Luật nói trên, được thông qua vào tháng 4/2024, yêu cầu ByteDance, công ty mẹ Trung Quốc của TikTok, phải thoái vốn khỏi nền tảng này tại Mỹ, nếu không sẽ phải đối mặt với lệnh cấm. Theo Chính phủ Mỹ, việc Trung Quốc kiểm soát TikTok thông qua ByteDance là mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia. Tuần trước, ông Trump đã đệ trình một bản tóm tắt pháp lý, lập luận rằng ông cần có thời gian sau khi nhậm chức vào ngày 20/1 để tìm ra một "giải pháp chính trị" cho vấn đề này. Tòa án dự kiến sẽ nghe các lập luận trong vụ việc vào ngày 10/1 tới. Việc ông Trump ủng hộ TikTok là một sự thay đổi lập trường so với năm 2020, khi ông cố gắng chặn ứng dụng này tại Mỹ do lo ngại an ninh quốc gia.
Nga chặn âm mưu khủng bố, bắt 4 nghi phạm đều chưa đủ 18 tuổi. Ngày 4/1, Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) thông báo đã ngăn chặn thành công một âm mưu tấn công khủng bố nơi công cộng tại TP. Yekaterinburg (tỉnh Sverdlovsk) - thành phố lớn nhất vùng Ural, hãng thông tấn TASS đưa tin. FSB đã bắt 4 nghi phạm, sinh năm 2007 và 2008, được cho là tin theo một tổ chức khủng bố, không được nêu rõ tên, bị cấm tại Nga và "đã lên kế hoạch thực hiện tấn công khủng bố bằng cách sử dụng thiết bị nổ tự chế ở nơi có đông người dân ở TP. Yekaterinburg".
Hàng chục nghìn người biểu tình gây hỗn loạn ở Thủ đô Seoul. Theo hãng tin Yonhap, ngày 4/1, hàng chục nghìn người đổ về trung tâm Thủ đô Seoul của Hàn Quốc để tham gia các cuộc biểu tình khác nhau - ủng hộ và phản đối vị Tổng thống đang bị đình chỉ chức vụ Yoon Suk-yeol, sau khi ông bị cáo buộc áp đặt thiết quân luật bất hợp pháp hôm 3/12/2024. Khoảng 35.000 người ủng hộ Tổng thống Yoon đã tập trung gần quảng trường Gwanghwamun vào lúc 13h trước khi đột ngột di chuyển đến khu vực Hannam-dong thuộc quận Yongsan để đối đầu với những người biểu tình chống đối. Cùng lúc, cách đó chỉ 400m, các thành viên của Liên đoàn Công đoàn Hàn Quốc (KCTU) tổ chức một cuộc biểu tình đòi bắt giữ Tổng thống Yoon ngay lập tức.
Ấn Độ phản đối Trung Quốc lập quận mới chồng lấn lãnh thổ Ấn Độ. Ấn Độ ngày 3/1 đã gửi công hàm đến Trung Quốc phản đối việc thành lập 2 quận mới tại Hòa Điền, Tân Cương. Những khu vực mới được xác lập này bao trùm cả khu vực thuộc vùng lãnh thổ liên bang Ladakh của Ấn Độ. Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Randhir Jaiswal cho biết, một phần của 2 quận mới này thuộc Vùng lãnh thổ liên bang Ladakh của Ấn Độ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ nhấn mạnh rằng việc thành lập các quận mới sẽ không thay đổi lập trường nhất quán của Ấn Độ về chủ quyền đối với khu vực này.
Quan chức an ninh Tổng thống Hàn Quốc từ chối thẩm vấn giữa căng thẳng chính trị. Ngày 4/1, hãng tin Yonhap đưa tin, hai quan chức cấp cao thuộc Cơ quan An ninh Tổng thống Hàn Quốc (PSS) đã từ chối yêu cầu thẩm vấn của cảnh sát, chỉ một ngày sau khi lực lượng an ninh can thiệp và ngăn chặn nỗ lực bắt giữ Tổng thống bị luận tội Yoon Suk Yeol. Trong thông báo gửi đến truyền thông, PSS cho biết Cảnh sát trưởng Park Chong-jun và Phó cảnh sát trưởng Kim Seong-hoon không thể rời khỏi vị trí "dù chỉ một lúc", với lý do tình hình an ninh đối với Tổng thống Yoon đang ở mức nghiêm trọng. PSS cũng cho biết họ đang phối hợp với cảnh sát để sắp xếp lại lịch trình thẩm vấn.
Starlink bị giám sát chặt chẽ tại Ấn Độ do lo ngại vấn đề an ninh. Chính phủ Ấn Độ đang siết chặt giám sát đối với dịch vụ internet vệ tinh Starlink của tỷ phú Elon Musk sau khi phát hiện các thiết bị của hệ thống này bị các nhóm tội phạm buôn lậu ma túy và phiến quân sử dụng để duy trì liên lạc, điều phối hoạt động phi pháp. Theo tờ The Guardian, vụ việc đã làm dấy lên lo ngại nghiêm trọng trong Bộ Nội vụ (MHA) và Cục Viễn thông Ấn Độ (DoT), đặc biệt khi Starlink vẫn chưa được cấp phép hoạt động chính thức tại Ấn Độ.
Nhật Bản tăng mạnh viện trợ quốc phòng cho nước ngoài năm 2025. Nhật Bản đã phân bổ 8,1 tỷ yen (51 triệu USD) trong năm tài chính 2025 để trang bị quốc phòng cho các nước có cùng chí hướng như Philippines, Malaysia,... tăng hơn 60% so với năm trước. Các quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết dù chính phủ vẫn chưa hoàn thiện danh sách các nước nhận viện trợ trong năm tài chính 2025 bắt đầu từ tháng 4 này theo chương trình hỗ trợ an ninh chính thức, nhưng ít nhất 3 nước gồm Philippines, Malaysia và Papua New Guinea sẽ có tên. Nguồn tin trên tiết lộ thêm rằng Nhật Bản cũng đang cân nhắc viện trợ an ninh cho một số quốc đảo Thái Bình Dương.
Ấn Độ lo ngại về dự án đập thủy điện lớn nhất thế giới của Trung Quốc. Ấn Độ đã bày tỏ quan ngại về kế hoạch xây dựng đập thủy điện lớn trên sông Yarlung Zangbo ở Tây Tạng (Trung Quốc), con sông chảy vào lãnh thổ Ấn Độ và Bangladesh. Mặc dù Trung Quốc khẳng định dự án sẽ không gây tác động lớn đến môi trường hoặc nguồn nước ở hạ lưu, Ấn Độ và Bangladesh vẫn bày tỏ lo ngại. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Randhir Jaiswal cho biết New Delhi đã yêu cầu Trung Quốc đảm bảo lợi ích của các quốc gia hạ lưu không bị tổn hại bởi các hoạt động tại khu vực thượng nguồn. Ông khẳng định Ấn Độ sẽ tiếp tục theo dõi và thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền lợi của mình.