Thị trường thực phẩm Tết bắt đầu sôi động

TP - Còn hơn 1 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng đến thời điểm hiện tại, từ siêu thị cho đến chợ đầu mối, các doanh nghiệp và tiểu thương đã chuẩn bị xong hàng để phục vụ dịp mua sắm đặc biệt này. Năm nay, thịt lợn vẫn khó đoán về giá nhưng không lo thiếu thịt.
Bánh kẹo, mứt, hoa quả sấy Trung Quốc tràn ngập chợ đầu mối

Ðồ khô, bánh kẹo, mứt tết tràn từ chợ đến siêu thị

Những ngày này, có mặt tại chợ Đồng Xuân (Hai Bà Trưng, Hà Nội), đầu mối cung cấp các loại thực phẩm tết, thấy từng đoàn xe hàng nối đuôi nhau chờ bốc xếp vào các sạp hàng. Từ đây, các chuyến xe hàng đi khắp các tỉnh phục vụ nhu cầu mua sắm tết.

Tại các quầy hàng khô, hiển hiện không khí sực nức mùi của tết từ: miến, mộc nhĩ, nấm hương, măng… Vừa nhanh tay vun hàng, chị Thu Hương, tiểu thương tại quầy hàng khô vừa cho hay: “Hàng nhập từ trước Tết 2 tháng và giá năm nay chỉ cao hơn năm ngoái một chút, không biến động nhiều. Mộc nhĩ có giá 120.000 - 130.000 đồng/kg; măng khô loại 1 có giá 270.000 - 300.000 đồng/kg; nấm hương có giá 200.000 - 250.000 đồng/kg; miến 60.000 - 65.000 đồng/kg; lạp sườn 200.000 - 220.000 đồng/kg…Càng gần Tết, hàng càng được nhập về nhiều. Đồ khô chủ yếu bán đi các tỉnh lân cận ở Hà Nội”.

Đi sâu vào chợ, những quầy hàng bánh kẹo, mứt tết đã sẵn sàng bày bán với màu sắc rất bắt mắt. Một vài tiểu thương cũng thừa nhận ngay đây toàn là hàng Trung Quốc nhập về. Chị Nguyễn Hoa, tiểu thương buôn bánh kẹo cho biết: “Nếu một kg kẹo dẻo Thái Lan có giá 120.000 đồng thì hàng Trung Quốc chỉ 80.000 đồng”.

Mứt, hoa quả sấy rộ lên mấy năm nay cũng là món hàng được nhiều tiểu thương nhập từ Trung Quốc về buôn. Chị Bích Hằng, một người bán chia sẻ, bản thân chị đang bỏ sỉ (bán buôn) tới 40 loại mứt, hoa quả sấy các loại của Trung Quốc. “Giá bán cho khách mua sỉ rẻ chỉ bằng khoảng 1/3 so với giá bán lẻ. Tuy nhiên, muốn có giá sỉ, khách thường phải đặt tối thiểu 1 thùng khoảng 10 kg”, chị Hằng nói.

Chị Hằng còn “tiết lộ”: “Khách của cửa hàng chủ yếu ở các tỉnh, sau đó họ  chia nhỏ vào túi từ 0,5 đến 1 kg và đóng mác hàng Việt Nam. Đơn cử như món hồng dẻo Trung Quốc, giá bán sỉ là 470 nghìn đồng/ thùng, nếu khách có nhu cầu đóng từng kg vào túi hút chân không, cửa hàng cũng sẽ đáp ứng”.

Không chỉ ở chợ Đồng Xuân nhộn nhịp khách mua, khảo sát tại nhiều siêu thị đang bắt đầu triển khai chương trình khuyến mãi hàng Tết Nguyên đán với mức giảm giá 5-40%, thấy phần lớn các siêu thị tập trung hàng thực phẩm phục vụ Tết. Đại diện hệ thống siêu thị Saigon Co.op cho biết: Siêu thị thực hiện khuyến mãi sớm nhằm giảm tải áp lực mua sắm và giảm thiểu tình trạng thị trường ghim hàng chờ tết để tăng giá. Mức trữ lượng hàng hóa của đơn vị cho tết năm nay tăng 15-40% (tùy ngành hàng), đảm bảo đủ hàng bình ổn 3 tháng trước, trong và sau Tết.

