Thanh Hóa nỗ lực thu hút vốn đầu tư

Ngay từ đầu năm 2024, hoạt động đối ngoại gắn với xúc tiến đầu tư đã được tỉnh Thanh Hóa và các cấp, ngành liên quan quan tâm, đẩy mạnh. Trong 9 tháng đầu năm 2024, Thanh Hóa đã thu hút được 94 dự án đầu tư trực tiếp, với tổng vốn đầu tư đăng ký 12.432,9 tỷ đồng và 367,86 triệu USD.

Cụ thể, nhiều hoạt động đối ngoại và xúc tiến đầu tư tiếp tục được tỉnh Thanh Hóa quan tâm như, tham gia Đoàn đi xúc tiến đầu tư tại Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Cộng hòa Pháp và Vương quốc Hà Lan; tiếp và làm việc với Đoàn công tác của tỉnh Niigata (Nhật Bản), các Đoàn đại sứ quán Ấn Độ, Thụy Sĩ, Hàn Quốc tại Việt Nam và một số tập đoàn, nhà đầu tư lớn để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các hoạt động thu hút đầu tư vào tỉnh, như: Tập đoàn DIC, Tập đoàn SAB, Tập đoàn Sovico, Tập đoàn WHA, Tập đoàn CMA CGM, Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc, Tập đoàn hóa chất Đức Giang, Công ty TNHH Long Sơn, Công ty Cổ phần Tập đoàn TH…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi trao chứng nhận đăng ký đầu tư cho Công ty TNHH AEONMALL Việt Nam

Bên cạnh đó, tỉnh Thanh Hóa đã tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc của một số dự án lớn như Nhà máy điện khí LNG Nghi Sơn; Nhà máy hóa chất Đức Giang; Các KCN Lam Sơn- Sao Vàng, Phú Quý, Đồng Vàng; Trung tâm thương mại Quảng Thành; Quần thể khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Bến En; Nhà máy cơ khí công nghệ cao Nghi Sơn…Từ đó, nhiều dự án đầu tư sớm khởi công và hoàn thành, tạo đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Thanh Hóa.

Cảng Quốc tế Nghi Sơn

Trong 9 tháng đầu năm 2024, tỉnh Thanh Hóa đã thu hút được 94 dự án đầu tư trực tiếp, với tổng vốn đầu tư đăng ký 12.432,9 tỷ đồng và 367,86 triệu USD. Trong đó, có 17 dự án FDI như Nhà máy sản xuất ván tre OSB staBOO Thanh Hóa là 3.199 tỷ đồng; Hệ thống cấp nước thô chuỗi đô thị dọc Quốc lộ 47, TP. Thanh Hóa và vùng phụ cận là 2.545,8 tỷ đồng; Trạm biến áp 220kV Sầm Sơn và đường dây đấu nối 220kV Thanh Hóa - Sầm Sơn là 1.319 tỷ đồng…

Để huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho phát triển trong thời gian tới, các cấp, ngành tỉnh Thanh Hóa đã đưa ra các giải pháp như triển khai thực hiện có hiệu quả đề án nâng cao xúc tiến đầu tư tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025; đề án thu hút đầu tư theo phương thức đối tác công tư giai đoạn 2021-2025; kế hoạch thực hiện khâu đột phá về đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn giai đoạn 2021-2025.

Bên cạnh đó, tỉnh Thanh Hóa còn tập trung thực hiện một số nội dung như đẩy mạnh hoạt động của Ban xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư đặc biệt tỉnh Thanh Hóa. Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình đối ngoại, xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh năm 2024. Triển khai có hiệu quả kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040. Rà soát, điều chỉnh những bất cập chưa thống nhất giữa các loại quy hoạch, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc thu hút các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục đẩy mạnh các cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, hấp dẫn. Rút ngắn thời gian quản lý các thủ tục về đầu tư, quy hoạch, xây dựng, đất đai, môi trường và các dịch vụ hành chính công điện tử cho các nhà đầu tư. Nâng cao tính chuyên nghiệp, đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư theo hướng chủ động, có trọng tâm, trọng điểm. Tập trung thu hút đầu tư vào 3 trụ cột tăng trưởng, 4 trung tâm kinh tế động lực, 5 vùng liên huyện và 6 hành lang kinh tế. Chuẩn hóa trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phụ trách công tác xúc tiến. Đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị đầu mối hỗ trợ, thu hút đầu tư của tỉnh. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra công vụ để ngăn ngừa những hiện tượng tiêu cực, sách nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp. Khuyến khích các doanh nghiệp đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực, hành vi nhũng nhiễu của cán bộ, công chức, tạo môi trường đầu tư thông thoáng cho các nhà đầu tư….