THẾ GIỚI 24H: Hàng loạt đại sứ quán tại Kiev đóng cửa, Ukraine cáo buộc Nga 'chiến tranh tâm lý'

TPO - Chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi Mỹ tuyên bố đóng cửa đại sứ quán tại Kiev do lo ngại nguy cơ xảy ra không kích, đến lượt Italy, Tây Ban Nha và Hy Lạp cũng có quyết định tương tự.

Đại sứ quán Tây Ban Nha tại Kiev, Ukraine. Ảnh: Đại sứ quán Tây Ban Nha

Tờ Guardian (Anh) ngày 20/11, trích dẫn đài truyền hình nhà nước Suspilne của Ukraine, đưa tin có thông tin tình báo nghi ngờ Kiev chuẩn bị phải đối mặt với cuộc tấn công kết hợp bởi thiết bị bay không người lái và tên lửa. Cơ quan tình báo quân sự Ukraine (HUR) cáo buộc Nga phát tán thông tin sai lệch trên các ứng dụng nhắn tin và mạng xã hội rằng sẽ có tấn công quy mô lớn vào các thành phố của Ukraine ngày 20/11. Cơ quan tình báo này gọi động thái này là “tấn công thông tin tâm lý quy mô lớn".

Mỹ đóng cửa Đại sứ quán ở Kiev, yêu cầu công dân khẩn trương tìm nơi trú ẩn. Ngày 20/11, Mỹ đã đóng cửa Đại sứ quán tại Kiev và kêu gọi các công dân Mỹ ở Ukraine sẵn sàng tìm nơi trú ẩn nhanh chóng. Thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ viết: "Với sự thận trọng, Đại sứ quán sẽ đóng cửa và các nhân viên Đại sứ quán được hướng dẫn ở yên tại chỗ. Đại sứ quán khuyến cáo công dân Mỹ chuẩn bị nơi trú ẩn ngay lập tức trong trường hợp có cảnh báo trên không."

Ít nhất 50 phiến quân thiệt mạng, 7 cảnh sát Nigeria mất tích trong vụ tấn công đoàn xe. Ít nhất 50 chiến binh Boko Haram đã thiệt mạng vào thứ Ba (19/11) và 7 thành viên của cảnh sát Nigeria đã mất tích sau một cuộc phục kích của phiến quân vào đoàn xe giám sát các cơ sở lưới điện của đất nước. Boko Haram, tổ chức đã tiến hành cuộc nổi loạn trong 15 năm, chủ yếu ở vùng đông bắc Nigeria. Dù bị suy yếu do xung đột quân sự và nội bộ, nhưng nhóm này vẫn là mối đe dọa khi thực hiện các cuộc tấn công chết người nhằm vào dân thường và các mục tiêu của chính quyền.

Thủ tướng Israel đến Dải Gaza, treo thưởng 5 triệu USD cho mỗi con tin được thả. Trong chuyến thăm Dải Gaza, Thủ tướng Benjamin Netanyahu cho biết: "Tôi nói với những người (Palestine) muốn thoát khỏi tình cảnh này: Bất kỳ ai giao nộp con tin cho chúng tôi, chúng tôi sẽ đảm bảo lối thoát an toàn cho bạn và gia đình. Chúng tôi cũng sẽ trả 5 triệu USD cho mỗi con tin được thả. Sự lựa chọn nằm trong tay các bạn, nhưng kết quả sẽ như nhau. Chúng tôi cuối cùng sẽ đưa họ về nhà".

Nga tuyên bố "làm mọi thứ" để ngăn chặn xung đột hạt nhân. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố nước này vẫn giữ nguyên cam kết tránh để xảy ra chiến tranh hạt nhân. Tuyên bố này được đưa ra sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh phê chuẩn học thuyết hạt nhân sửa đổi của nước này. Điện Kremlin tái khẳng định rằng vũ khí hạt nhân chỉ là biện pháp răn đe, nhưng nhấn mạnh sự trả đũa là điều không thể tránh khỏi nếu Nga bị tấn công.

Tổng thống Mali bãi nhiệm Thủ tướng và chính phủ nước này. Ngày 20/11, truyền thông châu Phi đưa tin, theo sắc lệnh do Tổng thống Mali Assimi Goita ban hành, Thủ tướng Choguel Kokalla Maiga và chính phủ của ông cùng ngày đã bị bãi nhiệm. Đài truyền hình nhà nước ORTM của Mali phát thông báo từ Văn phòng Tổng thống nêu rõ: “Nhiệm vụ của Thủ tướng và các thành viên chính phủ đã chấm dứt". Gần đây, ông Maiga được cho là đã lên tiếng chỉ trích việc chính quyền quân sự ở nước này thất bại trong việc tổ chức bầu cử trong thời gian chuyển tiếp 24 tháng như đã cam kết đưa ra trước đó.

Mỹ bác nghị quyết của Liên Hợp Quốc yêu cầu ngừng bắn ở Dải Gaza. Mỹ vừa bỏ phiếu phủ quyết một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA) về lệnh ngừng bắn ngay lập tức trong xung đột Israel – Hamas ở Dải Gaza. Theo báo Times of Israel, toàn bộ 15 nước thành viên HĐBA ngày 20/11 đã tham gia bỏ phiếu thông qua nghị quyết do 10 quốc gia không thường trực bảo trợ. Nghị quyết có nội dung "yêu cầu tất cả các bên phải tôn trọng lệnh ngừng bắn ngay lập tức, vô điều kiện và vĩnh viễn, đồng thời nhắc lại yêu cầu trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho tất cả con tin” Israel đang bị các tay súng Hồi giáo giam giữ ở Dải Gaza.

Nga cáo buộc Mỹ tìm cách kéo dài cuộc chiến tại Ukraine. Ngày 20/11, Nga đã cáo buộc Mỹ tìm cách kéo dài cuộc chiến ở Ukraine thông qua việc tăng cường cung cấp vũ khí cho Kiev trước thời điểm Tổng thống đắc Trump nhậm chức. Theo đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết chính quyền sắp mãn nhiệm của Mỹ đang cố gắng tìm mọi cách để kéo dài cuộc chiến tại Ukraine. Phía Mỹ đang tìm kiếm những cam kết của Ukraine trong việc sử dụng các loại mìn mìn chống bộ binh do Mỹ viện trợ trên lãnh thổ của Ukraine.