Thông tin khảo sát trên được ông Staffan Herrstrom, Đại sứ Thụy Điển đưa ra tại cuộc đối thoại về phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai, diễn ra sáng 25-11.
Ba dạng sai phạm cơ bản
Phát biểu tại cuộc đối thoại, Tổng TTCP Trần Văn Truyền cũng thẳng thắn thừa nhận, tình trạng vi phạm pháp luật về đất đai, lấn chiếm, hủy hoại, sử dụng đất đai không đúng mục đích còn diễn ra ở nhiều nơi, tham nhũng, tiêu cực liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai còn nghiêm trọng, gây thất thoát lớn tài sản quốc gia và gây bức xúc trong nhân dân.
Theo TTCP, thống kê sơ bộ của 60 tỉnh thành, phố về kết quả kiểm tra việc tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai đã phát hiện khoảng 190.000 trường hợp vi phạm (chủ yếu bán đất trái pháp luật, cấp đất trái thẩm quyền) với tổng diện tích 8.000 ha.
Những sai phạm này chủ yếu là ở cấp xã, đặc biệt xã ven đô thị lớn, nơi có quy hoạch phát triển đô thị, KCN đang phát triển mạnh.
“Qua thanh tra đã phát hiện những sơ hở về cơ chế, chính sách, đồng thời phát hiện 3 dạng sai phạm cơ bản trong lĩnh vực đất đai: Sai phạm trong kế hoạch sử dụng đất; trong đăng ký QSD đất, cấp giấy chứng nhận QSĐ đất và trong quy hoạch”- ông Lê Thế Chiến, Phó Vụ trưởng Vụ I,TTCP cho biết.
“Tình trạng tham nhũng trong quá trình thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng cũng diễn ra khá phổ biến như: Hành vi gian lận trong lập phương án bồi thường để tham ô, lập hai phương án bồi thường (cho người có đất bị thu hồi riêng, để thanh toán với Nhà nước riêng); thỏa thuận với người dân để chia lợi nhuận hoặc khai khống diện tích để hưởng lợi…”- ông Tô Văn Đáp, Thanh tra Bộ TNMT bổ sung.
Lót tay để hồ sơ không trục trặc
Báo cáo khảo sát một số vấn đề ẩn chứa nguy cơ tham nhũng trong lĩnh vực cấp và chuyển nhượng quyền sử dụng đất và sở hữu nhà ở (GCN) năm 2010 tại Hà Nội, Vĩnh Phúc và TPHCM của Viện Khoa học Thanh tra (KHTT) - TTCP cho thấy: 84% số hộ chuyển nhượng giấy chứng nhận (GCN) nói gặp trục trặc về hồ sơ. Trong khi những cán bộ được hỏi khó khăn lớn nhất khi thụ lý hồ sơ là gì?- Chỉ có 27% trả lời dân không hiểu luật và 20% không có đầy đủ giấy tờ.
Cũng theo kết quả khảo sát trên, có tới 51% người dân xin cấp mới GCN được hỏi trả lời thuê luôn cán bộ địa chính làm thủ tục và 44% người chuyển nhượng GCN “nhờ” cán bộ công quyền giúp. Người dân thường phải chung chi từ 2 đến 85 triệu đồng cho những “dịch vụ” phát sinh.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Viện trưởng Viện KHTT lại cho rằng, một phần xuất phát từ việc người dân còn ít hiểu biết pháp luật và hay chọn phương án nhanh, tiện, lợi, kể cả việc tiếp tay cho tham nhũng.
Những giải pháp giảm thiểu tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực đất đai mà các đại biểu đưa ra đều tập trung đến sự minh bạch trong thông tin; tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính; tăng cường giám sát của cả cộng đồng trong việc cấp sổ đỏ, thu hồi đất và giao đất; giảm bớt quyền tự quyết định của cán bộ nắm giữ các vị trí quan trọng; củng cố trách nhiệm giải trình của các công chức liên quan đến quản lý đất. Đáng chú ý, có ý kiến cho rằng nên chính thống hóa hoạt động dịch vụ trung gian để thu tiền về cho ngân sách.
Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng các đầu nậu kết hợp với một số nhà quản lý ở một vài nơi là cũng có thể thao túng về quy hoạch, có thể mua đất trước quy hoạch, khi quy hoạch đó chưa được công khai hoặc cố tình trì hoãn việc công khai quy hoạch để mua đất của dân trước khi đó xa mặt đường và sắp tới gần mặt đường”. - Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT