Thi tốt nghiệp THPT năm 2021: Giữ ổn định như năm 2020

TP - Về định hướng kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2021-2025, Bộ GD&ĐT đề xuất vẫn giữ ổn định như năm 2020 và có điều chỉnh, bổ sung một số điểm mang tính kỹ thuật.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 sẽ không thay đổi so với năm 2020Ảnh: Như Ý

Chiều 23/9, Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, có cuộc họp về kết quả tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và công tác tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2020; định hướng tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ từ năm 2021; đảm bảo sách giáo khoa (SGK) và quản lý sử dụng sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông.

Khuyến khích thi trên máy tính

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ báo cáo Hội đồng tình hình thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm năm học 2019-2020 cũng như định hướng nhiệm vụ năm học 2020-2021 và các năm tiếp theo. Trong đó, về định hướng kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2021-2025, vẫn giữ ổn định như năm 2020 và có điều chỉnh bổ sung một số điểm mang tính kỹ thuật. Nội dung thi nằm trong chương trình THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12. Tổ chức thi kết hợp cả hình thức thi trên giấy và thi trên máy tính.

Các địa phương được khuyến khích tổ chức thi trên máy tính khi đáp ứng đầy đủ yêu cầu, điều kiện: ngân hàng câu hỏi, nhân lực, thiết bị, quy trình… theo các quy định của Bộ GD&ĐT và thí sinh đã được làm quen với hình thức thi trên máy tính. Thi trên máy tính phải được tính toán để đảm bảo các yêu cầu tương quan với thi trên giấy và thí sinh có thể được dự thi một số lần trong năm.

Bộ GD&ĐT cũng đưa ra lộ trình thực hiện phương án thi cụ thể, trong đó năm 2021 tổ chức thi cơ bản giữ ổn định như năm 2020; ban hành và hướng dẫn thực hiện các quy định về xây dựng ngân hàng câu hỏi và đề thi, quy định về tổ chức thi trên máy tính và thực hiện các thử nghiệm cần thiết. Từ năm 2022, tổ chức thi cơ bản như năm 2020, từng bước triển khai thi trên máy tính (các địa phương đủ điều kiện) và giao các địa phương đủ điều kiện xây dựng và sử dụng ngân hàng câu hỏi đề thi phù hợp với điều kiện của địa phương.

Từ năm 2023, Bộ GD&ĐT chuẩn bị ngân hàng câu hỏi, đề thi phục vụ cho việc áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm 2025 với các hình thức thi trên máy tính do địa phương chủ trì toàn diện. Bộ GD&ĐT cũng khẳng định chỉ sử dụng kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Với tuyển sinh  ĐH, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho hay, thực hiện lộ trình đổi mới từng bước để bảo đảm quyền lợi của thí sinh, tránh gây xáo trộn  lớn, đồng thời thực hiện quyền tự chủ tuyển sinh theo quy định. “Bảo đảm tính ổn định của lộ trình đổi mới tuyển sinh, công tác tuyển sinh của các trường cần ổn định trong nhiều năm, nếu dự định thay đổi lớn cần thông báo trước 3 năm”, Bộ GD&ĐT yêu cầu.

Tại cuộc họp, Bộ GD&ĐT cũng lấy ý kiến của Hội đồng về một số nội dung như: Sử dụng bài thi tổ hợp (trộn lẫn các câu hỏi thuộc 3 môn thành phần) giúp tránh tình trạng học sinh chỉ chọn các môn tuyển sinh ĐH nên học lệch và dư luận vẫn nghĩ kỳ thi phục vụ cho tuyển sinh ĐH; Lộ trình thi trên máy tính; Giao quyền tự chủ cho các địa phương tổ chức toàn bộ các khâu của kỳ thi và quyết định thời điểm tổ chức kỳ thi theo khung quy định của Bộ GD&ĐT; Bộ thống nhất đề thi, chuẩn bị ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa đủ lớn; Xét công nhận tốt nghiệp chỉ sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT, không tính thêm tỷ lệ điểm trung bình năm học lớp 12 như hiện nay… Theo ông Độ, do có nhiều  ý kiến khác nhau của các thành viên Hội đồng nên những vấn đề trên vẫn chưa đưa vào áp dụng cho năm 2021.

Không được thiếu SGK, khuyến khích dùng sách cũ

Về vấn đề SGK, sau khi nghe ý kiến từ Bộ GD&ĐT cũng như các thành viên Hội đồng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ GD&ĐT có cách quản lý hữu hiệu để không xảy ra tình trạng thiếu SGK dù là cục bộ. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu giải quyết dứt điểm vấn đề sách tham khảo. Các trường không được khuyến khích phụ huynh mua sách tham khảo, không được “gộp đơn” như hiện nay.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh việc từ năm học này, bắt đầu phát động phong trào dùng SGK cũ để giáo dục học sinh và tiết kiệm cho xã hội.

Bộ GD&ĐT khuyến khích các cơ sở giáo dục ĐH liên kết để tổ chức các kỳ thi kiểm tra, đánh giá năng lực và sử dụng chung kết quả tuyển sinh; từng bước hình thành các tổ chức khảo thí liên kết độc lập, tránh tình trạng thí sinh phải tham dự nhiều kỳ thi gây áp lực và lãng phí.