Từ ngày 22 đến ngày 24/9, 150 đại biểu (khoảng 100 thương binh mất sức 81% trở lên và 50 cán bộ, lãnh đạo trung tâm nuôi dưỡng thương binh) từ 14 trung tâm thương binh trải dài từ Bắc Giang đến Bà Rịa - Vũng Tàu về thăm Hà Nội, viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và giao lưu với 600 sinh viên Thủ đô.
So với năm 2017, chương trình lần này quy mô hơn khi mời và tổ chức được cho các thương binh nặng ở phía Nam (đang được nuôi dưỡng tại trung tâm thương binh ở Đà Nẵng và Bà Rịa - Vũng Tàu) ra Hà Nội bằng máy bay.
Buổi giao lưu giữa các đại biểu và sinh viên Thủ đô gồm hai nhóm chủ đề: Những chiến công và Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn. Qua đó, sinh viên Thủ đô sẽ được lắng nghe những câu chuyện từ các bác thương binh về cuộc chiến đấu ở chiến trường khốc liệt, khi bị thương và cuộc chiến đấu trong thời bình để vượt qua thương tật.
Nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất
23/09/2023 14:53
Chương trình nhận được sự tài trợ, đồng tổ chức của Công ty Cổ phần Him Lam với kinh phí hỗ trợ 600 triệu đồng; sự đồng hành, hỗ trợ về địa điểm tổ chức, nhân lực của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
Ngoài ra, Ban tổ chức còn nhận được sự đồng hành của Công ty CP XNK sữa và dinh dưỡng quốc tế Natrumax (tài trợ 963 hộp Genumil calci tổng trị giá 226.305.000 đồng), Tập đoàn TH (tặng 5.376 ly nước uống sữa trái cây TH true JUICE milk), Tổng công ty vận tải Hà Nội (tài trợ vận chuyển tại Hà Nội, xe City tour).
Ban tổ chức thay mặt các nhà tài trợ tặng quà gần 1.000 thương bệnh binh nặng tham gia hoặc không trực tiếp tham gia chương trình, mỗi suất gồm 200.000 đồng và phần quà của Natrumax và Tập đoàn TH.
23/09/2023 14:59
Chuỗi hoạt động của chương trình 'Ánh lửa từ trái tim'
23/09/2023 14:59
23/09/2023 15:05
23/09/2023 17:38
23/09/2023 19:41
Hội trường Trường Đại học Kinh tế Quốc dân sôi động trước giờ G
23/09/2023 19:50
Độc đáo chiếc khăn rằn tại buổi giao lưu
23/09/2023 19:54
Khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần cống hiến, hy sinh vì đất nước vì dân
Tại chương trình, các đại biểu thương binh, cán bộ chăm sóc thương binh sẽ giao lưu, chia sẻ với 600 sinh viên Thủ đô, ôn lại truyền thống cách mạng vẻ vang của các thế hệ cha anh, khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần cống hiến, hy sinh vì đất nước vì dân.
23/09/2023 19:57
Tham dự chương trình “Ánh lửa từ trái tim”, về phía các ban, bộ, ngành Trung ương, có: Ông Vũ Thanh Mai - Phó trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; ông Nguyễn Bá Hoan - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Thiếu tướng Đỗ Thanh Phong - Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam; ông Trần Văn Đạt - Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và công tác học sinh, sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Về phía T.Ư Đoàn có: Anh Nguyễn Minh Triết - Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam; cùng lãnh đạo các Ban Tuyên giáo, Ban Thanh niên Trường học T.Ư Đoàn, T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam, Hội Cựu Chiến binh cơ quan T.Ư Đoàn.
Về phía các đơn vị tổ chức và các đơn vị phối hợp, có: Ông Nguyễn Huy Thiêm - Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Him Lam; PGS.TS Bùi Đức Thọ - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân; TS. Bùi Huy Nhượng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân; nhà báo Lê Xuân Sơn - Tổng biên tập báo Tiền Phong.
