THẾ GIỚI 24H: Bất đồng về số phận Tổng thống Syria

TPO - Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, phương Tây cần phải từ bỏ yêu cầu tổng thống Syria Al-Assad phải ra đi nếu muốn thành lập một liên minh quốc tế đoàn kết chống lại tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Ngoại trưởng Nga cho biết, vẫn chưa có thỏa thuận nào về số phận chính trị của Tổng thống Assad sau Hội nghị quốc tế ở Áo. Ông cũng nói thêm rằng, đã nhận thấy có sự thay đổi trong quan điểm của phương Tây sau các vụ khủng bố ở Pari (Pháp) và vụ đánh bom máy bay chở khách của Nga.

Nga và Ai Cập nhất trí thúc đẩy hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan đặc vụ của hai nước để tìm ra kẻ đã gây ra vụ khủng bố làm chiếc máy bay A321 của Nga rơi ở Sinai, Ai Cập. Điều này đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi thống nhất trong cuộc điện đàm ngày 18/11.

Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đã chặn và bắt giữ 8 đối tượng nghi là phần tử thánh chiến Hồi giáo đang trên đường tới Đức. Các đối tượng tập hợp từ Casablanca (Maroc) đã bị bắt giữ tại sân bay Istanbul khi đang trong hành trình đi tiếp tới Đức. Khi bị bắt, các nghi can thuộc tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng này cho biết họ là khách du lịch, đã đặt phòng khách sạn và muốn ở lại vài ngày tại Istanbul. 

Người phụ nữ đã kích hoạt đai bom quấn quanh người trong cuộc đột kích của cảnh sát Pháp ở ngoại ô Paris sáng 18/11 có thể là vợ của kẻ chủ mưu gây ra vụ tấn công đẫm máu hôm 13/11 khiến 129 người chết, 350 người bị thương. Người phụ nữ này được mô tả là "có mái tóc vàng dài" đã dùng khẩu AK-47 đọ súng với cảnh sát trước khi tự cho nổ tung thân mình, khiến 5 cảnh sát bị thương nhẹ.

Sau khi xảy ra các vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại Paris vào đêm 13/11, các lực lượng chống khủng bố của Indonesia đã được đặt trong tình trạng báo động cao. Đặc biệt là sau khi lực lượng an ninh nước này phát hiện một số phần tử quá khích từ Trung Đông bất ngờ nhập cảnh trở lại và có mặt tại một số khu vực gần thủ đô Jakarta. Phó Giám đốc Cơ quan chống khủng bố quốc gia Indonesia, Tổng Thanh tra Arief Dharmawan đã xác nhận thông tin này.

Bộ trưởng Tài chính liên bang Đức Wolfgang Schäuble ngày 18/11 được dẫn lời cho rằng Đức có thể triển khai binh sĩ trong nước trong trường hợp bị tấn công như vừa xảy ra tại Paris, Pháp. Sau các vụ đánh bom khủng bố ở Paris đã làm nổ ra những tranh luận xung quanh tình hình an ninh tại Đức, và theo Bộ trưởng Schäuble, trong trường hợp bị tấn công thì việc triển khai quân đội liên bang trong nước không phải là điều cấm kỵ. 

Nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tuyên bố trên tạp chí Dabiq rằng chúng đã sát hại một con tin người Trung Quốc và một con tin người Na Uy, đồng thời đăng tải các hình ảnh dường như chụp thi thể 2 nạn nhân xấu số này với dòng chữ "đã hành quyết." Trong số trước của tạp chí Dabiq, IS tuyên bố "rao bán" 2 con tin trên. IS cũng cho biết, ban đầu nhóm khủng bố này âm mưu làm rơi một máy bay của phương Tây ở bán đảo Sinai của Ai Cập, song đã chuyển mục tiêu sang Nga sau khi Moscow tiến hành không kích ở Syria. 

Ngày 18/11, các cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình ở Kosovo tiếp tục nổ ra liên quan tới thỏa thuận giữa Kosovo và Serbia do EU làm trung gian. Các cuộc biểu tình trong ngày thứ hai này diễn ra sau khi có thông tin về vụ bắt nghị sỹ đối lập Donika Kadaj-Bujupi với cáo buộc quăng đạn hơi cay trong quốc hội. Cảnh sát đã bắn đạn hơi cay vào đám đông khoảng 150 người ném gạch đá chai lọ và cả bom xăng vào tòa nhà chính phủ ở trung tâm Pristina. Trước đó, trụ sở Tòa án Hiến pháp Kosovo đã được cảnh sát và các đơn vị phá bom bảo vệ sau khi một quả lựu đạn được ném vào sân sau của khu nhà này.

Triều Tiên ngày 18/11 phủ nhận trách nhiệm không phản hồi lời kêu gọi đối thoại liên chính phủ của Hàn Quốc. Người phát ngôn Ủy ban Tái thống nhất hòa bình Triều Tiên chỉ trích hành động của Hàn Quốc nhằm đổ trách nhiệm cho nước này về sự thất bại trong các nỗ lực thúc đẩy đối thoại liên Triều. Hàn Quốc trước đó cho rằng, Triều Tiên đã không có phản ứng đối với những đề xuất liên tiếp của Hàn Quốc tổ chức đối thoại liên chính phủ. Triều Tiên khẳng định, nước này đã thể hiện những nỗ lực chân thành để cải thiện quan hệ, bao gồm đề xuất các cuộc đàm phán cấp cao vào tháng 8, thực hiện thỏa thuận đã đạt được tại các cuộc đàm phán, tổ chức đoàn tụ cho những gia đình ly tán vào cuối tháng 10.

Nga đã thông qua quyết định áp dụng lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm của Ukraine, bắt đầu từ ngày 1/1/2016. Bộ trưởng Phát triển kinh tế Nga Aleksey Uliukaev đưa ra thông báo này ngày 18/11. Ông Ylyukaev nhấn mạnh do Ukraine tham gia vào các lệnh trừng phạt chống Nga, nên Chính phủ Nga phải thông qua biện pháp này nhằm bảo vệ nền kinh tế Nga. Tháng 9 vừa qua, ông Ylyukaev thông báo lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm đối với Ukraine cũng tương tự như lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm đối với các nước EU và sẽ được áp dụng ngay khi thỏa thuận liên kết giữa Ukraine và EU có hiệu lực, nghĩa là từ ngày 1/1/2016.