Thông báo của Bộ Tài chính Mỹ cho biết, các biện pháp trừng phạt mới được công bố nhắm tới một mạng lưới các công ty khai thác và bán vàng, khoáng chất, và các loại đá quý từ các nước châu Phi - nơi tập đoàn Wagner đang hoạt động. Các lệnh trừng phạt nhằm ngăn chặn nguồn tài chính cho các hoạt động quân sự của tập đoàn này ở Ukraine và châu Phi, qua đó, làm giàu cho thủ lĩnh của tập đoàn này là ông Yevgeny Prigozhin. Theo Thứ trưởng phụ trách Khủng bố và Tình báo tài chính của Bộ Tài chính Mỹ, Brian Nelson, tập đoàn Wagner cung cấp tài chính cho các hoạt động của mình một phần bằng cách khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên ở các nước như Cộng hòa Trung Phi và Mali. Mỹ tuyên bố sẽ tiếp tục nhắm tới các nguồn thu của Wagner nhằm ngăn cản các hoạt động mở rộng và bạo lực của tập đoàn này ở châu Phi, Ukraine và các nơi khác trên thế giới.
Ủy ban châu Âu phê duyệt gói hỗ trợ 100 triệu euro cho nông dân 5 nước. Gói hỗ trợ 100 triệu euro dành cho nông dân từ 5 quốc gia có chung biên giới Ukraine sẽ được phân bổ lần lượt là 9,77 triệu euro cho Bulgaria; 15,93 triệu euro cho Hungary; 39,33 triệu euro cho Ba Lan; 29,73 triệu euro cho Romania và 5,24 triệu euro cho Slovakia. Thời gian qua, người nông dân từ năm quốc gia thành viên này đã phải đối mặt với khó khăn khi không thể tiêu thụ các mặt hàng nông sản do bị cạnh tranh về giá từ số lượng lớn sản phẩm nông sản từ Ukraine.
Pháp lần đầu thử nghiệm phương tiện lướt siêu vượt âm. Ngày 27/6, một nguồn thạo tin cho biết Pháp đã lần đầu tiên thử nghiệm phương tiện lướt siêu vượt âm (HGV) được cho là có khả năng thách thức các hệ thống đánh chặn do có quỹ đạo bay không thể đoán trước. Theo nguồn thạo tin nói trên, HGV của Pháp, được gọi là V-Max, được phóng từ một tên lửa nghiên cứu và đã bay trên bầu trời miền Nam nước Pháp vào tối 26/6 (giờ địa phương).
Tổng thống Nga tiết lộ chi phí tài trợ hoàn toàn cho Wagner. Tập đoàn Wagner hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của nhà nước, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết tại cuộc gặp với các quân nhân tại Điện Kremlin ngày 27/6. Ông cho biết thêm, các chiến binh của công ty quân sự tư nhân Wagner được cung cấp và chi trả bởi Bộ Quốc phòng Nga và ngân sách nhà nước. Theo đài RT, Tổng thống Nga tiết lộ trong khoảng thời gian từ tháng 5/2022 đến tháng 5/2023, chính phủ Nga đã phân bổ 86,26 tỷ rúp (1,04 tỷ USD) cho tiền lương và các khoản thanh toán ưu đãi cho các chiến binh Wagner.
Trên 6.500 đối tượng bị bắt giữ sau vụ triệt phá hệ thống liên lạc được mã hóa Encrochat. Ngày 27/6, Cơ quan cảnh sát châu Âu (Europol) thông báo đã bắt giữ trên 6.500 đối tượng, đồng thời tịch thu hoặc phong tỏa số tài sản với tổng trị giá 900 triệu euro (980 triệu USD), sau chiến dịch triệt phá EncroChat - hệ thống chuyên bán điện thoại bảo mật cho các nhóm tội phạm có tổ chức.
Nga bác bỏ khả năng hòa đàm với Ukraine. Ngày 27/6, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã phủ nhận thông tin cho rằng Nga và Ukraine có thể đàm phán trong tháng 7. Theo ông, tại thời điểm này, không có dấu hiệu về bất kỳ điều kiện tiên quyết nào để triển khai đàm phán như vậy.
Nhật Bản đưa Hàn Quốc trở lại “danh sách trắng” về thương mại. Ngày 27/6, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc cho biết Bộ Thương mại Nhật Bản quyết định sửa đổi một quy tắc, theo đó đưa Seoul trở lại “Nhóm A”. Điều này đồng nghĩa rằng Hàn Quốc sẽ được hưởng các ưu đãi xuất khẩu trở lại. Theo thủ tục, biện pháp này dự kiến sẽ có hiệu lực vào giữa tháng Bảy tới.
Mỹ công bố gói viện trợ vũ khí cho Ukraine trị giá 500 triệu USD. Ngày 27/6, Mỹ đã công bố đợt cung cấp vũ khí mới trị giá 500 triệu USD cho Ukraine để hỗ trợ cuộc phản công của Kiev chống lại lực lượng Nga, trong đó có xe bọc thép, đạn chính xác và thiết bị rà phá bom mìn. Theo Lầu Năm Góc, gói viện trợ thứ 41 của Washington cho Kiev kể từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga bắt đầu bao gồm 30 xe chiến đấu Bradley và 25 xe chở quân Stryker, nhiều tên lửa cho hệ thống phòng không Patriot và Hệ thống rocket pháo binh cơ động cao (HIMARS); vũ khí cỡ nhỏ và hơn 22 triệu viên đạn và lựu đạn.