'Thần bảo hộ' trên cung đèo tử thần

TP - Nhiều năm trở lại đây, việc lắp hộ lan mềm bằng tường lốp cao su đã giảm thiểu thương vong trong các vụ tai nạn nghiêm trọng. Điều này càng phát huy hiệu quả tại các tuyến đường núi hiểm trở, cheo leo ở Kon Tum.

Tái chế lốp xe cũ bỏ đi

Đèo Lò Xo được mệnh danh là cung đèo “tử thần” với những khúc cua tay áo, một bên vách núi cao dựng đứng, bên còn lại vực sâu thăm thẳm. Cung đèo này trải dài 37km từ xã Đăk Man (huyện Kon Plông, Kon Tum) đến thị trấn Khâm Đức (huyện Phước Sơn, Quảng Nam).

Hộ lan mềm bằng tường lốp cao su được lắp đặt ở đoạn cua, dốc, khuất tầm nhìn

Với địa hình đồi núi hiểm trở, quanh năm sương mù phủ kín đã trở thành nỗi ám ảnh của các tài xế mỗi khi lưu thông qua cung đèo này. Thực tế từng xảy ra các vụ tai nạn thương tâm, nhiều tài xế “nằm lại” khi không thể làm chủ được tay lái, tốc độ.

Để giảm thiểu thương vong, những năm trở lại đây, lực lượng chức năng cho lắp đặt hộ lan mềm bằng tường lốp cao su trên đường Hồ Chí Minh (đoạn qua đèo Lò Xo), Quốc lộ 24, Quốc lộ 14C.

Tường hộ lan được xây dựng bằng cách đóng các trụ thép sâu xuống đất, sau đó luồn các lốp xe cao su cũ chồng lên nhau. Bên trong lốp được phủ đầy bằng cát. Khác với hộ lan cứng, hộ lan mềm có tính đàn hồi cao, giúp giảm va đập giữa phương tiện khi không may xảy ra tai nạn.

Theo Sở Giao thông vận tải tỉnh Kon Tum, trên tuyến đèo Lò Xò (đoạn qua xã Đăk Man) lắp đặt khoảng 20 hộ lan mềm với chiều dài 7km; Quốc lộ 24 lắp 4 tường hộ lan lốp với chiều dài 330m; Quốc lộ 14C lắp 1 đoạn với chiều dài 136m. Vị trí lắp hộ lan tường cao su thường nằm ở đoạn cua, dốc, một bên vực sâu hoặc vách núi.

Kể từ khi lắp đặt hệ thống này, trường hợp xe lao xuống vực sâu giảm thiểu đáng kể

Bảo vệ an toàn cho người và xe

Tài xế Hồ Đức Tài (44 tuổi, trú huyện Đăk Glei) chia sẻ, việc lắp đặt hộ lan mềm mang lại cảm giác yên tâm, an toàn cho cánh lái xe mỗi khi di chuyển qua đèo Lò Xò. Kể từ khi lắp đặt hệ thống này, số vụ tai nạn nghiêm trọng gây chết người, lao xuống vực trên cung đường giảm thiểu đáng kể.

Anh Nguyễn Vỹ Ly (35 tuổi, trú tại xã Đăk Pek, huyện Đăk Glei) sở hữu một cửa hàng sửa chữa xe hơi nằm lưng chừng chân đèo Lò Xò. “Là người dân sinh sống và gắn bó với cung đèo này từ nhỏ, tôi đã chứng kiến không ít vụ tai nạn thảm khốc. Nhưng kể từ khi các hộ lan mềm xuất hiện, tôi thấy tần suất tai nạn gây chết người giảm thiểu, các phương tiện giao thông hư hỏng nặng cũng bớt đi”, anh Ly chia sẻ.

Một đại diện của Sở Giao thông vận tải tỉnh Kon Tum cho biết, tường hộ lan có độ cao tiêu chuẩn khoảng 1,5m, lốp được sơn màu trắng đỏ. Màu sơn này giúp tài xế nhận diện rõ mối nguy hiểm khi lái xe ban đêm để chủ động phòng tránh cũng như tạo cảm giác an toàn.

Theo quy định, các vị trí nào mà taluy âm sâu dưới 4m bắt buộc phải lắp hộ lan. Đồng thời, đối với các tuyến đường dài, có nhiều vị trí ẩn chứa nguy hiểm, cơ quan sẽ đề xuất, cân đối kinh phí để tiến hành lắp đặt.

“Trước hiệu quả của tường hộ lan mềm mang lại, đơn vị đang rà soát các điểm đèo, vực có nguy cơ mất an toàn trên các tuyến quốc lộ. Qua đó, làm cơ sở đề xuất cấp thẩm quyền nhân rộng lắp tường hộ lan mềm bằng lốp cao su này”, đại diện của Sở giao thông vận tải nói thêm.

Trong những năm qua, chỉ tính riêng tại đèo Lò Xo, có 6 vụ tai nạn mà tài xế tông vào tường hộ lan cao su. Hộ lan mềm đã giữ xe bị tai nạn không lao xuống vực, người không bị thương nặng, xe ít bị hư hỏng.