Thi tốt nghiệp THPT: Muộn là trượt

TP - Có năm, số thí sinh trượt tốt nghiệp do đi muộn ngang ngửa số bị đình chỉ thi do vi phạm quy chế.

> Khi các địa phương toàn quyền

Mùa thi 2009 có số lượng thí sinh đi muộn nên không được vào phòng thi khá đông. Ngay trong ngày thi đầu tiên, buổi sáng cả nước có 27 trường hợp đi muộn, buổi chiều có 19 trường hợp.

Những năm về sau, số thí sinh đi muộn ít hơn nhưng ngày thi nào cũng có hàng chục trường hợp.

Chẳng hạn năm 2010, số thí sinh bị đình chỉ thi và số thí sinh đi muộn không được dự thi suýt soát nhau, một đằng 90 và một đằng 85 trường hợp. Năm 2011, số thí sinh đến muộn là 35, ít hơn số thí sinh bị đình chỉ thi 45 trường hợp.

Nhiều giáo viên cho rằng, trượt tốt nghiệp do đi muộn là quá “đen đủi” với cá nhân những thí sinh nào rơi vào trường hợp này. Dù ái ngại cho thí sinh nhưng không có giám thị nào dám làm sai quy chế.

“Nếu ốm, hoặc bị thương do va chạm giao thông, các em có thể được xét đặc cách để được đỗ tốt nghiệp. Còn đã đi muộn một môn, cho dù đó là môn thi cuối cùng trong khi các môn trước em làm bài rất tốt, em vẫn bị trượt tốt nghiệp do bị điểm 0 ở môn mà các em không được vào dự thi”, một giáo viên trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Đông, Hà Nội) nói.

Theo ông Nguyễn Văn Bồng, Chánh Thanh tra Sở GD&ĐT Ninh Bình, những trường hợp thí sinh đi muộn quá giờ làm bài dễ xảy ra ở buổi chiều các ngày thi. Các em thi buổi sáng xong thường mệt, dễ ngủ quên, nhất là trong tiết mùa hè nóng bức.

“Khó mà trách các em khi mà tuổi này là tuổi ăn tuổi ngủ. Vì thế trong những ngày thi, dù bận mưu sinh đến mấy các bậc phụ huynh cũng nên quan tâm giờ giấc thi cử của con. Nếu nhà xa địa điểm thi mà không có điều kiện nghỉ trọ, phụ huynh cần giúp con tính toán lượng thời gian cần phải đi đường trong các điều kiện thời tiết khác nhau”, ông Bồng nói.

Tài liệu và điện thoại: kẻ thù số 1

Những năm về sau, số thí sinh bị đình chỉ thi do mang tài liệu hoặc điện thoại vào phòng thi ngày càng giảm nhưng nó vẫn là nỗi lo canh cánh của mỗi giáo viên khi tiễn học sinh đi thi.

“Nhiều em chủ quan nghĩ, cứ mang tài liệu vào, có cơ hội thì giở, nếu không cứ để im trong người sẽ không có giám thị nào phát hiện ra. Các em không ngờ rằng, kể cả khi các em không hề cần đến tài liệu thì nó vẫn bị “lộ” bởi vô vàn tình huống khác nhau”, cô Phan Thị Huyền, giáo viên trường THPT Quảng Oai, Hà Nội nhận xét.

Điện thoại là thủ phạm số một khiến thí sinh bị đình chỉ. Thầy Phạm Văn Hoan, Phó Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Trãi chia sẻ: “Có thể có những trường hợp cố tình mang điện thoại di động vào để cầu viện bên ngoài hỗ trợ làm bài thi.

Tuy nhiên, tôi biết một số trường hợp thí sinh mang điện thoại di động vào phòng thi do quá hồn nhiên vô tâm vô tính. Phần lớn thời gian ngồi trong phòng thi các em quên béng mình đang có điện thoại trong túi. Đến khi vặn người (do mỏi), điện thoại rơi ra mới tái mặt nhưng đã muộn”.

Theo Báo giấy