Thi đánh giá năng lực: Gần 90.000 thí sinh tranh suất vào đại học

TP - Ngày 26/3, gần 90.000 thí sinh đến từ hơn 1.880 trường trung học phổ thông của 61 tỉnh, thành phố tham dự đợt 1 kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TPHCM. Đây là đợt thi có số thí sinh kỷ lục trong 6 năm tổ chức của ĐHQG TPHCM.

Ở đợt 1, kỳ thi được tổ chức tại 86 địa điểm thi với 47 cụm thi ở 21 tỉnh thành. Trong đó, TPHCM là địa phương có nhiều thí sinh dự thi nhất với gần 42.000 em, được tổ chức tại 16 cụm thi, 22 địa điểm thi.

TS. Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo của ĐHQG TPHCM, cho biết, kết thúc đợt 1, tổng số thí sinh dự thi đánh giá năng lực đạt 98%, kỳ thi diễn ra an toàn, đúng quy chế, không có thí sinh vi phạm quy chế. “Số thí sinh vắng có nhiều lí do, trong đó có cả những em quên mang giấy tờ tùy thân. Năm nay ĐHQG TPHCM thực hiện nghiêm ngặt quy chế thi nên các em không được thi và chờ đợt thi sau”, ông Chính nói.

Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực 2023 của ĐHQG TPHCM.

Ông Chính cho biết, dự kiến ngày 4/4, ĐHQG TPHCM công bố kết quả điểm thi đánh giá năng lực đợt 1 thông qua tài khoản cá nhân của các em. “Sau khi có kết quả, từ ngày 5 - 28/4, ĐHQG TPHCM sẽ mở cổng trực tuyến để thí sinh đăng ký thi đợt 2. Đáng chú ý, trong thời gian này, tất cả thí sinh đã thi ở đợt 1 và chuẩn bị thi đợt 2 sẽ được đăng ký xét tuyển từ kết quả kỳ thi này”, ông Chính nói. Kỳ thi đợt 2 sẽ diễn ra vào ngày 28/5, tại bốn tỉnh thành, gồm TPHCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa, An Giang.

Về xét tuyển, ông Chính lưu ý, thí sinh có thể dự thi cả hai đợt thi, kết quả đợt nào cao hơn sẽ được sử dụng để xét tuyển vào ĐH, CĐ. Theo đó, ĐHQG TPHCM triển khai hệ thống xét tuyển chung cho các đơn vị trong và ngoài hệ thống. Khi đó, thí sinh chỉ cần đăng ký xét tuyển trong một đợt, được điều chỉnh và không giới hạn nguyện vọng. Nguyện vọng được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp. Thí sinh chỉ trúng tuyển một nguyện vọng cao nhất.

Tham gia kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TPHCM, thí sinh sẽ làm một bài thi gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm khách quan trong 150 phút. Đề thi có ba phần, chú trọng đánh giá các năng lực cơ bản để học đại học của thí sinh, gồm 40 câu về sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh; 30 câu về Toán học, tư duy logic và phân tích số liệu; 50 câu giải quyết vấn đề liên quan lĩnh vực hóa, lý, sinh, địa, lịch sử, chính trị và xã hội.

Điểm số tối đa của bài thi là 1.200 điểm. Điểm của từng câu hỏi có trọng số khác nhau tùy thuộc vào độ khó và độ phân biệt của câu hỏi.

Theo ĐHQG TPHCM, hiện có gần 90 đơn vị đăng ký sử dụng kết quả thi này để xét tuyển năm 2023, trong đó có 82 cơ sở đại học, còn lại là cao đẳng.