Đặc biệt, có sự tham dự của 150 thương binh và hơn 600 sinh viên các Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Xây dựng.
Đại diện các trung tâm điều dưỡng thương binh, người có công ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Phú Thọ, Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Cùng dự có các người đẹp của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm 2022: Người đẹp Nhân ái Nguyễn Ngọc Mai; Người đẹp biển Phan Phương Oanh.
Tham gia biểu diễn tại chương trình, có các ca sĩ, giảng viên Trường Đại học Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội; nghệ sĩ múa Nhà hát Múa rối Thăng Long.
23/09/2023 20:14
23/09/2023 20:16
Mở đầu chương trình giao lưu là màn múa “Việt Nam ơi, mùa xuân đến rồi” do các nghệ sĩ Nhà hát Múa rối Thăng Long trình diễn.
23/09/2023 20:33
Khán giả tại buổi giao lưu hòa chung cảm xúc với tiết mục giao lưu, truyền lửa giữa các thế hệ qua bài hát “Đêm Trường Sơn nhớ Bác” do bảy thương binh và ba sinh viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội thể hiện.
23/09/2023 20:37
23/09/2023 20:45
Ca khúc “Đất nước tình yêu” - nhạc sĩ Lệ Giang, vang lên tại hội trường qua giọng ca của nam ca sĩ Tùng Lâm.
23/09/2023 20:46
23/09/2023 20:48
Mãi ghi nhớ công ơn của các anh hùng liệt sĩ, các thương bệnh binh
Phát biểu tại buổi giao lưu, nhà báo Lê Xuân Sơn - Tổng Biên tập báo Tiền Phong, Trưởng ban Tổ chức chương trình cho biết: Trong bút ký “Đường chúng ta đi” viết hơn 60 năm trước, nhà văn Nguyễn Trung Thành đã viết: “Không biết có nơi nào nữa trên Trái đất, quyền làm người được bảo vệ bằng nhiều máu đến vậy không? Giá như chúng ta minh họa lịch sử dân tộc thì có trang nào, dòng nào mà không phải vẽ thanh gươm tự vệ và tô đậm một màu máu? Máu thắm đượm rãnh cày ta gieo hạt giống, máu thắm đượm mảnh sân con ta nô đùa ngày bé, máu thắm đượm con đường nơi đó mẹ ta lau nước mắt ngày tiễn ta ra đi, máu thắm đượm bờ ao em ta ngồi giặt áo trên chiếc cầu nhỏ gập ghềnh... Ôi dân tộc ta từ trong máu lửa mà sinh ra, mà lớn lên. Từ trong máu lửa bốn nghìn năm chúng ta đứng dậy và cất tiếng nói”.
Đặc điểm lịch sử dân tộc là như vậy. Thế kỷ trước, chỉ trong vòng 60 năm, chúng ta đã liên tiếp trải qua nhiều cuộc chiến tranh, đối diện với những đế quốc hùng mạnh nhất và giành chiến thắng một cách oanh liệt. Nhưng chiến thắng ấy, đã có hàng triệu chàng trai cô gái mạnh khỏe, thông minh của đất nước ta đã nằm xuống. Và hàng triệu người đã mang di chứng nặng nề của chiến tranh.
Những cô bác thương binh mất hơn 81% sức khỏe đang được chăm sóc sức khỏe ở 25 trung tâm điều dưỡng thương binh, người có công trên toàn quốc. Họ là những người tiêu biêu nhất của lực lượng, là chứng nhân của thời đại, là những người đã cống hiến phần máu xương, cơ thể cho đất nước.
Chúng ta mãi ghi nhớ công ơn của các anh hùng liệt sĩ, các thương bệnh binh đã dành cho chúng ta cuộc sống hòa bình hôm nay.
Đền ơn đáp nghĩa và uống nước nhớ nguồn là chính sách xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là một trong những đơn vị đi đầu trong công tác uống nước nhớ nguồn, với nhiều hoạt động lớn, phong trào xuyên suốt, với nhiều cao trào trong các dịp lễ tết, ngày Thương binh - Liệt sĩ.
