Thiếu huấn luyện bài bản, Ukraine gặp khó khi sử dụng vũ khí phương Tây

TPO - Việc huấn luyện các lực lượng Ukraine ở phương Tây đã bắt đầu giảm bớt trong những tuần gần đây, ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực vận hành một số hệ thống vũ khí tiên tiến của họ, tạp chí Foreign Policy (FP) đưa tin.

Kể từ khi Nga khai màn chiến dịch quân sự ở quốc gia láng giềng hồi cuối tháng 2, Ukraine đã liên tục yêu cầu các đối tác phương Tây cung cấp thêm nhiều vũ khí hạng nặng càng nhanh càng tốt. Tuy nhiên, như một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ nói với FP, "việc thúc giục nhanh hơn, nhanh hơn nữa" không phải lúc nào cũng có tác dụng vì "người Ukraine cần được đào tạo để có thể sử dụng hiệu quả các hệ thống này".

Trong khi đó, các quan chức Ukraine được FP trích dẫn, một mặt phàn nàn tốc độ viện trợ của phương Tây quá chậm, mặt khác lại thừa nhận rằng "ngoài việc huấn luyện sử dụng pháo phản lực phóng loạt cơ động cao HIMARS (Mỹ) và pháo phương Tây", thì việc huấn luyện quân sự nói chung cho quân đội Ukraine đã giảm trong những tuần gần đây, khiến họ không thể vận hành các hệ thống tiên tiến hơn.

"Với Ukraine, việc viện trợ sẽ luôn là quá ít và quá muộn. Tuy nhiên, nếu gửi vũ khí mà không huấn luyện và hậu cần thì chắc chắn chúng sẽ không bền", Oscar Jonsson - một nhà nghiên cứu tại Đại học Quốc phòng Thụy Điển nhận định.

Cũng theo FP, các quan chức phương Tây hiện "không rõ" họ có thể tiếp tục viện trợ vũ khí gì cho Kiev.

"Có thể mất hàng tháng để huấn luyện binh sĩ Ukraine lái máy bay F-15 và F-16, dù các quan chức quân đội Ukraine nhấn mạnh rằng nhiều phi công quân sự của nước này hiện đang phải nghỉ vì không đủ máy bay để lái, nên có thể sẵn sàng ra nước ngoài đào tạo", FP viết.

Bài báo của FP được đăng tải cùng thời điểm Lầu Năm Góc công bố gói viện trợ quân sự bổ sung trị giá 820 triệu đô la cho Ukraine, bao gồm 2 hệ thống phòng thủ tên lửa đất-đối-không.

Lô viện trợ mới sẽ bao gồm đầu đạn cho hệ thống pháo phản lực cơ động cao HIMARS, 2 hệ thống tên lửa đất-đối-không tiên tiến NASAMS, khoảng 150.000 đầu đạn pháo 155mm và 4 radar phản pháo.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bày tỏ lòng biết ơn đối với Mỹ và cá nhân Tổng thống Joe Biden về gói viện trợ, đặc biệt là đối với các hệ thống NASAMS mà theo ý kiến của ông là có khả năng “tăng cường đáng kể” phòng không Ukraine.

Hồi cuối tháng 6, Anh cho biết sẽ cung cấp cho Kiev “hệ thống phòng không tinh vi”, máy bay không người lái, thiết bị tác chiến điện tử trị giá 1 tỷ bảng Anh (1,2 tỷ đô la).

Thông báo được đưa ra chưa đầy hai tuần sau khi Thủ tướng Anh Boris Johnson đề nghị mở một chương trình đào tạo hoành tráng cho quân đội Ukraine, "với khả năng đào tạo lên đến 10.000 binh sĩ mỗi 120 ngày."

Nga đã nhiều lần hối thúc phương Tây không cung cấp vũ khí cho Kiev, cho rằng điều này sẽ chỉ kéo dài xung đột và dẫn đến các vấn đề lâu dài. Mátxcơva cũng cảnh báo rằng các lực lượng Nga sẽ coi bất kỳ vũ khí nước ngoài nào trên lãnh thổ Ukraine là mục tiêu hợp pháp. Đầu tuần này, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói rằng việc "bơm" vũ khí phương Tây cho Ukraine sẽ chỉ khiến Nga "thực hiện nhiều nhiệm vụ hơn trên thực địa".

Theo RT