THẾ GIỚI 24H: Ukaine không muốn cắt đứt quan hệ với Nga

TPO - Ngoại trưởng Ukraine Pavel Klimkin tuyên bố, bất chấp căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước xung quanh cuộc khủng hoảng phía Đông Ukraine, Kiev không có ý định cắt đứt quan hệ cả về quan hệ kinh tế lẫn ngoại giao với Moscow.
Hai Ngoại trưởng Nga - Ukraine (phải) tại một cuộc gặp nhóm Tiếp xúc diễn ra tại Đức hồi cuối tháng 1/2015

Theo Ngoại trưởng Nga Pavel Klimkin: “Nga phải là một phần không thể thiếu của giải pháp cho vấn đề đang tồn tại (cuộc xung đột ở Donbass). “Chính vì vậy mà Nga cùng với Ukraine và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu có mặt trong thành phần của Nhóm tiếp xúc ba bên. Nếu chúng ta cắt đứt quan hệ ngoại giao, việc đó sẽ phá hỏng thể thức đàm phán hiện có và đặt Hiệp định Minsk đứng trước nguy cơ đổ vỡ”, theo UNN.

Sau cuộc thảo luận kéo dài hơn 5 giờ đồng hồ tại Moscow, lãnh đạo Đức, Pháp, Nga sẽ tiếp tục có cuộc trao đổi kế hoạch trên lần nữa qua điện thoại với Tổng thống Ukraine hôm nay 8/2, nhằm ngăn chặn nguy cơ cuộc giao tranh ở miền Đông Ukraine vượt ngoài tầm kiểm soát trong bối cảnh Washington cân nhắc việc cung cấp vũ khí cho Kiev. Phát biểu sau khi từ Nga trở về, Tổng thống Hollande tuyên bố sáng kiến của Pháp và Đức là “cơ hội cuối cùng” cho hòa bình ở Ukraine. “Nếu chúng ta không xoay xở tìm ra một thỏa thuận hòa bình bền vững, chứ không chỉ là một thỏa hiệp, chúng ta biết chính xác kịch bản nào sẽ diễn ra. Nó có một cái tên là chiến tranh”, ông Hollande nói, theo Reuters.

Sự chia rẽ giữa Mỹ và châu Âu trong cách giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine được thể hiện rõ trong Hội nghị An ninh Munich cấp cao hôm 7/2, với sự tham dự của các quan chức hàng đầu từ Mỹ, châu Âu, Ukraine và Nga. Tướng không quân Mỹ Philip Breedlove, chỉ huy quân sự của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cho rằng phương Tây nên cân nhắc khả năng quân sự trong vấn đề Ukraine. Tuy nhiên, Breedlove cho hay đang nhắc đến khả năng cung cấp vũ khí và thiết bị cho quân đội Ukraine chứ không phải là điều binh. Trong khi đó, Thủ tướng Đức Merkel nghi ngờ hiệu quả của việc hỗ trợ vũ khí cho Ukraine chống lại các phần tử ly khai. 

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Susan Rice khẳng định, Chính phủ Mỹ đã mời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm cấp nhà nước tới Mỹ trong năm nay. “Với Trung Quốc, chúng tôi đang xây dựng mối quan hệ mang tính xây dựng. Đó là mối quan hệ mở rộng hợp tác thực chất trong nhiều lĩnh vực, từ y tế toàn cầu đến không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, dù chúng tôi có những khác biệt thực sự về vấn đề nhân quyền, tình báo kinh tế qua mạng và sử dụng phương cách ép buộc để thúc đẩy yêu sách lãnh thổ”, bà Rice nói. Ông Tập Cận Bình cũng được trông chờ thăm Liên Hợp Quốc ở New York vào tháng 9/2015 để dự lễ kỷ niệm 70 năm thành lập, theo AP.

Tổng thống Mỹ đã công bố Chiến lược An ninh Quốc gia 2015, làm định hướng cho chính sách đối ngoại của Mỹ trong 2 năm cầm quyền còn lại. “Chiến lược an ninh quốc gia năm 2015,” dài 29 trang, xác định nước Mỹ vẫn duy trì “vai trò lãnh đạo thế giới,” nhưng thừa nhận sức mạnh của Mỹ có hạn, do đó không thể một mình giải quyết được các thách thức an ninh toàn cầu trong tình hình thế giới phức tạp và khó dự đoán như hiện nay. “Chiến lược an ninh quốc gia năm 2015” cam kết nước Mỹ tiếp tục lãnh đạo liên minh quốc tế trong cuộc chiến chống nhóm vũ trang Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq và Syria; đồng thời tiếp tục cùng với các đồng minh châu Âu trong chiến dịch bao vây cô lập nước Nga.