Báo Tiền Phong - cơ quan Trung ương của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, bên cạnh công tác chuyên môn tuyên truyền về chiến thắng và công sức, sự hy sinh của thương binh liệt sĩ, cán bộ, phóng viên, nhân viên báo Tiền Phong cũng nỗ lực làm những hoạt động thực tế.
Báo Tiền Phong từng có sáng kiến trao tặng Sổ tiết kiệm tình nghĩa. Số tiết kiệm tình nghĩa mang số 1 của đất nước đã trao tặng Anh hùng quân đội Nguyễn Thị Chiên năm 1988. Đến nay, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa đã trở thành phong trào lớn của cả nước.
Báo Tiền Phong cũng đã nhiều năm qua triển khai các chương trình thăm hỏi, tặng quà tại các trung tâm điều dưỡng, chăm sóc thương binh và người có công. Từ sáng kiến của một lãnh đạo trung tâm thương binh, báo Tiền Phong đã tổ chức chương trình “Ánh lửa từ trái tim” đầu tiên vào năm 2017. Chương trình đã mời các thương binh, y bác sĩ và nhân viên các trung tâm điều dưỡng thương binh trong cả nước tham gia giao lưu với hơn 2.000 sinh viên Đại học Quốc gia đang học an ninh quốc phòng.
Lần này, chương trình “Ánh lửa từ trái tim” lần thứ hai tiếp tục được tổ chức nhằm tri ân các thương binh, tri ân các y bác sĩ, nhân viên - những người thay mặt chúng ta chăm sóc các thương binh.
23/09/2023 20:57
Phần giao lưu đầu tiên với chủ đề "Chiến công”. Đại biểu và sinh viên dự chương trình có cơ hội lắng nghe các cô bác thương binh kể về cuộc sống chiến đấu, những chiến công và cả mất mát hy sinh, thương tật để chúng ta thấy được cuộc chiến đấu hào hùng, rất kiên cường cũng như những cống hiến của các thương binh nói riêng và thế hệ đi trước nói chung.
Tham gia giao lưu trên sân khấu có: Thương binh Trịnh Hữu Dần từ Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng Người có công tỉnh Thanh Hoá; thương binh Nguyễn Văn Đãi - Chủ tịch Hội đồng Thương binh Trung tâm Nho Quan, Ninh Bình; thương binh Nguyễn Chí Tường từ Trung tâm Điều dưỡng thương binh và Người có công Long Đất, Bà Rịa - Vũng Tàu.
23/09/2023 21:09
‘Chúng tôi không sợ chết’
Mở đầu phần giao lưu, thương binh Trịnh Hữu Dần nhớ lại những ký ức u ám khi bị giam 8 tháng tại trại giam Biên Hòa (Đồng Nai) sau khi tham gia chiến dịch Tết Mậu Thân năm 1968.
“Ngày ấy, nhà tù u ám lắm, chúng tôi bị tra tấn dã man vào tai, sơ ý là bị đánh, chỉ được ăn cơm với muối…”, bác Dần nhớ lại.
Một hôm, bác Dần được một cán bộ trại giam hỏi: “Bắn như mưa vậy mà các ông không sợ chết à?”.
Bác Dần dũng cảm trả lời: “Chúng tôi không sợ chết, chúng tôi cố gắng làm hết sức để giành độc lập, tự do cho đất nước. Không như các ông, chỉ đấu tranh giành chiến thắng cho một bộ phận giai cấp”.
Sau 8 tháng bị giam tại trại giam Biên Hòa, bác Dần tiếp tục bị giam tại đảo Phú Quốc. Sau khi Hiệp định Paris năm 1973 ký kết, bác Dần được trao trả, từng điều trị tại nhiều nơi, đến năm 1986 về điều trị tại Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng Người có công tỉnh Thanh Hoá đến nay và bị thương tật 81%.
