> Quảng Nam muốn mời tư vấn độc lập
>Cận cảnh điểm rò rỉ trên đập thủy điện Sông Tranh 2
Một chuyên gia thủy điện của Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN) tin tưởng “Việc rò rỉ nước như hiện tại không ảnh hưởng đến an toàn đập”. Tuy nhiên, ông lại cho rằng, ngay cả những người có chuyên môn mà không xem xét tỷ mỷ và cụ thể thì cũng không thể kết luận chính xác nước rò ở chỗ nào để từ đó đưa ra biện pháp xử lý kịp thời và hiệu quả được.
TS Đào Trọng Tứ, nguyên Phó tổng Thư ký Ủy ban Sông Mekong Việt Nam, băn khoăn trước các kết luận ban đầu. “Nếu đã tiên liệu hiện tượng nước rò rỉ rồi thì việc gì phải trám? Mà trám ở hạ lưu thì tác dụng gì, liệu có chống được áp lực nước không?”, TS Tứ nói.
“Ngay cả cách làm sắp tới cũng nên được thẩm định bởi các cơ quan nghiên cứu độc lập. Rò rỉ nước dù chỉ qua khe nhiệt, không thể coi là chuyện bình thường”.
TS Tứ còn lưu ý việc rò rỉ 30 lít nước trên giây, tương đương gần 80.000m3/tháng, là “không hề nhỏ. Tôi nghĩ ngành điện còn xót nước hơn chứ. Đấy là chưa kể một hồ treo ở miền núi chỉ chứa khoảng vài chục nghìn mét khối là đủ cho dân một bản dùng trong vài tháng mùa khô”.
An toàn đập là an ninh quốc gia
Theo GS.TS Nguyễn Đình Xuyên, nguyên Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu, khu vực xây dựng nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 đúng là nằm trong vùng hoạt động kiến tạo mạnh và gây ra hiện tượng trượt lở đất với cấp nguy hiểm có thể lên đến cấp 5 hoặc 5,5 độ richter.
Cấp như thế không thể gọi là “rất cao” nếu so với nhiều vùng đứt gãy khác của Việt Nam và nếu công trình được thiết kế đảm bảo cấp động đất ấy. Tuy nhiên đới đứt gãy qua các công trình thủy điện Sông Tranh 2 có thể đang ở giai đoạn hoạt động và có thể xảy ra động đất mạnh nhất cấp 5,0 đến 5,5 độ richter,
TS Tô Văn Trường, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam, bày tỏ: “Không thể coi thấm ở đập là bình thường được, nhất là ở vùng có động đất. Về xử lý chống thấm nước, phải xử lý chống thấm từ mái thượng lưu đập, chứ không phải từ phía mái hạ lưu đập như cách làm hiện nay”.
Ông Nguyễn Ty Niên, nguyên Cục trưởng Cục Đê điều, Bộ NN&PTNT: “Nói về an toàn đập là nói về an ninh quốc gia. Tại Mỹ, các đập lớn và đê điều, các quy hoạch cơ sở hạ tầng, đều do quân đội nắm dù chủ đầu tư là ai. Mỗi bang đều có một quân đoàn quản lý các công trình này. Họ quản lý luôn cả việc xét duyệt kỹ thuật”.
Theo TS Trường, biện pháp hữu hiệu, khách quan và khoa học nhất là phải mời tư vấn độc lập có kinh nghiệm vào cuộc càng sớm, càng tốt. Ông Nguyễn Ty Niên đề nghị cơ quan chủ quản nên mời chuyên gia có kinh nghiệm không chỉ ở Bộ Xây dựng mà cả Bộ Khoa học&Công nghệ, Bộ Tài nguyên&Môi trường, và chuyên gia thủy lợi. “Đây là việc cần và cấp bách”, ông Niên lưu ý.