Không lo thiếu thịt

Theo ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, trong dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu thịt lợn tại Hà Nội tăng 22.300 tấn/tháng, tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi lan rộng khiến nguồn cung giảm mạnh. Cùng lúc, đàn lợn toàn thành phố giảm 33,4% so với cùng kỳ năm trước.

Nhằm bảo đảm nguồn hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, ngoài nguồn cung tại chỗ, Sở Công Thương Hà Nội đã vận động các doanh nghiệp dự trữ thịt lợn cấp đông và thịt phục vụ sản xuất thực phẩm chế biến. Hiện tại, có 22 doanh nghiệp, đơn vị tham gia chương trình bình ổn thị trường đã đăng ký, dự trữ lương thực, thực phẩm, hàng hóa bình ổn thị trường trong hai tháng tết, với tổng trị giá hơn 18.000 tỷ đồng. Trong đó, thịt lợn và các sản phẩm thay thế thịt lợn bảo đảm theo nhu cầu gồm: 6.034 tấn thịt lợn; 492 tấn thịt gà; 63 triệu quả trứng gia cầm.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp lớn đã xây dựng kế hoạch phục vụ Tết tăng trung bình 6-7% lượng hàng hoá so với Tết 2019. Các doanh nghiệp thương mại lớn như Công ty Cổ phần Thương mại dịch vụ tổng hợp Vincommerce, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), Công ty TNHH Sài Gòn Co.op Hà Nội... đã xây dựng kế hoạch phục vụ Tết tăng trung bình 10-25% so với năm ngoái, với tổng trị giá tiền hàng khoảng hơn 3.000 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Kim Dung, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Hà Đông (quận Hà Đông) cho biết: “Để bảo đảm bình ổn giá theo kế hoạch của UBND thành phố Hà Nội và của riêng doanh nghiệp, đơn vị đã tính toán và chủ động làm việc với nhà cung cấp nhằm bảo đảm cung ứng đủ nhu cầu của người dân trong suốt tháng cận Tết”.

Còn Đại diện siêu thị Big C Thăng Long cũng khẳng định: siêu thị dự trữ tổng lượng hàng hóa tăng 30%, trong cơ cấu hàng hóa dự trữ có khoảng 300-500 tấn thịt lợn, gà. Đặc biệt, siêu thị đã chuẩn bị các chương trình “khóa giá” bảo đảm giá không tăng trong dịp Tết Nguyên đán; Big C kết hợp với các tỉnh Lào Cai, Bắc Kạn, Yên Bái... tổ chức các tuần hàng nông sản tại hệ thống siêu thị của Big C trên địa bàn Hà Nội.

Riêng với mặt hàng thịt lợn, ngoài việc khai thác nguồn hàng tại các tỉnh phía Bắc, các siêu thị sẵn sàng vận chuyển một lượng lớn từ thị trường phía Nam đưa ra tiêu thụ tại Hà Nội.

Vissan cũng cho biết, sẽ áp dụng khuyến mãi giảm giá 10-20% cho sản phẩm chế biến.Từ ngày 27 đến 30/12 âm lịch, đơn vị này giảm giá thêm 5-10% cho sản phẩm tươi sống. Đây là năm đầu tiên đơn vị này tung ra thị trường tết sản phẩm thịt đông lạnh và thịt lợn  kho trứng.

Còn tại Bách Hóa Xanh,  tổng lượng hàng hóa được chuẩn vụ phục vụ Tết khoảng 600 tỷ đồng hàng tết, tăng 50% so với tháng trước.

Sở Công Thương Hà Nội có văn bản đề nghị phối hợp với Cục Quản lý thị trường phân công các đội quản lý thị trường theo dõi, nắm tình hình thị trường, cung cầu, giá cả hàng hóa để kịp thời phát hiện, xử lý khi xảy ra hiện tượng thiếu hàng, khan hiếm hàng hóa, giá cả tăng đột biến...