Mặc dù bị tổn thương ở sọ não, gãy chân trái, nhưng tại buổi giao lưu, bác vẫn nhớ như in những nỗi đau cùng cực, “vết tích” của chiến tranh còn vương lại để nhắc nhớ cho thế hệ trẻ về giá trị của hòa bình ngày hôm nay.
23/09/2023 21:24
Người thương binh có bia mộ mang tên mình
Chia sẻ tại cuộc giao lưu, thương binh Nguyễn Văn Đãi, sinh năm 1950, hiện là Chủ tịch Hội đồng Thương binh Trung tâm Nho Quan, Ninh Bình cho biết, cơ thể ông còn nhiều vết thương từ cuộc chiến tranh năm xưa: “Tôi bị thương ở sọ não, trong não vẫn còn mảnh đạn, hỏng một mắt và nhiều vết thương trên cơ thể”.
Năm 1972, trong trận đánh tại tỉnh Long An, ông Đãi bị thương được đồng đội đưa đi cấp cứu. Tuy nhiên, chiếc ba lô của ông đã để lại tại nơi bị thương, sau đó một đồng đội khác đã hy sinh tại đây. Ngỡ rằng người hy sinh là ông Đãi (căn cứ thông tin về ông có trong ba lô) nên sau khi chôn cất liệt sĩ hy sinh tại Bến Lức (Long An), bia mộ đã ghi tên ông Nguyễn Văn Đãi.
Cách đây gần chục năm, ông Đãi mới biết chuyện này. “Giặc tăng cường lực lượng và càn quét đến đơn vị chúng tôi tại chiến trường Long An. Chúng tôi cầm cự đến 4 giờ chiều, xe tăng cán vào miệng hầm, nhờ có những cây chàm che chắn miệng hầm, tôi vẫn còn sống dù bị thương nặng.
Khi chiến đấu, đồng đội chúng tôi thường có sổ ghi để biết ai còn ai mất để còn liên lạc. Tôi bất tỉnh vì bị thương nặng, người được đưa đi còn tư trang để lại hầm. 10 năm sau dân đi khai hoang, người ta phát hiện có hài cốt gần ba lô của tôi, người ta thẩm tra và lấy tên tôi gắn vào bia mộ.
Đồng đội tôi gửi thư nhắn gia đình vào Long An nhận hài cốt. Những năm 1986-1987, gia đình chưa có điện thoại, 9h đêm hàng xóm gọi điện báo mới biết tôi còn sống”, thương binh Nguyễn Văn Đãi nói.
23/09/2023 21:34
23/09/2023 21:34
23/09/2023 21:37
Dựng xây đất nước phồn vinh, hùng cường
Thương binh Nguyễn Chí Tường đang được chăm sóc tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh và Người có công Long Đất, Bà Rịa - Vũng Tàu. Ông Tường (sinh năm 1959) nhập ngũ năm 1977, tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia, giúp nhân dân nước bạn thoát khỏi họa diệt chủng Pôn Pốt và bước vào kỷ nguyên mới - hòa bình, hòa hợp dân tộc và phát triển. Ông Tường là thương binh mất trên 81% sức khoẻ; từng bị cưa chân tới 6 lần.
Mở đầu phần chia sẻ, ông Tường chia sẻ dù bị mất vĩnh viễn 81% sức khỏe nhưng đã không ngừng rèn luyện sức khỏe. “Sáng nào tôi cũng đi xuống biển tập thể dục. Ở biển Long Hải, ai cụt chân tắm biển mà bơi ra xa là tôi. Sức khỏe của tôi hiện tạm ổn”, ông Tường nói.
Ông Tường đã kể sức ác liệt của chiến tranh biên giới Tây Nam; của trận chiến “máu chảy thành dòng”. Ông Tường bị thương đúng ngày thương binh - liệt sĩ, 27/7/1980. Tại cuộc giao lưu, ông Tường đã chia sẻ giấy chứng thương đúng ngày 27/7 để giới thiệu với mọi người trong câu chuyện của mình.
