Thống kê của các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lào Cai, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Lạng Sơn, Nghệ An cho thấy, trong 8 ngày qua đã có 773 con gia súc chết do ảnh hưởng của rét đậm, rét hại. Trong đó, Cao Bằng, Lạng Sơn, Nghệ An là những địa phương có số gia súc chết nhiều nhất.
Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đề nghị các địa phương theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai, diễn biến đợt rét đậm, rét hại xảy ra ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.
Theo Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai, với các hộ có gia súc, gia cầm bị chết do ảnh hưởng bởi thiên tai sẽ được hỗ trợ theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ.
Theo đó, gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng) đến 28 ngày tuổi, hỗ trợ 10.000 - 20.000 đồng/con; trên 28 ngày tuổi, hỗ trợ 21.000 - 35.000 đồng/con.
Lợn đến 28 ngày tuổi, hỗ trợ 300.000 - 400.000 đồng/con; trên 28 ngày tuổi, hỗ trợ 450.000 - 1 triệu đồng/con; lợn nái và lợn đực đang khai thác, hỗ trợ 2 triệu đồng/con.
Bê cái hướng sữa đến 6 tháng tuổi, hỗ trợ từ 1 - 3 triệu đồng/con; bò sữa trên 6 tháng tuổi, hỗ trợ 3,1 triệu - 10 triệu đồng/con.
Trâu, bò thịt, ngựa đến 6 tháng tuổi, hỗ trợ 500.000 - 2 triệu đồng/con; trên 6 tháng tuổi, hỗ trợ 2,1 triệu - 6 triệu đồng/con. Hươu, nai, cừu, dê hỗ trợ 1 triệu - 2,5 triệu đồng/con.
Điều kiện được hỗ trợ là người chăn nuôi sản xuất không trái với quy hoạch, kế hoạch và hướng dẫn sản xuất nông nghiệp của chính quyền địa phương. Cùng đó, người chăn nuôi phải có đăng ký kê khai ban đầu được UBND cấp xã xác nhận đối với chăn nuôi tập trung (trang trại, gia trại, tổ hợp tác, hợp tác xã) và nuôi trồng thủy sản hoặc giấy chứng nhận kiểm dịch (nếu có).
Các hộ chăn nuôi tập trung kê khai trong thời gian 15 ngày kể từ khi bắt đầu chăn nuôi. Trong thời gian 7 ngày làm việc kể từ khi nhận được bản kê khai, UBND cấp xã có trách nhiệm kiểm tra, xác nhận vào bản kê khai. Các hộ nuôi trồng thủy sản thực hiện kê khai và được xác nhận ngay khi thực hiện nuôi trồng.
Thiệt hại xảy ra khi đã thực hiện đầy đủ, kịp thời các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với thiên tai, dịch bệnh theo sự hướng dẫn, chỉ đạo của cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương. Thời điểm được xác định trong thời gian xảy ra thiên tai trên địa bàn được Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn địa phương xác nhận.
Về quy trình, thủ tục, các hộ sản xuất phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn, tiến hành thống kê, đánh giá thiệt hại, hoàn thiện hồ sơ gửi trực tiếp lên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp xã để phối hợp, báo cáo UBND cùng cấp để giải quyết.