Thế giới mất nhiều tỷ USD vì các kỳ nghỉ lễ dài ngày

Nước Anh mất tới 19 tỷ bảng mỗi năm vì Bank Holiday, GDP Trung Quốc giảm 25% quý I do Tết Nguyên đán, trong khi các hãng điện tử Philippines thiệt hại hơn nửa tỷ USD vì nghỉ lễ năm ngoái.
Người Trung Quốc thường đi du lịch trong các dịp nghỉ lễ dài ngày. Ảnh: China Daily.

Ảnh hưởng của những ngày nghỉ toàn quốc lên GDP và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, đặc biệt về lao động và việc làm từ lâu đã là mối quan tâm của các nhà làm luật trên khắp thế giới. Tại Anh và xứ Wales, mỗi năm có khoảng 8 ngày nghỉ nhân lễ Bank Holiday, Scotland có 9 và Bắc Ireland có 10. Vào ngày này, tất cả ngân hàng và hầu hết công ty đều đóng cửa.

Một báo cáo năm 2012 của Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Kinh tế học (CEBR) cho biết Bank Holiday khiến GDP Vương quốc Anh (UK) mất tới 19 tỷ bảng mỗi năm. Trên BBC, nhà sáng lập CEBR - Douglas McWilliams cho biết: "Khoảng 45% thành phần trong nền kinh tế sẽ chịu tác động. Các văn phòng, nhà máy, công trường đều bị ảnh hưởng khi người dân nghỉ làm dịp bank holiday". Chỉ khoảng 15% nền kinh tế, trong đó có các cửa hiệu, bar, nhà hàng hay điểm du lịch là hoạt động tốt.

Ông gợi ý thay vì nghỉ dài ngày liên tiếp, nên chia tách thành nhiều dịp trong năm sẽ là lựa chọn tốt hơn. Người dân có nhiều dịp nghỉ ngơi, và các doanh nghiệp cũng không "mất đà" khi có quá nhiều ngày nghỉ liền nhau.

Tại châu Á, Trung Quốc là quốc gia có số ngày nghỉ lễ nhiều bậc nhất, với 2 kỳ nghỉ dài là nghỉ Tết Nguyên đán và Quốc khánh.. Đây được gọi là "Tuần lễ vàng" (Golden Week), do chi tiêu dịp này thường tăng vọt, bất chấp sản xuất đi xuống. Theo nghiên cứu của Viện Quan hệ Australia - Trung Quốc thuộc Đại học Công nghệ Sydney, tác động của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vẫn lớn đến mức khiến GDP quý I của Trung Quốc giảm tới 25% so với quý trước. Sức giảm này ở Australia chỉ là 6%.

Phó Giám đốc viện - ông James Laurenceson đã tìm ra điều này khi phân tích số liệu GDP 10 năm gần đây từ Cục Thống kê Australia và Cục Thống kê Trung Quốc. "Cả kinh tế Australia và Trung Quốc đều đạt đỉnh vào quý cuối năm. Sau đó là xuống đáy vào quý đầu năm tới", ông cho biết trên Syney Morning Herald. "Quên lĩnh vực bất động sản đang có nguy cơ sụp đổ đi. Anh cũng đừng lo lắng về hệ thống ngân hàng ngầm đáng sợ làm gì. Khi nói đến Trung Quốc, chẳng gì có tác động mạnh hơn Tết Nguyên đán đâu", ông cho biết.

Tại Philippines, một báo cáo của Cục Tình trạng Lao động (BWC) cho thấy nước này có nhiều ngày nghỉ lễ hơn ít nhất 8 quốc gia châu Á, chỉ sau Trung Quốc. Hồi tháng 1, Văn phòng Chính phủ Philippines công bố người dân Manila được nghỉ 3 ngày nhân dịp Giáo hoàng Francis đến thăm. Ý tưởng này trước đó đã bị rất nhiều người phản đối. Ông Arthur Tan - Chủ tịch kiêm CEO Integrated Microelectronics (IMI) cho biết ngành công nghiệp điện tử sẽ bị đội thêm 30% chi phí nhân công trong những ngày này. "Các công ty có đóng cửa đâu. Họ vẫn cần làm việc. Vì vậy, chi phí sẽ tăng lên 30%", ông cho biết.

Tổ chức phi lợi nhuận Makati Business Club (MBC) trích số liệu từ Hiệp hội Công nghiệp Điện tử và Bán dẫn Philippines (SEIPI) cho biết năm 2014, các ngày nghỉ lễ của Philippines đã khiến ngành điện tử thiệt hại 1,2 tỷ peso (26,7 triệu USD) mỗi ngày. Tổng cộng năm ngoái, ngành này mất 533,9 triệu USD cho 20 ngày nghỉ lễ. "Những thiệt hại này là rất đáng quan tâm, do ngành điện tử tạo ra hơn 1,89 triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp, đóng góp hơn 40% xuất khẩu của cả nước", MBC cho biết.

Ông Hans Sicat - Tổng giám đốc Sở giao dịch Chứng khoán Philippines cũng đề nghị Chính phủ ngừng bổ sung nghỉ lễ, do số ngày giao dịch giảm đi sẽ "gây ra rất nhiều vấn đề về logistics", các công ty sẽ chịu chi phí lớn hơn và khả năng cạnh tranh của ngành dịch vụ cũng giảm sút. Ví dụ, Ngân hàng Trung ương đóng cửa sẽ khiến Chính phủ thất thu hơn 311.000 USD tiền thuế từ việc giao dịch hàng ngày trên thị trường vốn. Ông cho biết trên Rappler: "Chúng ta là thị trường mới nổi, chúng ta nên làm việc chăm chỉ hơn".

Theo Theo VnExpress