THẾ GIỚI 24H: Luật sư của ông Trump đồng loạt xin nghỉ trước phiên luận tội thứ 2

TPO - 5 luật sư tham gia bào chữa cho cựu Tổng thống Donald Trump được cho đã xin nghỉ khi còn hơn 1 tuần nữa sẽ tới thời điểm diễn ra phiên tòa luận tội lần thứ 2.

Theo Reuters, một nguồn tin vào hôm 30/1 cho biết, hai luật sư Nam Carolina là Butch Bowers và Derborah vốn là hai luật sư dẫn đầu nhóm bào chữa cho cựu Tổng thống Donald Trump trong phiên tòa luận tội tại Thượng Viện đã không còn thuộc nhóm pháp lý của ông Trump. Việc này đã gây nên nhiều xáo trộn đối với chiến lược pháp lý của ông Trump. Một nguồn tin khác cho hay, ba luật sư khác nằm trong nhóm bào chữa gồm Josh Howrd (Bắc Carolina), Johnny Gaser và Greg Harris (cùng ở Nam Corolina) cũng đã xin nghỉ việc. Theo một nguồn tin, ông Trump và luật sư Bowers đã bất đồng quan điểm về chiến lược pháp lý trước phiên tòa. Cựu Tổng thống vẫn cho rằng ông là nạn nhân của gian lận bầu cử ngày 3/11. Việc 5 luật sư quyết định xin nghỉ đã khiến nhóm bào chữa của ông Trump rơi vào tình trạng hỗn loạn ngay trước khi ông bước vào phiên tòa luận tội ở Thượng viện hôm 9/2 tới đây. Hiện, vẫn chưa rõ ai sẽ là người đại diện cho cựu Tổng thống Mỹ tại phiên tòa.

Người phát ngôn đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ cầm quyền (NLD) tại Myanmar ngày 1/2 thông báo nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi và nhiều quan chức cấp cao của đảng cầm quyền đã bị bắt trong các vụ đột kích vào rạng sáng cùng ngày. Trao đổi qua điện thoại với hãng tin Reuters, người phát ngôn Myo Nyunt cho biết nhà lãnh đạo Suu Kyi, Tổng thống Win Myint và nhiều nhà lãnh đạo khác nằm trong số những người bị bắt. Ông kêu gọi người dân Myanmar không nên hành động vội vã và cần tuân thủ pháp luật

Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 372.000 ca bệnh COVID-19 và trên 8.600 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã vượt 103,4 triệu ca, trong đó trên 2,23 triệu ca tử vong.Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 99.000 ca), Brazil (27.756 ca) và Anh (21.088 ca). Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (1.510 ca), Mexico (1.495 ca) và Anh (587 ca). Trong bối cảnh số ca mắc gia tăng và lo ngại về các biến chủng mới, các nước đều thắt chặt biện pháp phòng dịch bệnh và đẩy nhanh tiêm chủng vaccine COVID-19.

Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun ngày 31/1 cho biết chính phủ nước này đã quyết định gia hạn các biện pháp giãn cách xã hội thêm hai tuần nữa. Phát biểu tại cuộc họp chính phủ về ứng phó với dịch COVID-19, Thủ tướng Chung Sye-kyun nêu rõ: “Làn sóng lây nhiễm thứ ba lại ập vào Hàn Quốc. Do đó, chính phủ quyết định duy trì các quy định giãn cách xã hội hiện tại trong 2 tuần nữa cho đến hết kỳ nghỉ Tết Nguyên đán". Kể từ ngày 8/12/2020, Hàn Quốc đã áp dụng giãn cách xã hội cấp độ 2,5, mức cao thứ hai trong thang bậc 5 cấp, ở khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận. Các lệnh cấm tụ tập từ 5 người trở lên đã được áp dụng hầu như trên toàn quốc.

Người phát ngôn lực lượng đặc nhiệm chống COVID-19 của Iran, ông Hojjat Niki Maleki, cho biết một loại vaccine do nước này tự phát triển có thể kháng được biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện tại Anh. Trong phát biểu đăng trên mạng xã hội Twitter, ông Maleki nêu rõ: “Tiến sĩ Hassan Jalili, thành viên nhóm phát triển vaccine cho biết, phân tử palasma trong máu của những tình nguyện viên đầu tiên được tiêm vaccine Covo của Iran trong quá trình thử nghiệm lâm sàng có khả năng vô hiệu hóa hoàn toàn biến thể virus SARS-CoV-2 từ Anh”.

Ngày 31/1, cơ quan chuyên trách về đại dịch COVID-19 của Philippines cho biết ít nhất 5,6 triệu liều vắcxin COVID-19 của 2 hãng dược quốc tế sẽ tới nước này trong quý 1/2021. Theo lãnh đạo cơ quan trên, ông Carlito Galvez, vắcxin được bàn giao là một phần trong tổng số 9,4 triệu liều vắcxin của Pfizer/BioNTech và vắcxin của AstraZeneca. Philippines là ổ dịch lớn thứ hai tại Đông Nam Á với hơn 1 triệu bệnh nhân và hơn 10.000 ca tử vong. Nước này dự kiến bắt đầu tiêm chủng trong tháng 2/2021.

Theo thông tin báo chí Đức ngày 31/1, một máy bay vận tải của quân đội Đức chở theo bác sĩ và thiết bị y tế đầu tuần tới sẽ tới Bồ Đào Nha, nơi tình hình đại dịch COVID-19 đang hết sức nguy kịch khi có tới 70% số nhân viên y tế bị nhiễm virus trong khi số giường bệnh chăm sóc tích cực đã chạm ngưỡng. Cụ thể sẽ có một nhóm gồm 27 bác sĩ và nhân viên y tế tới hỗ trợ các bệnh viện đang bị quá tải về nhân lực ở Bồ Đào Nha và trước mắt sẽ ở lại hỗ trợ Bồ Đào Nha khoảng 3 tuần. Ngoài ra, chuyến bay còn chở theo vật tư y tế tới quốc gia này, trong đó có giường bệnh cũng như máy trợ thở cố định và cơ động rất cần cho các bệnh nhân mắc COVID-19. Quân đội Đức sẽ cân nhắc tiếp các biện pháp hỗ trợ, bởi theo các chuyên gia khủng hoảng, tình hình ở Bồ Đào Nha hiện được đánh giá ở mức rất nghiêm trọng.

Hãng tin Reuters hôm nay (31/01) dẫn nguồn 4 quan chức cấp cao của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) cho biết, các binh sỹ nước ngoài đang lên kế hoạch ở lại Afghanistan sau thời hạn chót theo thỏa thuận giữa Taliban và Mỹ vào tháng 5 tới. Động thái này được dự đoán có thể khiến leo thang căng thẳng tại khu vực trong bối cảnh Taliban yêu cầu rút toàn bộ lực lượng quân sự Mỹ và các đồng minh khỏi lãnh thổ Afghanistan.