Nhắn nhủ với giới trẻ đang sống trong thời bình, ông Tường nhấn mạnh: Thời chúng tôi ở tuổi đôi mươi như các bạn, khi Tổ quốc cần chúng tôi đã lên đường và sẵn sàng hy sinh, với ngọn lửa từ trái tim. Và hôm nay, những ánh lửa từ trái tim ấy đang được tiếp nối, trao truyền. Các bạn trẻ hãy nỗ lực để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ biên cương hải đảo. Chúng ta yêu hòa bình, đừng để chiến tranh xảy ra, cần phải gắng học tập, sáng tạo xây dựng đất nước phồn vinh, hùng cường.
23/09/2023 21:40
Tiếp nối sứ mệnh xây dựng đất nước
Kết thúc phần giao lưu đầu tiên, em Thu Trang, sinh viên năm thứ tư Trường Đại học Kinh tế Quốc dân gửi tới các bác thương binh một câu hỏi về trách nhiệm của thế hệ trẻ ngày nay: “Các bác có kỳ vọng gì về chúng cháu trong thời bình để có thể đền đáp được hết công lao, sự hy sinh cao cả thời chiến của các bác?
23/09/2023 21:41
23/09/2023 21:51
Ca khúc “Vết chân tròn trên cát” vang lên đầy cảm xúc qua phần thể hiện của thương binh Nguyễn Thanh Hùng (Trung tâm Điều dưỡng Thương binh, Người có công tỉnh Bắc Giang).
23/09/2023 21:56
Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn
Chương trình bước vào phần giao lưu với chủ đề “Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn”.
Chia sẻ về chủ đề này, nhà báo Lê Xuân Sơn bày tỏ: Các thương binh với thương tật trên 81%, có người lên đến gần 100%, vẫn hằng ngày chiến đấu với thương tật. Đối với họ, cuộc chiến tranh vẫn không kết thúc dù đất nước đã thống nhất gần 50 năm. Đối với rất nhiều người, chiến tranh vẫn hằng ngày giằng xé, gào thét trên thân thể với những vết thương, những di chứng nặng nề hành hạ. Nhưng các thương binh kiên cường vượt lên đau đớn, những khó khăn thử thách người bình thường khó hình dung để tiếp tục sống, sống có ích. Người có gia đình thì tiếp tục chăm lo cho gia đình, nhiều người chưa có gia đình đã lập được gia đình, góp phần nuôi dạy con cái phương trưởng. Cuộc sống mỗi ngày của các cô bác thực sự vẫn là một cuộc chiến đấu, một cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn.
Trước khi bước vào phần giao lưu, các đại biểu và sinh viên đã theo dõi những hình ảnh, video về hoạt động sinh hoạt, điều trị của các thương bệnh binh tại nhiều trung tâm điều dưỡng... được phóng viên báo Tiền Phong ghi lại.
23/09/2023 21:59
Tham gia giao lưu trên sân khấu với chủ đề “Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn” có: Vợ chồng thương binh Phạm Hồng Tư - Nguyễn Thị Thanh Phương (Trưởng ban Thương bệnh binh Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành); cô Trần Thị Mai Cúc - Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Long Đất; ông Nguyễn Vũ Thiện - Phó Giám đốc Trung tâm Thương bệnh binh Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan.
23/09/2023 22:18
Những câu chuyện bi hùng
Mở đầu phần giao lưu, ông Nguyễn Vũ Thiện - Phó Giám đốc Trung tâm Thương bệnh binh Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan, Ninh Bình, kể lại những câu chuyện bi hùng về mặt tinh thần của các bác thương binh đặc biệt.
Ông Thiện thay lời muốn nói của nhiều bác có mong muốn được dự buổi giao lưu ý nghĩa này nhưng do mức độ thương tật lớn nên đã không tham dự.
“Ngoài vết thương về thân thể, trung tâm cũng chăm sóc, điều trị các bác thương bệnh binh bị vết thương sọ não và tâm thần. Vì vậy, thi thoảng, trong quá trình điều trị, các bác đã từng đánh nhân viên phục vụ, hay tự sát thương… Đặc biệt, do bị tâm thần nên các bác thương binh không có cơ hội lập gia đình, không có vợ, con. Nhân viên chăm sóc cả về thể chất và tinh thần cho các thương binh có lẽ là những người thân thiết nhất”, ông Thiện kể.
