Tháng trước, Anh tuyên bố sẽ chuyển hai tàu săn mìn của Hải quân Hoàng gia Anh cho Hải quân Ukraine. Hai con tàu, có tên ban đầu là HMS Grimsby và HMS Shoreham, đã được đổi tên thành Chernihiv và Cherkasy ở Glasgow vào tháng 6, và sẽ giúp Ukraine duy trì tuyến đường quan trọng cho vận tải thương mại đi qua Biển Đen.
Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ - vốn là thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mới đây đã thông báo với các thành viên trong liên minh rằng nước này sẽ không cho phép các tàu săn mìn Anh đi qua Eo biển Bosphorus và Dardanelles trên Biển Đen chừng nào xung đột ở Ukraine vẫn tiếp diễn.
Khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát vào tháng 2/2022, Thổ Nhĩ Kỳ đã kích hoạt Công ước Montreux 1936, hạn chế việc đi lại của tàu quân sự thuộc các bên tham chiến.
Công ước không áp dụng với các tàu trở về căn cứ, nhưng cả Nga và Ukraine đều không bày tỏ ý định đưa tàu chiến đi qua các eo biển của Thổ Nhĩ Kỳ tới Biển Đen trong lúc xung đột.
Thổ Nhĩ Kỳ vào thời điểm đó cũng cảnh báo các quốc gia không giáp Biển Đen không đưa tàu chiến đi qua các eo biển nói trên.
Theo Công ước Montreux, tàu chiến của các bên không tham chiến có thể đi qua các eo biển trong thời gian chiến tranh. Nhưng công ước cũng ghi rõ Ankara có quyền đưa ra quyết định cuối cùng về việc di chuyển của tất cả các tàu chiến, nếu Thổ Nhĩ Kỳ nhận thấy mình có nguy cơ bị lôi kéo vào một cuộc xung đột.
Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai Montreux một cách khách quan và tỉ mỉ để ngăn chặn leo thang ở Biển Đen, Ankara cho biết. Thổ Nhĩ Kỳ duy trì mối quan hệ tốt đẹp với cả Kiev và Mátxcơva bất chấp xung đột.