Thành ủy Hà Nội: Với các hộ dân ở nơi nguy hiểm, khi cần có thể cưỡng chế sơ tán

TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội yêu cầu các đơn vị chức năng theo dõi tình hình thời tiết để có kế hoạch chủ động, thậm chí khi cần cưỡng chế sơ tán các hộ dân đang sống tại các khu vực nguy hiểm, xung yếu, nhất là các khu chung cư cũ nguy hiểm, nhà yếu, nơi ở có nguy cơ đổ sập, khu vực ven sông, suối, hạ lưu hồ đập, vùng trũng thấp, khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất do mưa lớn sau hoàn lưu bão số 3.

Văn phòng Thành uỷ Hà Nội vừa có Thông báo số 1866 ngày 9/9/2024 về Kết luận cuộc họp của Ban Thường vụ Thành ủy về việc ứng phó và các biện pháp khắc phục hậu quả cơn bão số 3 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo thông báo, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu khắc phục hậu quả cơn bão số 3 trên địa bàn thành phố Hà Nội và chủ động ứng phó với lũ lớn trên các sông, nhất là sông Hồng, sông Nhuệ, sông Đà, sông Đuống, sông Bùi, sông Tích... giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Theo yêu cầu, toàn bộ hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở, nhất là Bí thư, người đứng đầu cấp ủy, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, tích cực triển khai ngay các biện pháp khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 và mưa lớn gây ra trên địa bàn thành phố.

Người dân vùng ven sông Hồng bị ngập lụt do nước dâng cao. Ảnh: Trần Hoàng

Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu kịp thời triển khai vận hành các trạm bơm tiêu phòng, chống úng, ngập trên địa bàn thành phố, bảo đảm đủ điện; huy động các lực lượng chức năng, nhất là lực lượng quân đội, công an, hội viên, đoàn viên và huy động sự vào cuộc của người dân để buộc dựng, cứu lúa đối với diện tích lúa bị đổ, cây xanh, rau màu các loại, các khu chăn nuôi tập trung. Xây dựng và triển khai phương án phục hồi sản xuất, nhất là sản xuất vụ đông để bù đắp cho những diện tích, rau màu vụ mùa bị thiệt hại.

Các địa phương khẩn trương rà soát, thống kê thiệt hại, khắc phục sự cố, các điểm sạt lở, ách tắc, hướng dẫn, phân luồng, kiểm soát phương tiện giao thông hoạt động tại các khu vực bị ảnh hưởng của bão và khẩn trương giải tỏa cây cối bị đổ, gãy cành còn sót lại tại các tuyến phố, các trục đường trên toàn địa bàn, dọn dẹp, vệ sinh môi trường để đảm bảo hoạt động giao thông và sinh hoạt cho người dân.

Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội lưu ý có giải pháp cứu, khôi phục các cây lâu năm, hạn chế thấp nhất việc để các cây cổ thụ bị chết. Tập trung chăm sóc cây xanh, có biện pháp quản lý cây xanh bị đổ để có phương án xử lý theo quy định của pháp luật.

"Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo, nghiên cứu có phương án trồng mới, thay thế những cây không khắc phục được, cần thiết lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học... để lựa chọn những loại cây có sức chịu đựng mưa bão tốt hơn, phù hợp với đô thị", Ban Thường vụ Thành ủy nêu.

Đáng chú ý, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội yêu cầu tiếp tục triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn đê điều, không được để vỡ đê, hồ đập, cầu, cống, các công trình trọng điểm, cơ sở y tế, trường học, khu, cụm công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, kho tàng, các dự án đang thi công dở dang, các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên sông, sản xuất nông nghiệp trên các bãi sông... Bố trí lực lượng ứng trực 24/24h; chuẩn bị vật tư, phương tiện sẵn sàng ứng phó, xử lý khi có tình huống xảy ra theo phương châm “4 tại chỗ” đảm bảo thực chất, an toàn, hiệu quả.

"Theo dõi tình hình thời tiết để có kế hoạch chủ động, thậm chí khi cần cưỡng chế sơ tán các hộ dân đang sống tại các khu vực nguy hiểm, xung yếu, nhất là các khu chung cư cũ nguy hiểm, nhà yếu, nơi ở có nguy cơ đổ sập, khu vực ven sông, suối, hạ lưu hồ đập, vùng trũng thấp, khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất do mưa lớn sau hoàn lưu bão số 3 không để ai bị mất an toàn, đảm bảo bố trí đủ về chỗ ăn, ở, nước sạch, môi trường và điều kiện thiết yếu cho người dân trong thời gian sơ tán. Khẩn trương gia cố, sửa chữa các công trình, nhà cửa, các chung cư cũ, nhà yếu... để đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng, tài sản cho người dân", văn bản nêu.

Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh yêu cầu tổ chức rà soát tổng thể toàn bộ hệ thống các cầu bắc qua sông trên địa bàn thành phố để đánh giá, phân loại mức độ an toàn của từng cầu, nhất là các cầu bắc qua sông Hồng. Trước mắt triển khai ngay việc gia cố, sửa chữa các cầu yếu, có phương án giảm tải phương tiện lưu thông qua cầu, trường hợp cầu không đảm bảo an toàn thì dừng ngay việc lưu thông qua cầu và có phương án phân luồng giao thông phù hợp. Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo xây dựng chương trình tổng thể cải tạo, nâng cấp, xây dựng thay thế các cầu yếu trong giai đoạn 2024-2025 và các năm tiếp theo, báo cáo các cấp có thẩm quyền theo quy định...