Thiếu tiền và thiếu trách nhiệm

TP - Phần lớn hồ chứa hiện nay được giao cho các hợp tác xã quản lý; những người chịu trách nhiệm chỉ biết mỗi việc xả rồi đóng cống. Thậm chí vận hành hồ đập là những nông dân. Chưa kể, thi công không đúng thiết kế, nhiều đập vừa xây xong đã hỏng.

> Sống trong sợ hãi
> Nghệ An-Hà Tĩnh: Hồ thủy lợi xả nước đón lũ

Chỉ khai thác mà không duy tu

Nhiệm vụ chính là điều tiết nước, nhưng thực tế khi mưa lớn, hệ thống hồ đập lại trở thành “quả bom nước” chờ giội xuống đầu dân hạ du. Như sự cố vỡ đập Cơn Đẻn (Thanh Chương, Nghệ An) do ảnh hưởng bão số 11; vỡ đập Đồng Đáng và Khe Luồng (Tĩnh Gia, Thanh Hóa) do ảnh hưởng bão số 10; vỡ đập Phân Lân (Tam Đảo, Vĩnh Phúc) do ảnh hưởng của bão số 5… làm hàng ngàn hộ dân bị ngập, thiệt hại nhiều nhà cửa, hoa màu và tính mạng người.

Ông Đinh Quang Dương, Chi cục trưởng Thủy lợi (Sở NN&PTNT Thanh Hóa) cho biết, hiện Thanh Hóa có 610 hồ có sức chứa từ 100.000m3 trở lên, trong đó có 103 hồ hư hỏng lớn, nguy cơ vỡ cao. Phần lớn hồ đập này do người dân tự xây dựng, nên không có tiêu chuẩn kỹ thuật, hoặc nếu có cũng trở nên lạc hậu, không đạt chuẩn. Riêng với vụ vỡ đập Đồng Đáng và Khe Luồng, theo ông Dương, đã được cảnh báo từ trước, “nhưng do mưa lớn về đêm nên bị bất ngờ”. Phần lớn hồ đập hiện nay tại Thanh Hóa đều giao về cho địa phương quản lý; đa phần là các hợp tác xã, một số hồ do thôn, chỉ có 33 hồ do doanh nghiệp thủy lợi quản lý.

Theo Bộ NN&PTNT, cả nước hiện có hơn 6.600 hồ chứa thủy lợi, 266 hồ thủy điện. Trong đó có 560 hồ chứa lớn (dung tích lớn hơn 3 triệu m3, hoặc thân đập cao hơn 15m), hơn 1.700 hồ có dung tích từ 2- 3 triệu m3, còn lại là hồ chứa nhỏ (hơn 4.300 hồ). Đặc biệt, hiện có 317 hồ đầu mối hư hỏng, trong đó có 120 hồ trọng điểm cần quan tâm đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ.

“Theo quy định hồ đập dung tích trên 10 triệu m3, 10 năm phải kiểm định/lần; hồ dưới 10 triệu m3 là 7 năm, nhưng thực tế hầu hết không được kiểm định”, ông Dương thừa nhận. Do cán bộ hợp tác xã, thôn đều là nông dân, không có kiến thức về thủy lợi. Gọi là quản lý, nhưng thực chất chỉ có việc mở và đóng cống lấy nước, còn việc quan sát, kiểm tra và phát hiện sự cố từ lúc mới phát sinh ở đập hầu như không biết.

Ngoài ra, nguồn thủy lợi phí cấp bù không đủ để các đơn vị quản lý duy tu, bảo dưỡng hồ đập. “Vì không phát hiện sớm, nên khi phát hiện, sự cố đã trở nên nghiêm trọng, muốn khắc phục phải có nguồn vốn lớn. Đợi được vốn phải mất nhiều thời gian, hư hỏng càng nặng hơn”, ông Dương nói.

Mới đây, Thanh Hóa đã thanh tra việc sử dụng nguồn thủy lợi phí tại một số huyện. Kết quả hầu hết các đơn vị đều có sai phạm, sử dụng nguồn vốn chưa đúng đối tượng.

