>> Tràn lan dự án điện chậm tiến độ: Một nguyên nhân thiếu điện
Quy hoạch quá ngắn
Thưa ông, về nguyên tắc, phát triển điện phải đi trước phát triển kinh tế. Tuy nhiên, thiếu điện ở Việt Nam diễn ra triền miên. Vì sao vậy?
Tôi nhiều lần nói về những bất cập trong quy hoạch ngành điện Việt Nam, thời gian thực hiện tổng sơ đồ điện theo quy hoạch là quá ngắn. Các quy hoạch điện từ trước đến nay cũng chỉ trong vòng 5 năm. Trong khi, để xây dựng được một nhà máy điện, nếu tính đầy đủ thời gian từ chuẩn bị đầu tư, tổ chức đấu thầu, chọn nhà thầu và xây dựng cần rất nhiều thời gian.
Ví dụ xây Thủy điện Hòa Bình phải mất 20 năm; Yaly 8 năm, Hàm Thuận - Đa Mi nhanh nhất cũng bốn năm rưỡi; Nhiệt điện Phả Lại, Uông Bí mở rộng mất 4 đến 5 năm… Trung bình, xây dựng một nhà máy điện thường mất khoảng 5 năm, có cái 6 năm, thậm chí tới 10 năm. Chỉ cần nói vậy là thấy lập sơ đồ điện mà chưa đủ thời gian cho một dự án điện hoàn thành thì tổng sơ đồ đó quy hoạch có đúng không?
Tổng sơ đồ điện quy hoạch với tầm nhìn ngắn, lại thêm khi triển khai các dự án điện thường chậm tiến độ đang đặt ra vấn đề gì lớn, thưa ông?
Do thời gian lập tổng sơ đồ ngắn nên các tập đoàn kinh tế như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí, Tổng Cty Sông Đà… đều bị chậm trễ, không đáp ứng được yêu cầu về tiến độ.
Để một quy hoạch hoàn thiện, đáp ứng được yêu cầu thì phải có tầm nhìn từ 10 năm đến 20 năm. Trong đó, quy hoạch để triển khai công việc phải mất hàng chục năm. Quy hoạch phát triển mở rộng phải có tầm nhìn xa 20 năm.
Quy hoạch trong 10 năm, ví dụ tới 2011 chẳng hạn, thì công tác chuẩn bị cho xây dựng phải được làm từ năm 2001 - 2002 thì dự án mới vào đúng tiến độ được.
Nói riêng 13 dự án nhiệt điện chạy than mà Chính phủ giao cho các ngành triển khai, đến nay mới chỉ có Tập đoàn Dầu khí đang làm dự án nhiệt điện Vũng Áng. Các dự án khác đều chưa triển khai. Đến nay các nhà máy này vẫn chưa triển khai thì đến bao giờ mới xong được. Mà 13 dự án này góp tới 13.800 MW, gần bằng sản lượng điện hiện tại của Việt Nam.
Theo quy hoạch, đến 2015 các dự án này phải xong nhưng nay đã giữa năm 2010. Với tiến độ thế này, 5 năm nữa các dự án chưa chắc đã xong. Tôi chưa nói đến một loạt dự án đang triển khai như dự án tại Mông Dương, Quảng Ninh, Cẩm Phả, Uông Bí đều chậm cả.
Xây một nhà máy điện không thể đốt cháy giai đoạn được. Đó là chưa nói công trình xong rồi, phải nghiệm thu, chạy thử mất thêm vài năm thì mới ra điện thương phẩm. Trong quy hoạch cần trừ hao thời gian đó. Thông thường xây dựng nhà máy 1.200 MW mất 6 năm thì cần thêm 2 năm dự phòng. Nên quy hoạch tổng sơ đồ 6 mới cũng phải tính thời gian dự phòng.
Dự án chậm tiến độ
Quy hoạch không sát, nhà máy điện vào chậm dẫn tới thiếu điện, dân khổ sở. Theo ông, lỗi này ai sẽ phải chịu?
Nói ai chịu trách nhiệm cũng khó. Ở đây là do thói quen của mình từ xưa tới nay. Nói hơi đụng chạm, nhưng nguyên nhân chính là tầm nhìn hạn chế. Quy hoạch điện xưa nay do Viện Năng lượng lập, Bộ Công Thương duyệt, rồi trình Chính phủ. Do Chính phủ quy định lập quy hoạch với tầm nhìn 5 năm nên Viện Năng lượng cũng chỉ lập quy hoạch 5 năm.
Đầu năm 2010, các đơn vị làm quy hoạch xác định lấy tốc độ tăng bình quân nhu cầu sử dụng điện là 16%, đến nay đã thấy sai rồi. Cụ thể năm nay chưa thống kê, nhưng chắc chắn nhu cầu điện tăng hơn 20%. Như vậy thiếu điện là phải.
Thiếu điện nhưng tỷ lệ thất thoát điện năng ở Việt Nam hiện còn khá cao (trên 10%) và sử dụng điện lãng phí, ông nghĩ sao?
Đúng vậy. Việt Nam lãng phí điện kinh khủng. Hầu hết cơ sở sản xuất đều cũ kỹ, lạc hậu, tiêu tốn điện. Chừng nào chưa tiết kiệm được điện, chừng đó áp lực thiếu điện còn đè lên hệ thống điện.
Phạm Tuyên
Thực hiện