Thanh Hoá: Thả về rừng nhiều động vật quý hiếm

TPO - Ban quản lý khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hu (Thanh Hóa) vừa phối hợp Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội tái thả nhiều động vật hoang dã quý hiếm sau cứu hộ về rừng.

Theo đó, Ban quản lý khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Pù Hu phối hợp với Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội tái thả tại Khu BTTN Pù Hu 15 loài với 72 cá thể động vật hoang dã quý hiếm thuộc nhóm IB, IIB và động vật hoang dã thông thường.

Để tái thả động vật về tự nhiên, Ban quản lý khu BTTN Pù Hu nghiên cứu các công bố khoa học thông qua điều tra bằng bẫy ảnh xác định các loài động vật hoang dã có phân bố trong tự nhiên tại Khu BTTN để lập kế hoạch tái thả ngoài tự nhiên.

Khu BTTN Pù Hu tổ chức chăn nuôi và cứu hộ được 16 loài, với tổng số 106 cá thể động vật hoang dã quý hiếm thuộc nhóm IB, IIB và động vật hoang dã thông thường về rừng.

Ngoài ra, theo thống kê, từ năm 2021 đến nay, Khu BTTN Pù Hu đã tổ chức chăn nuôi và cứu hộ được 16 loài, với tổng số 106 cá thể động vật hoang dã quý hiếm thuộc nhóm IB, IIB và động vật hoang dã thông thường, như: Khỉ vàng, khỉ mặt đỏ, gà lôi trắng, rắn hổ mang, rùa hộp trán vàng miền Bắc, cu li...

Do hầu hết những động vật được cứu hộ đưa về chăm sóc tại đây bị săn bắt và mua bán trái phép nên cần được chữa trị vết thương và phục hồi sức khỏe. Có những cá thể động vật quý hiếm được người dân cho tặng, nhưng lại mất bản năng sinh tồn do nuôi nhốt lâu ngày, cần phải phục hồi bản năng hoang dã trước khi thả về tự nhiên.

Thả rùa trán vàng miền Bắc về môi trường tự nhiên

Ngày 4/1, trao đổi nhanh với P.V Tiền Phong, ông Đỗ Ngọc Dương, Giám đốc Ban quản lý khu BTTN Pù Hu cho biết, bên cạnh công tác bảo vệ, các chương trình phục hồi sinh thái, nghiên cứu khoa học, phát triển kinh tế vùng đệm… cũng được chú trọng. Cùng với đó, việc điều tra, bảo tồn và cứu hộ các loại động vật nguy cấp, quý hiếm luôn được khu bảo tồn đặt lên hàng đầu.

Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Pù Hu với tổng diện tích gần 28.000 ha, nằm trên địa bàn 2 huyện Quan Hóa và Mường Lát, Thanh Hóa. Qua điều tra đã ghi nhận tại Khu BTTN Pù Hu có khoảng 1.725 loài thực vật thuộc 696 giống, 170 họ và 71 bộ, 12 lớp và 6 ngành. Phần lớn các loài thực vật bậc cao tập trung ở khu bảo vệ nghiêm ngặt. Ngoài ra, các loài thực vật trong hệ sinh thái nông nghiệp, vườn rừng, vườn nhà dân cũng góp phần làm tăng thêm tính đa dạng sinh học cho khu hệ thực vật. Đặc biệt, hệ thực vật Pù Hu có tổng số 52 loài được ghi nhận trong Sách đỏ Việt Nam 2007. Theo tiêu chuẩn của IUCN, hệ thực vật Pù Hu có 93 loài được ghi nhận, có 16 loài nằm trong Nghị định 06/2019/NĐ-CP. Bên cạnh hệ thực vật, hệ động vật không những phong phú về chủng loài mà một số loài còn tập trung với mật độ cao. Qua kết quả điều tra, đã ghi nhận được 915 loài động vật, gồm: Khu hệ động vật nổi, khu hệ động vật đáy, khu hệ côn trùng, khu hệ cá, khu hệ lưỡng cư, khu hệ bò sát, khu hệ chim, khu hệ thú. Trong đó, có 49 loài được ghi nhận trong Sách đỏ Việt Nam.

Tái thả nhiều cá thể động vật hoang dã, nguy cấp về rừng

22/05/2024