Ông Nguyễn Thế Sơn, Phó phòng Nông nghiệp, huyện Nông Cống (Thanh Hóa) cho biết, địa bàn huyện có 2/27 hồ đập do Cty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Sông Chu (Cty Sông Chu) quản lý, còn lại phân cấp cho thôn và hợp tác xã quản lý.

“Hiện, hai hồ đập do Cty Sông Chu quản lý đang xuống cấp trầm trọng, vì họ chỉ khai thác mà không duy tu, bảo dưỡng”, ông Sơn nói. Vì vậy, huyện đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh giao hai hồ này về cho địa phương quản lý.

Ngoài ra, hiện các hồ đang có tình trạng hợp tác xã quản lý bờ hồ, điều tiết nước, nhưng mặt nước lại do xã quản lý và cho đấu thầu nuôi cá. Điều này dẫn tới tình trạng tranh chấp trong việc sử dụng nguồn nước, bên muốn tháo, bên không.

Ông Phạm Quang Vinh, Phó GĐ Cty TNHH MTV Thủy lợi Tam Đảo (Cty Thủy lợi Tam Đảo, Vĩnh Phúc) cho biết, đơn vị quản lý hơn 100 hồ đập nhỏ, phạm vi cấp nước tưới cho 5-6 ha hoa màu. Nhân viên quản lý, vận hành những hồ này cao thì trung cấp, còn lại là công nhân thủy nông. “Nếu tất cả các hồ lớn, nhỏ đều tuyển kỹ sư về quản lý, vận hành thì tiền đâu mà trả lương”, ông Vinh nói.

Vừa sử dụng đã hư hỏng

Lạ lùng nhất, ngay những hồ đập mới tích nước cũng xảy ra hư hỏng, mà theo đánh giá của các chuyên gia là do quá trình thi công không đảm bảo. Như hồ Thanh Lanh (xã Trung Mỹ, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc, dung tích 10 triệu m3) mới đưa vào sử dụng năm 2007, tới năm 2010 đã xảy ra sự cố.

“Bờ đập thấm nhẹ, máng cống thấm mạnh thành dòng. Chúng tôi đã có văn bản đề nghị tỉnh chi ngân sách để sửa chữa, với số tiền dự kiến khoảng 30 tỷ đồng”, ông Bùi Việt Hải, cán bộ kỹ thuật Cty Thủy lợi Tam Đảo cho biết.

Tương tự tại đập Vĩnh Thành (xã Đạo Trù, Tam Đảo, Vĩnh Phúc – cũng do công ty này quản lý, dung tích 2,7 triệu m3) mới đưa vào sử dụng năm 2004, tới năm 2008 bờ đập xảy ra thấm vượt giới hạn cho phép.

Để khắc phục, năm 2008, ngân sách tỉnh Vĩnh Phúc phải chi hơn 6 tỷ đồng để khoan phụt chống thấm. Còn với đập Xạ Hương, dự kiến kinh phí để chống thấm không dưới 37 tỷ đồng.

Theo ông Đinh Quang Dương, Thanh Hóa có hai hồ vừa xây xong đã có vấn đề. Hiện nay có tình trạng nhiều công trình do cấp xã, huyện làm chủ đầu tư, trong khi cán bộ chuyên môn để giám sát không có, phải đi thuê.

“Nếu thuê được đơn vị thi công, tư vấn giám sát có năng lực, trách nhiệm còn được. Nếu không, sẽ còn nhiều vấn đề phải bàn, như việc đầm không đảm bảo, làm bờ đập bị xốp, xảy ra thấm khi tích nước, đổ bê tông không đúng yêu cầu…; đặc biệt ở những hồ chứa nhỏ”, ông Dương nói. Theo đó, nếu cơ chế không thay đổi, chắc chắn còn nhiều sự cố xảy ra.

GS.TS Nguyễn Chiến, nguyên Viện trưởng Kỹ thuật công trình (Đại học Thủy lợi) cho rằng, với đập đất mới đưa vào sử dụng vài năm đã thấm, chắc chắn quá trình thi công không đạt yêu cầu; không loại trừ có cả tiêu cực. “Nếu làm đúng kỹ thuật, đập đất có thể sử dụng được vài chục năm”, ông Chiến nói.

(còn nữa)

Theo Báo giấy