Thanh tra Chính phủ kết luận gì việc 'tồn' hơn 2.168 tỷ đồng quỹ phòng chống thiên tai?

TPO - Từ năm 2018 - 2023, thiên tai xảy ra khắp các vùng miền cả nước làm 1.166 người chết/mất tích, thiệt hại kinh tế trên 100.940 tỷ đồng. Thủ tướng Chính phủ phải trích nguồn dự phòng ngân sách Trung ương hỗ trợ đến người dân hàng chục nghìn tấn gạo, hạt giống và 11.740 tỷ đồng, trong khi quỹ phòng, chống thiên tai để 'tồn' 2.168 tỷ đồng.

'Tồn' 2.168 tỷ đồng quỹ phòng chống thiên tai

Ban hành kết luận thanh tra công tác quản lý nhà nước về thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thanh tra Chính phủ (TTCP) chỉ ra nhiều vi phạm, đặc biệt là cơ chế quản lý, điều tiết quỹ phòng, chống thiên tai còn nhiều "bất cập".

Theo TTCP, từ năm 2018 - 2023, tổng thu quỹ phòng, chống thiên tai là hơn 5.801 tỷ đồng, tổng chi là hơn 3.661 tỷ đồng, còn dư hơn 2.168 tỷ đồng.

Cơ quan thanh tra cho rằng, Nghị định số 78/2021/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15/9/2021, nhưng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chậm ban hành các quy định, quy chế về tổ chức, hoạt động của quỹ phòng chống thiên tai Trung ương nên chưa thực hiện điều tiết từ quỹ địa phương về quỹ Trung ương. Đồng thời, Bộ cũng chưa thực hiện thanh tra, kiểm tra chuyên đề về công tác xây dựng kế hoạch thu, chi và quản lý sử dụng quỹ.

Tương tự ở địa phương, TTCP kết luận, UBND tỉnh Đồng Tháp chưa kịp thời xây dựng, ban hành kế hoạch thu, chi quỹ trước ngày 15/5 hằng năm theo quy định và công tác quyết toán thu, chi quỹ chậm; UBND tỉnh Cà Mau chưa thành lập Hội đồng quản lý, Ban kiểm soát và quy chế tổ chức, hoạt động của quỹ. Điều này dẫn đến việc thu quỹ đạt kết quả thấp so với kế hoạch (Đồng Tháp trung bình đạt 73,5%, Cà Mau 54,3%).

Trong khi đó, báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho thấy từ năm 2018 - 2023 thiên tai xảy ra bất thường, cực đoan khắp các vùng miền cả nước làm 1.166 người chết/mất tích, thiệt hại kinh tế ước tính trên 100.940 tỷ đồng.

Giai đoạn này, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định trích từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương hỗ trợ các địa phương hỗ trợ đến người dân thiệt hại do thiên tai gây ra gần 39.000 tấn gạo, trên 13.666 tấn hạt giống và 11.740 tỷ đồng.

Trụ sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Chưa xử lý dứt điểm vi phạm

Ngoài bất cập đã nêu, TTCP kết luận, năm 2018 và 2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, không thực hiện báo cáo định kỳ hàng năm công tác quản lý nhà nước về phòng, chống thiên tai nhằm đánh giá rút kinh nghiệm và đề xuất kiến nghị, trình Thủ tướng Chính phủ.

Bộ chậm xây dựng kế hoạch Quốc gia về Phòng chống thiên tai 5 năm (giai đoạn 2016 - 2020); không ban hành bộ chỉ số và khung theo dõi đánh giá thực hiện kế hoạch làm cơ sở để các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện…

Theo cơ quan thanh tra, tại các địa phương có: UBND tỉnh Đồng Tháp, UBND tỉnh Cà Mau (năm 2022 - 2023) không báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về trách nhiệm bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai của UBND các cấp đối với việc quản lý công trình phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển; quản lý, khai thác vận hành công trình đập, hồ chứa nước thủy lợi, công trình chống hạn, mặn…

Tại Dự án Xử lý sạt lở bờ sông Tiền khu vực An Lạc, thành phố Hồng Ngự và khu vực Tịnh Thới, thành phố Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp), TTCP đánh giá Ban Quản lý dự án ĐTXD công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, phê duyệt điều chỉnh dự toán xây dựng đã phân bổ chi phí dự phòng hơn 150 triệu đồng là không đúng quy định.

Dự án Xử lý sạt lở bờ biển Tây tỉnh Cà Mau có bản vẽ thiết kế, cho phép phân chia, ghép kè sông và kè biển không theo tính chất kỹ thuật.

Theo TTCP, dù tồn tại nhiều vi phạm nhưng từ 2018 - 2023 các cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đã tiến hành 8 cuộc thanh tra, kiểm tra (trong đó, Thanh tra Bộ tiến hành 3 cuộc thanh tra lĩnh vực đê điều và phòng, chống thiên tai; Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai tiến hành kiểm tra 5 cuộc). Tuy nhiên, các vi phạm chưa được phát hiện, xử lý dứt điểm.

TTCP đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các tỉnh, căn cứ vi phạm nêu trong kết luận thanh tra tổ chức kiểm điểm để xử lý trách nhiệm về Đảng, pháp luật với tập thể, cá nhân lãnh đạo có liên quan.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị định số 78/2021/NĐ-CP. Trên cơ sở đó, nghiên cứu đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung quy định để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các địa phương trong việc thu, chi, sử dụng quỹ phòng, chống thiên tai.