Ông Thiện cho biết thêm, trung tâm đón nhận nhiều thương binh bị tâm thần, nhiều bác không nhớ tên mình, người thân hay quê hương. Khi các bác từ trần, trung tâm tổ chức an tang tại nghĩa trang của trung tâm. Hiện đã có khoảng 50 ngôi mộ không liên lạc được với thân nhân.
23/09/2023 22:31
Ngọn lửa từ trái tim yêu thương
Đó là câu chuyện của thương binh Phạm Hồng Tư (sinh năm 1955), hiện là Trưởng ban Thương bệnh binh Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành. Vợ ông Tư là bà Nguyễn Thị Thanh Phương (sinh năm 1960), từng là điều dưỡng tại Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Thuận Thành, nghỉ hưu năm 2011.
Ông Tư từng chiến đấu ở khu vực biên giới Tây Nam tại tỉnh Tây Ninh, chống quân Pôn Pốt. Tháng 6/1979, khi tìm thi thể đồng đội hy sinh tại biên giới, ông Tư vướng phải mìn của địch, bị thương liệt hai chân. Năm 1981, khi về điều trị tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành, ông Tư gặp và yêu nữ hộ lý Nguyễn Thị Thanh Phương.
Năm 1984, ông Tư tự điều khiển xe lăn từ Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành để về thăm bố mẹ người yêu tại xã Chí Tân (huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) và xin được làm lễ cưới. Hôm đó, cô Phương đạp xe bên cạnh người yêu, qua hơn nửa ngày đường họ đã về đến đích. Cảm động trước tấm lòng của thương binh Phạm Hồng Tư, bố mẹ nữ hộ lý Nguyễn Thị Thanh Phương đã đồng ý gả con gái.
Hiện hai vợ chồng thương binh Phạm Hồng Tư sống tại khu gia đình nằm trong Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành. Nhiều năm nay, thương binh Phạm Hồng Tư nhận sửa chữa đồ điện tử tại nhà để đóng góp thêm vào kinh tế gia đình. Vợ chồng ông Tư có một con trai, hiện có việc làm ổn định tại Tập đoàn Viễn thông Viettel.
Chia sẻ tại chương trình, ông Tư đã cho biết lúc đầu sức khỏe rất yếu, nhưng không ngừng rèn luyện và cố gắng lao động. “Tôi vẫn có thể sửa chữa điện dân dụng và tham gia hỗ trợ cho những người xung quanh như một cách rèn luyện sức khỏe và trí não. Tôi vẫn đi thăm hỏi bạn bè, rồi làm quen với vợ tôi khi đó đang công tác tại trung tâm. Lâu dần trò chuyện, nảy sinh tình cảm, rồi tìm hiểu nhau và quyết định xây dựng gia đình. Tôi và nhà tôi đã thống nhất với nhau, dù có chuyện gì xảy ra vẫn ở với nhau trọn đời”, ông Tư nói.
Ngồi bên cạnh ông Tư trên sân khấu, bà Phương chia sẻ động lực yêu và lấy người thương binh mất gần hết sức khỏe. “Lúc bấy giờ nhà tôi là thương binh nặng, tôi rất thông cảm và yêu mến nên quyết định gắn bó với nhau. Chúng tôi xây dựng với nhau được hơn 30 năm rồi”, bà Phương nói.
23/09/2023 22:35
Là người trực tiếp chăm sóc những thương binh nặng mắc bệnh tâm thần tại Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng Người có công tỉnh Thanh Hoá, điều dưỡng viên Lê Thị Giang (sinh năm 1984) cho hay chị đã có 15 năm công tác và có rất nhiều kỷ niệm không thể nào quên.
