NXB Trẻ có trình bày chuyên đề sách điện tử.Tại Triển lãm-Hội chợ sách quốc tế Việt Nam tháng chín vừa qua, cùng ban tổ chức Hội chợ sách Frankfurt, Việt Nam có cuộc hội thảo quy mô lớn về sách điện tử.
Cử tọa ngồi đến tận gần một giờ chiều không ai muốn rời, vội vàng tranh thủ ăn trưa rồi tiếp tục nghe. Tuy nhiên, theo nhà tổ chức hội chợ sách Frankfurt, doanh thu sách điện tử chưa đến mức báo động”.
Ông Kiểm nói thêm: Cảnh báo của Fahasa đáng lưu tâm, nhưng các nhà xuất bản phải lo liệu. Chẳng hạn như Fahasa tự lập dự án sách điện tử, thậm chí bỏ 2.500 USD cho hơn hai giờ lắng nghe chuyên gia nước ngoài nói về sách điện tử.
Đại diện Cục cũng tranh thủ đặt hàng Fahasa, tiến hành cuộc điều tra nghiêm túc xem độc giả nước nhà quan tâm vấn đề gì, lắng nghe thông tin thị trường. Mọi người chờ đợi thông tin này trong cuộc giao ban giữa năm nay.
Nói vậy chứ không có nhiều ý kiến sắc sảo từ phía nhà xuất bản khi nhìn lại năm hoạt động vừa qua. Như lời một cử tọa, các nhà xuất bản hầu như đều kêu khó kêu khổ. Đúng, nhưng nhìn từ góc độ người kinh doanh sách, chưa bao giờ Việt Nam hội tụ yếu tố cho sự phát triển như bây giờ: Xã hội có tri thức và kinh tế phát triển. Người đọc sẵn sàng bỏ nhiều tiền đầu tư cho sách, phải cái khó tính hơn nhiều lần.
Càng ngày càng nhiều công ty truyền thông, văn hóa tư nhân chiếm lĩnh thị trường sách, đủ lĩnh vực kinh tế, văn hóa xã hội, sách tham khảo. Nhưng số biên tập viên, người làm sách ấy dường như vắng bóng trong các cuộc hội nghị, khó tác động tới thị trường. Vì thực tế, các đơn vị truyền thông này quyết định số lượng in và bản thảo, nắm bắt nhu cầu thị trường.
Theo Fahasa, không tính Nhà xuất bản Giáo dục-chiếm khoảng 70% doanh thu toàn ngành xuất bản, trong 10 đơn vị doanh số lớn nhất, chỉ có hai đơn vị của nhà nước: Kim Đồng (15 tỷ đồng) và NXB Trẻ (14 tỷ đồng). Còn lại đều là tư nhân, thấp nhất cũng doanh thu 5 tỷ đồng như: Trí Việt, Đông A, Đinh Tỵ, PNJ (Nhà sách Phương Nam), Nhã Nam.
Vấn đề nổi cộm năm qua: Đăng ký kế hoạch xuất bản không phù hợp tôn chỉ, mục đích- tập trung ở loại sách pháp luật, tôn giáo, phong thủy.
Chưa hết sai phạm về in tăng số lượng, đổi tên tác giả, tên xuất bản phẩm nhưng không báo cáo, ở một số NXB: Lao Động, Thanh Niên, Văn Học, Văn hóa-Thông tin… kèm theo hiện tượng buông lỏng quy trình đọc duyệt nội dung, ký duyệt xuất bản phẩm. Biên soạn lại truyện cổ tích, dân gian dành cho thiếu nhi làm mất đi tính trong sáng, gây phản ứng trong xã hội.