Tại hội nghị, Vụ Giáo dục ĐH nhắc lại những điểm mới trong mùa tuyển sinh năm nay như các trường được tự xác định điểm sàn, giảm 50% điểm ưu tiên; tuyển sinh trung cấp, cao đẳng sư phạm thực hiện trong cùng quy chế tuyển sinh ĐH để nâng cao chất lượng đầu vào cũng như Bộ GD&ĐT sẽ có quy định điểm sàn riêng cho khối ngành sư phạm…
Đại diện Vụ Giáo dục ĐH cũng đưa ra một số điểm còn hạn chế đối với các trường trong mùa tuyển sinh năm nay như chưa tuân thủ xác định chỉ tiêu theo quy định (xác định chỉ tiêu vượt điều kiện đảm bảo chất lượng); Xác định tổ hợp chưa phù hợp với ngành xét tuyển (tổ hợp lạ như Tiền Phong đã phản ánh); Công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng thấp.
Các trường ĐH đều đánh giá cao phương án tuyển sinh năm 2018 của Bộ GD&ĐT vì đã tăng quyền tự chủ cho các trường. Tuy nhiên, các trường cũng mong muốn Bộ hỗ trợ vấn đề lọc ảo.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết mục đích tổ chức hội nghị là bàn về công tác thi THPT quốc gia và tuyển sinh năm 2018, nhằm hạn chế sai sót nhỏ nhất có thể xảy ra. Bộ trưởng nhấn mạnh năm nay cần khắc phục những bất cập để thực hiện kỳ thi tốt hơn nữa. Đặc biệt từ công tác chuẩn bị để kỳ thi diễn ra an toàn, hiệu quả, tuyệt đối không sơ sót, không lọt lạc đề thi. Bộ trưởng đề nghị các trường ĐH, dù khó khăn nhất cũng không thể “vơ bèo vạt tép” bằng mọi cách. Thương hiệu trường được xây dựng từ điểm đầu vào, điểm đầu vào thấp quá vừa không đào tạo được vừa ảnh hưởng chất lượng đào tạo.
Chia sẻ với Bộ GD&ĐT và các trường tại hội nghị lần này, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định sau 3 năm tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, tuy còn điểm này điểm khác nhưng cơ bản tốt.
Theo Phó Thủ tướng, sự tham gia của các trường ĐH vào kỳ thi là cần thiết. Đây không phải chỉ có trách nhiệm với đầu vào mà các trường còn có trách nhiệm xã hội. Một thời gian dài chúng ta để cho kỳ thi không công bằng giữa các địa phương nên mới có những hiện tượng như Đồi Ngô. Nếu các địa phương đều trông thi nghiêm túc thì không nhất thiết phải có sự tham gia của các trường ĐH.
Các trường ĐH sẵn sàng cho kỳ thi THPT quốc gia
Kỳ thi THPT quốc gia sẽ diễn ra trong 1 tuần nữa. Với các trường ĐH, việc bố trí nhân lực phối hợp với các Sở GD&ĐT để tổ chức kỳ thi THPT quốc gia đã hoàn tất.
Ông Trần Tuấn Anh, Trưởng phòng Đào tạo, trường ĐH Thủy lợi cho biết trường đã chốt danh sách hơn 400 cán bộ, giảng viên tham gia phối hợp tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại Thanh Hóa. Thời gian vừa qua, trường đã cử đại diện vào làm việc với UBND tỉnh Thanh Hóa để nắm tình hình. Điểm coi thi xa nhất của trường ĐH Thủy lợi tại Thanh Hóa là ở huyện Mường Lát, cách trung tâm thành phố khoảng gần 290km.
Được biết, năm nay Thanh Hóa có trên 35.000 thí sinh dự thi THPT quốc gia. Trong đó có trên 13.000 thí sinh thi chỉ để xét tốt nghiệp, gần 20.000 thí sinh thi để vừa xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển sinh ĐH, CĐ 2018. Toàn tỉnh Thanh Hóa có 1.545 phòng thi, có 5 trường ĐH phối hợp với Sở GD&ĐT Thanh Hóa tổ chức thi THPT quốc gia 2018. Tổng số cán bộ, giảng viên ĐH tham gia tổ chức kỳ thi THPT quốc gia tại Thanh Hóa là 1.900 người. Lãnh đạo trường ĐH Hồng Đức cho biết, với điểm thi tại huyện Mường Lát, cán bộ coi thi, sinh viên tình nguyện phải di chuyển một ngày mới tới nơi.
Còn theo ông Vũ Trọng Nghĩa, trưởng phòng truyền thông, trường ĐH Kinh tế quốc dân, năm nay, trường sẽ phối hợp với Sở GD&ĐT Hà Tĩnh để tổ chức kỳ thi THPT quốc gia. Trường sẽ cử hơn 700 cán bộ giảng viên di chuyển từ Hà Nội vào Hà Tĩnh để làm nhiệm vụ này. Theo ông Nghĩa, công việc phối hợp với các Sở GD&ĐT tổ chức kỳ thi THPT quốc gia đã quen thuộc trong thời gian qua, nên không có khó khăn trở ngại gì từ phía trường ĐH Kinh tế quốc dân.
Bên cạnh việc sẵn sàng phối hợp tổ chức thi THPT quốc gia, thời điểm này, các trường ĐH cũng đang chuẩn bị kế hoạch tuyển sinh. Nhận định của lãnh đạo một số trường sư phạm và chuyên gia, tuyển sinh sư phạm năm nay tiếp tục có khó khăn.
PGS. Nguyễn Mạnh An, hiệu trưởng trường ĐH Hồng Đức cho biết, năm 2018, UBND tỉnh Thanh Hóa và Bộ GD&ĐT đã đồng ý cho trường tuyển sinh 4 ngành sư phạm chất lượng cao là Vật lý, Toán, Ngữ văn, Lịch sử. Sinh viên tốt nghiệp 4 ngành này sẽ được bố trí việc làm luôn. Nhờ có chính sách này mà trường mới có thí sinh đăng ký nguyện vọng 1. Ngành sư phạm Vật lý là 46 hồ sơ, Toán là 147 hồ sơ, Ngữ văn là 146 hồ sơ, Lịch sử là 152 hồ sơ. Những ngành sư phạm khác hầu như không có thí sinh đăng ký.
PGS. An cũng dẫn chứng thêm năm 2017, không có thí sinh nào đạt 24 điểm trở lên đăng ký vào 4 ngành này. Còn một trong những điều kiện để được học 4 ngành là điểm thi THPT phải đạt 24 điểm trở lên/tổ hợp 3 môn xét tuyển.
Theo nhận định của các chuyên gia, tuyển sinh sư phạm tại các trường ĐH, CĐ địa phương sẽ tiếp tục gặp khó khăn.
Báo cáo tại Hội nghị, Vụ giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cho biết tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm 2018 là 455.174, tăng 1.2% so với năm 2017. Trong đó, tổng chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả thi THPT quốc gia là trên 344.000, tăng 1,6% so với năm 2017.