Ngày 24/11, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM Nguyễn Toàn Thắng đã ký quyết định về thanh tra đột xuất việc chấp hành pháp luật đất đai của các tổ chức sử dụng đất trên địa bàn TPHCM.
Đoàn thanh tra do ông Nguyễn Toàn Thắng làm Trưởng đoàn cùng các thành viên là lãnh đạo một số phòng ban chuyên môn của Sở. Thời hạn thanh tra trong vòng 30 ngày (không kể ngày nghỉ, ngày lễ). Thời kỳ thanh tra kể từ thời điểm các tổ chức được giao đất, cho thuê đất đến nay.
Nhiệm vụ của Đoàn thanh tra là xem xét công tác chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng đất của các tổ chức, nếu có sai phạm thì sẽ xử lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp việc xử lý sai phạm vượt thẩm quyền thì sẽ kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cấp cao hơn.
Việc thanh tra này cũng nhằm làm công tác quản lý, sử dụng đất trên địa bàn hiệu quả hơn, tránh lãng phí.
Nếu sau thời gian 30 ngày mà việc thanh tra chưa kết thúc hoặc cần thiết phải kéo dài thêm thời gian thì sẽ gia hạn theo quy định của pháp luật.
Bộ Xây dựng thanh tra 7 tỉnh thành
Trong khi đó, Bộ Xây dựng đã ban hành quyết định số 1056/QĐ-BXD về Kế hoạch thanh tra năm 2023. Trong đó, Bộ này sẽ thanh tra công tác quản lý hoạt động xây dựng tại dự án có tổng mức đầu tư trên 100 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, Thanh tra Bộ Xây dựng sẽ thực hiện thanh tra chuyên đề việc chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh bất động sản, thực hiện xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn 7 tỉnh thành, gồm: Thái Nguyên, Thái Bình, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế, Vĩnh Long, Sóc Trăng, An Giang.
Cơ quan thanh tra cũng tổ chức một cuộc thanh tra hành chính về việc chấp hành quy định của pháp luật về công tác quản lý tài chính, phòng, chống tham nhũng và chấp hành các nhiệm vụ do Bộ trưởng giao tại Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn quốc gia.
Đối với công tác quản lý hoạt động xây dựng tại một số dự án do bộ (ngành), địa phương và tập đoàn, Tổng công ty nhà nước làm chủ đầu tư (hoặc đại diện chủ đầu tư), Bộ Xây dựng sẽ thanh tra công tác quản lý hoạt động xây dựng tại dự án có tổng mức đầu tư trên 100 tỷ đồng ở 3 đơn vị, gồm Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Quảng Ninh, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh (Bộ Giao thông Vận tải), Ban Quản lý dự án 4 (Cục Đường bộ Việt Nam).
Thanh tra Bộ Xây dựng sẽ tiến hành 3 cuộc thanh tra về công tác quản lý Nhà nước ngành xây dựng trong các lĩnh vực như quy hoạch xây dựng, thực hiện theo quy hoạch; hoạt động đầu tư xây dựng; hoạt động kinh doanh bất động sản tại các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Bình Phước.
Đối với công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, Thanh tra Bộ Xây dựng sẽ làm việc với UBND một số tỉnh thành về việc thực hiện quyết định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về giải quyết khiếu nại liên quan đến nhà đất do Nhà nước quản lý.
Ngoài ra, Thanh tra Bộ Xây dựng sẽ thanh tra đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện kết luận thanh tra (nếu cần).