Ngày 6/10, Uỷ ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc TPHCM giai đoạn 2016-2021.
Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Nguyễn Thị Hồng Thắm, dự thảo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2019 - 2021 sắp xếp lại 19 phường thuộc các quận 2, 3, 4, 5, 10, Phú Nhuận và thành lập Thành phố Thủ Đức trên cơ sở sắp xếp 3 quận 2, 9 và Thủ Đức.
Dự kiến, sau khi Đề án này được triển khai, TPHCM sẽ chỉ còn 22 quận huyện (16 quận, 1 thành phố và 5 huyện), 312 xã, phường, thị trấn (249 phường, 58 xã và 5 thị trấn).
“Ngày 5/10 vừa qua, cử tri tại các quận 2, 9, Thủ Đức đã bỏ phiếu và thống nhất cao về việc thành lập Thành phố Thủ Đức cũng như sáp nhập một số phường trên địa bàn sinh sống của cử tri”, bà Thắm thông tin.
Tại hội nghị, thiếu tướng Phan Anh Minh, nguyên Phó Giám đốc Công an TPHCM lưu ý, việc sắp xếp các đơn vị hành chính phải quan tâm đến việc ổn định cuộc sống lâu dài cho người dân; tránh xáo trộn, gây phiền hà.
Về việc thành lập thành phố Thủ Đức, thiếu tướng Phan Anh Minh cho rằng thành phố mới được sáp nhập từ ba quận 2, 9 và Thủ Đức. Nếu thẩm quyền vẫn chỉ như một đơn vị hành chính cấp huyện thì rất khó thực hiện công vụ khi được giao khối lượng quản lý rất lớn, nhất là tổng thu ngân sách và dân số thành phố Thủ Đức thậm chí có thể còn lớn hơn một số tỉnh.
Ông Phan Anh Minh dẫn chứng: Thẩm quyền Chủ tịch, Trưởng Công an, các trưởng ban ngành của thành phố Thủ Đức đều là thẩm quyền cấp huyện nhưng lại phải thực hiện những chuyện lớn hơn. Chiếc áo hiện nay đang mặc đã quá chật, nếu 3 người cùng mặc chung cái áo thì càng chật hơn. Vì vậy, đi đôi với xin ý kiến thực hiện đề án, TPHCM cần kiến nghị Quốc hội có Nghị quyết để tăng thẩm quyền cho thành phố Thủ Đức, kể cả thẩm quyền về xử phạt hành chính.
Ngoài ra, ông Minh còn cảnh báo việc quản lý nhân khẩu tạm trú và vãng lai sau khi thành lập thành phố sẽ rất khó khăn vì số lượng biến động rất nhanh, khó nắm rõ. Đề án cần phải tính tới điều kiện địa lý của các quận sau sáp nhập đều đang có tốc độ đô thị hóa rất nhanh, có rất đông người dân nhập cư.
Về đề án sáp nhập 19 phường trên địa bàn TPHCM, nguyên Phó giám đốc Công an TPHCM cho rằng cần tính toán kỹ để tránh gây xáo trộn đời sống người dân. Theo đề án, phường 6, 7, 8 (quận 3) được sáp nhập thành phường Võ Thị Sáu. Việc lấy tên nhân vật lịch sử này đặt tên phường mới sáp nhập thì liệu có phù hợp, khi mà người dân cả 3 phường đều phải thay đổi hồ sơ, giấy tờ.
Theo thiếu tướng Phan Anh Minh, thực tế có những tên đường, địa danh thời gian qua đổi tên tùy tiện, có nơi đổi tên ba lần mà vẫn muốn đổi tiếp. Và, mỗi lần đổi tên không chỉ gây khó khăn cho người dân mà cán bộ quản lý địa bàn và công an đi xác minh cũng rất vất vả. Vì vậy, để tránh xáo trộn và giảm đến mức thấp nhất phiền hà cho người dân thì nên chọn một tên cũ để giữ lại làm tên phường mới.
“Ví dụ như nhập 3 hay 2 phường thì chọn một tên cũ để giữ lại. Như thế một phần dân cư sẽ không bị xáo trộn. Còn nếu buộc phải đổi tên phường thì cần lý giải cho rõ ràng và phải đảm bảo rằng đây là lần đổi cuối cùng, chứ sau lại đổi nữa thì phiền hà cho người dân”, ông Minh lưu ý.
Ngoài ra, thiếu tướng Phan Anh Minh còn băn khoăn về việc đề án đề xuất sáp nhập phường 14 và phường 13 (quận Phú Nhuận) thành phường 13; phường 12 và phường 13 (quận 4) nhập thành phường 13 bởi trong cộng đồng có không ít người dân luôn kiêng kỵ và xem số 13 là con số không may mắn.
"Vấn đề này thật sự nên cân nhắc. Ngay cả tên quận, TPHCM cũng chỉ có quận tên số từ 1 đến 12 rồi chuyển qua các quận tên chữ, tránh có quận 13. Hà cớ gì lại bắt cấp phường mang số 13? Tại sao khi nhập phường 14 và phường 13 không lấy tên là phường 14 và nhập phường 12, phường 13 không lấy tên phường 12", thiếu tướng Phan Anh Minh băn khoăn.
Theo ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM, các sở ban ngành và đơn vị liên quan đang hoàn thiện đề án với đầy đủ các cơ sở lý luận, pháp lý, thực tiễn, cập nhật các tài liệu bản đồ, hệ thống phụ lục, bản tổng hợp cũng như bổ sung kết quả lấy ý kiến cử tri các địa phương có liên quan.
“Sở Nội vụ cũng đã xây dựng đề án sắp xếp đội ngũ cán bộ hành chính sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính, trong đó có phương án giải quyết nhân lực dôi dư”, ông Nhân nói và cho biết thêm đề án này sẽ được hoàn thiện để trình HĐND TPHCM thông qua trước khi trình Bộ Nội vụ.