Ngày 7/2, các quan chức an ninh Iraq cho biết đã có ít nhất 25 người thiệt mạng và 64 người bị thương trong hai vụ đánh bom ở thủ đô Baghdad của nước này. Theo nguồn tin trên, trong vụ việc đầu tiên, một phần tử liều chết đã trà trộn vào một nhà hàng ở khu vực New Baghdad của người Hồi giáo dòng Shi'ite và cho nổ tung dây đai gắn bom trên người. Không lâu sau đó, hai thiết bị tự chế cách nhau chỉ 25m đã phát nổ tại khu chợ Sharqa ở trung tâm Baghdad. Hiện chưa có cá nhân hay tổ chức nào thừa nhận đứng sau các vụ tấn công trên, song nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã từng tiến hành những vụ đánh bom liều chết tương tự tại Iraq.

Các tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) đã lệnh cho một phi đội máy bay chiến đấu F-16 tới đồn trú tại Jordan để hỗ trợ nước này trong các cuộc không kích chống lại Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Hãng thông tấn chính thức WAM của UAE đưa tin Thái tử Abu Dhabi Mohammed bin Zayed al-Nahayan, đồng thời là Phó Tư lệnh các lực lượng vũ trang UAE, đã đưa ra mệnh lệnh trên. WAM cho biết: “Sáng kiến này tái khẳng định sự đoàn kết thủy chung với Jordan và vai trò lãnh đạo của nước này, cũng như những hy sinh to lớn (của Jordan) đối với an ninh và sự ổn định khu vực được thể hiện qua tấm gương tử vì đạo và người anh hùng Maaz al-Kassasbeh - viên phi công Jordan đã bị IS thiêu sống", theo Vietnamplus.

Ngày 7/2, chính phủ Mỹ tuyên bố không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy con tin Mỹ Kayla Jean Mueller đã thiệt mạng trong đợt không kích như tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) khẳng định trước đó. Trước đó IS thông báo con tin Mueller đã bị chôn vùi trong đống đổ nát ở thành phố Raqa tại Syria sau khi máy bay chiến đấu Jordan tấn công các mục tiêu IS tại đây. Tuy nhiên người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ (NSC) Bernadette Meehan nhấn mạnh không có bằng chứng nào xác nhận khẳng định của IS. Một cơ sở để Washington đưa ra kết luận trên là IS không hề công bố một hình ảnh nào của con tin Mỹ.

Ngày 7/2, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thêm 5 thi thể tại hiện trường vụ rơi máy bay của hãng hàng không TransAsia tại Đài Loan, Trung Quốc, nâng tổng số nạn nhân thiệt mạng lên 40 người. Trung tâm ứng phó thiên tai Đài Loan cho biết các thi thể vừa được tìm thấy ở cách vị trí máy bay rơi từ 500m đến 1km. Hiện vẫn còn 3 hành khách mất tích. Chiếc máy bay ATR 72-600 của hãng hàng không TransAsia khởi hành ngày 4/2 từ sân bay Tùng Sơn ở Đài Bắc đã rơi xuống sông Cơ Long chỉ 10 phút sau khi cất cánh. Trong số 58 người trên máy bay, chỉ có 15 người được cứu sống.

Trong kế hoạch tái cấu trúc, Tập đoàn công nghệ khổng lồ Siemens mới đây thông báo sẽ cắt giảm 7.800 việc làm trên toàn thế giới nhằm tiết kiệm khoảng 1 triệu euro chi phí sản xuất. Trong đó, trụ sở tại Đức - đại bản doanh của Siemens - sẽ giảm hơn 3.000 lao động. Tháng 5/2014, Giám đốc điều hành Siemens, ông Joe Kaeser, đã công bố kế hoạch cắt giảm việc làm và tiến tới giảm số lượng các chi nhánh và hệ thống phân cấp trong tập đoàn vào năm 2016. Số việc làm bị cắt giảm được cho làm nằm trong kế hoạch tái cấu trúc tập đoàn. Tuy nhiên, con số cắt giảm cụ thể đến nay vẫn chưa được công bố. 

Post by Báo Tiền Phong.