“Năm đó tôi mới 25 tuổi, chưa có nhiều kinh nghiệm sống, lần đầu tiên tôi đi công tác tuyến Trung ương, chăm sóc các bác thương binh tâm thần. Hai bác cháu tôi ở Bệnh viện 108 cùng sinh hoạt, sau 7 ngày ở viện, tôi tưởng như mình vừa chăm bố về”.
Làm nhiệm vụ này từ năm 2009, tức từ khi còn là cô gái trẻ, chị Giang nói động lực của chị là người bố là thương binh vừa nhiễm chất độc hóa học. Bên cạnh đó, chị chia sẻ thêm: “Những gì bản thân tôi làm chỉ là hạt cát so với công lao của các bác đã hy sinh, các bác thương binh. Đối với các bác tâm thần thiệt thòi hơn cả, các bác không biết hương vị cuộc sống, phụ thuộc vào người phục vụ, có người không có gia đình, người thân, nhìn thương lắm. Bản thân tôi và các đồng chí luôn phục vụ các tốt nhất, xem các bác như người thân”.
23/09/2023 22:36
23/09/2023 22:38
23/09/2023 22:39
Những hình ảnh nói lên tất cả
23/09/2023 22:44
Hãy quan tâm, chăm sóc nhiều hơn nữa khi còn có thể
Khép lại phần giao lưu thứ hai, nhà báo Lê Xuân Sơn chia sẻ với các bạn trẻ: Tôi đã có dịp đi nhiều nơi cùng với tổ chức Đoàn và các địa phương thực hiện công tác xã hội chăm sóc các cô bác thương binh, cựu thanh niên xung phong, thân nhân gia đình liệt sĩ.
Cách đây 6 năm, có 9 trung tâm điều dưỡng chăm sóc thương binh và người có công tham gia chương trình “Ánh lửa từ trái tim”. Lúc đó, chúng tôi được báo có 1.200 cô bác đang được điều dưỡng tại trung tâm.
Nhưng lần này, 14 trung tâm tham gia, nhưng “Ánh lửa từ trái tim” được báo về còn hơn 900 cô bác trong trung tâm. Tuổi cao sức yếu, thương tật nặng nhiều cô bác lần lượt ra đi.
Chúng ta đã yêu mến, kính trọng, hướng về và chăm sóc các cô bác, nhưng chưa đủ đâu! Xin hãy yêu mến hơn nữa, kính trọng hơn nữa, quan tâm hơn nữa và chăm sóc nhiều hơn nữa trong khi còn chưa quá muộn.
23/09/2023 22:55
23/09/2023 22:56
Trao truyền tín vật tinh thần cách mạng và cống hiến
Trong chương trình “Ánh lửa từ trái tim” là đại diện thương binh trao cho đại diện sinh viên các vật phẩm ý nghĩa: Lá cờ Tổ quốc, chiếc mũ tai bèo và chiếc khăn rằn. Hoạt động này như một biểu tượng trao tín vật truyền nối tinh thần cách mạng, tinh thần cống hiến vì Tổ quốc giữa các thế hệ.
Điều đặc biệt của từng tín vật được trao là Lá cờ Tổ quốc đã làm nhiệm vụ tại Trường Sa và được phóng viên Tiền Phong mang về.
Chiếc mũ tai bèo là một trong những vật dụng tiêu biểu của hình tượng người chiến sĩ giải phóng. Ngay này, nó là một trong các biểu tượng của thanh niên tình nguyện.
Chiếc khăn rằn là một trong các biểu tượng của phong trào đấu tranh cách mạng ở miền Nam trước đây và là vật dụng thân thiết của các chiến sĩ giải phóng. Ngày nay, khăn rằn cũng được các chiến sĩ tình nguyện sử dụng rộng rãi.
Tiếp nối vật phẩm - tinh thần cách mạng, công hiến ấy có đại diện Đoàn Thanh niên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Đoàn Thanh niên Đại học Bách khoa Hà Nội, Đoàn Thanh niên Trường Đại học Xây dựng.
23/09/2023 23:11
Ấm áp tình đồng đội