Thanh Hóa: Tập trung cứu đói

TP - Sáng sớm 7/10, những chuyến hàng cứu trợ trên những chiếc canô, thuyền, xuồng xuất phát từ ngã ba dốc Trầu, xã Thành Kim đến các thôn, xã nằm trong vùng lũ huyện Thạch Thành.

>> Thanh Hóa: 30.000 hộ dân cần được cứu đói khẩn cấp

Lực lượng cứu hộ vận chuyển lương thực, nước sạch, thuốc cho nhân dân xã Thành Hưng - Ảnh: Hoàng Lam

Sau 3 ngày, hàng nghìn người dân Thạch Thành đang tránh lũ ở các đồi Sóc, đồi Chương, đồi Lau và trên những đoạn đê sông Bưởi mệt mỏi, cầu cứu lương thực.

Đáng chú ý, các bệnh dịch cảm sốt, tiêu chảy đã xuất hiện.

Trên chiếc canô mang số hiệu VSN 1500 của Bộ tư lệnh công binh chở nước sạch, mì tôm, lương khô và phèn cùng lực lượng cứu hộ xuất phát vào các địa bàn thị trấn Kim Tân, xã Thành Kim…

Đoạn qua thị trấn Kim Tân, nhiều người dân đứng trên tầng 2, gác 2, mái nhà giơ tay vẫy gọi đoàn cứu trợ ném mì tôm, lương khô.

Thỉnh thoảng, lực lượng cứu hộ lại vọng vào các nhà dân với những giọng gấp gáp, lo lắng: Cho chúng tôi hỏi, trong nhà có ai bị làm sao không? Hầu hết người dân đều đáp lại là: Hãy cứu trợ đồ ăn cho chúng tôi!

Chiếc canô không dám đi nhanh, thỉnh thoảng phải tắt máy chèo bằng tay để tránh tạo lớp sóng mạnh có thể gây sập nhà dân đang tránh ở trên gác. Ra khỏi thị trấn Kim Tân, nước ngập băng, không biết đâu là lòng sông, ruộng bờ.

Tại đoạn đê sông Bưởi bị vỡ ở thôn 4, xã Thành Kim, có 4 hộ dân đang sinh sống 2 bên đầu bờ bị chia cắt. Khi chiếc canô vừa kịp áp vào một đoạn đê khác ở thôn 4, những người dân vội vàng chạy lại vừa khóc vừa kể nỗi sợ hãi và sự đói, khát.

Từ tối 4/10 đến giờ, đây là chuyến hàng lương thực cứu trợ đầu tiên có thể tiếp cận được khu vực này.

Chiếc thuyền chỉ dừng lại 2 phút, tôi đã kịp ghi lại được hình ảnh em Lê Thị Tuyến (học lớp 9), Lê Thị Linh (học Mầm non) con của bà Hoàng Thị Hạnh đang phơi những bức tranh do mình vẽ và những cuốn vở các em kịp mang theo khi chạy lũ.

Em Tuyến cho biết: “Sách, vở bị cuốn trôi hết rồi chị ạ, những cuốn còn lại cũng đã ướt nhòe và rách. Không biết mấy hôm nữa nước rút, em lấy gì để mà đi học đây”.

Toàn xã Thành Kim có 1.600 hộ (6.700 nhân khẩu), trong đó có 1.200 học sinh Tiểu học, THCS và Mầm non.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Hiệu trưởng trường Tiểu học Thành Kim 1, cho biết: “Nhiều trang thiết bị dạy học ở đây đã bị chìm trong nước suốt những ngày qua. Việc ổn định lớp học sau lũ cho học sinh ở đây sẽ gặp rất nhiều khó khăn”.

Qua khu vực chân đồi Con, hàng trăm người dân ở thôn 6, thôn 7 đứng vẫy gọi đoàn cứu hộ. Anh Phạm Văn Quân (thôn 6) cầu cứu: “Đoàn cứu hộ có mang thuốc gì không chị ơi, vợ và con tôi bị sốt từ chiều 6/10 đang được gửi nằm ở nhà hàng xóm, tôi đi xin thuốc mãi mà chẳng ai có”;

Còn chị Phạm Thị Lụa, bế đứa con hơn 3 tháng tuổi, lo lắng: “Mấy hôm nay chúng tôi sinh hoạt, ăn uống, giặt giũ bằng nước chưa được xử lý sạch nên cả nhà tôi đang bị tiêu chảy. Nước giặt tã lót cho cháu nhỏ cũng dùng bằng nước này”.

Nhìn lũ trẻ nhai ngấu nghiến miếng mỳ tôm, lương khô nhiều người đã không giấu nổi sự cảm thông. 

14 giờ 30 phút 7/10, tại ngã ba dốc Trầu, những chuyến hàng lương thực cứu trợ nhân dân Thạch Thành của các cơ quan, đoàn thể, cá nhân liên tục được chở đến.

Và những chuyến xe chở canô, thuyền và lực lượng cứu hộ tiếp tục được huy động. Đêm nay, họ vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ.