Vừa qua, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức tổng kết việc thực hiện Chỉ thị 19 của Ban Bí thư về tăng cường đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
Theo đó, từ 2010 -2020 tỉnh Thanh Hóa đã đào tạo nghề cho gần 4,500 thanh niên nông thôn, trong đó có hơn 1,5 nghìn nữ thanh niên nông thôn. Kết thúc khóa học, 90% các học viên sau khi tốt nghiệp được cấp chứng chỉ nghề đã có việc làm và thu nhập ổn định.
Ngoài ra, tỉnh cũng đào tạo hơn 32 nghìn nông dân trực tiếp làm nông nghiệp, trong đó có hơn 18 nghìn lao động nữ. Kết thúc khóa học, 89% các học viên sau khi tốt nghiệp được cấp chứng chỉ nghề đã có việc làm và thu nhập ổn định.
Ông Lê Đình Tùng - Phó giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Thanh Hóa cho biết, qua 10 năm thực hiện, nhiều mô hình dạy nghề gắn với sản xuất, kinh doanh ngày được mở rộng. Số người có nhu cầu và đăng ký học nghề tăng qua các năm. Số lao động nông thôn sau khi học nghề có việc làm khoảng 90%. Chất lượng nâng lên, người lao động sau học nghề đã biết cách tiếp cận và vận dụng kiến thức khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động, tạo việc làm tại chỗ.
Nhờ vậy, nâng cao thu nhập cho lao động, ổn định cuộc sống, góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và giảm nghèo bền vững, hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới trong toàn tỉnh.Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu đào tạo nghề phi nông nghiệp chiếm khoảng 70%, đào tạo nghề nông nghiệp chiếm khoảng 30%; đào tạo mới chiếm khoảng 60% và đào tạo lại, đào tạo nâng cao, đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp cho khoảng 40%...