Thảm họa nghiệt ngã rình rập ở Ukraine

TPO - Cắt đứt quan hệ về công nghiệp quốc phòng với Nga, thông qua học thuyết quân sự coi Nga là 'kẻ xâm lược'; tích cực chĩa mũi dùi về phía Nga khi tham gia tập trận cùng NATO... Dường như Ukraine vẫn cố tình quên về bóng mây thảm họa chiến tranh khi đang chọc vào niềm kiêu hãnh của nước Nga.
Đụng độ trước tòa nhà Quốc hội Ukraine khiến hơn 100 người thương vong.

Tuyệt giao về công nghiệp quốc phòng

Chính phủ Ukraine đã ra nghị định hủy bỏ thỏa thuận với Nga về hợp tác sản xuất và khoa học kỹ thuật giữa các doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp quốc phòng của hai nước, được ký ngày 18 tháng 11 năm 1993 tại thành phố Moscow của Nga.

Hồi tháng 5 vừa qua, Ukraine cũng đã đơn phương tuyên bố chấm dứt hợp tác công nghiệp quốc phòng giữa hai nước. Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk, ngày 20/5 cho biết, Kiev đã quyết định hủy bỏ thỏa thuận hợp tác kỹ thuật-quân sự trên với Nga.

Ông Yatsenyuk cho rằng, Liên bang Nga là quốc gia xâm lược, sáp nhập bất hợp pháp bán đảo Crimea, can thiệp quân sự tại các khu vực Donetsk và Lugansk, gây nên một mối đe dọa đối với sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Do đó, Nội các nước này quyết định phải chấm dứt thỏa thuận hợp tác.

Coi Nga là 'kẻ xâm lược'

Hội đồng an ninh quốc gia Ukraina ngày 2/9 thông qua một học thuyết quân sự tuyên bố Nga là đối thủ quân sự và kêu gọi đưa đất nước gia nhập NATO.

Theo Thủ tướng Ukraina Arseniy Yatsenyuk, "dự thảo học thuyết quân sự lần đầu tiên trong lịch sử độc lập của Ukraina xác định rõ kẻ thù và kẻ xâm lược là Nga".

Động thái trên diễn ra giữa những căng thẳng ngoại giao trước nỗ lực của Tổng thống Petro Poroshenko nhằm thông qua sửa đổi hiến pháp, phân cấp thêm quyền hạn cho các khu vực, trong có đó cả miền đông Ukraina nơi phe ly khai nắm giữ. Những người phản đối cho rằng sự thay đổi này là sự đầu hàng với Nga.

Trước đó, ông Poroshenko cho rằng, học thuyết "không chỉ chính thức coi Nga là đối thủ quân sự của Ukraina, mà còn nêu rõ nhiệm vụ xây dựng lại các đơn vị quân đội và thiết lập cơ sở hạ tầng quân sự cần thiết ở các vùng miền đông và miền nam".

Tích cực tập trận

Ukraine cùng tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang tham gia cuộc tập trận chung mang tên Gió biển 2015 kéo dài đến ngày 12/9.

Cuộc tập trận với sự tham gia của 2.500 binh sỹ, 150 phương tiện quân sự như tàu chiến, máy bay trực thăng và xe bọc thép. Trong đó, phía Ukraine có 1.000 binh sỹ, 9 tàu chiến, 8 trực thăng. 

Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết, trong năm 2015, Ukraine sẽ tham gia 11 cuộc tập trận cùng NATO. Trong khi đó, nước Nga luôn gọi các cuộc tập trận của NATO ở châu Âu là hành động khiêu khích.

Cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh tình hình Ukraine trong tình trạng căng như dây đàn. Ngày 31/8 vừa qua đã diễn ra cuộc đụng độ giữa những người biểu tình và lực lượng thực thi pháp luật Ukraine bên ngoài tòa nhà Quốc hội. 

Cuộc đụng độ làm 141 người bị thương, trong đó có 131 người thuộc lực lượng cảnh sát và bảo vệ và 10 người bị thương nặng; 18 người biểu tình bị bắt, sau đó có 13 người được thả.

Ông Putin sẽ làm gì?

Hiện chưa có phản ứng chính thức của Nga. Nước này thường xuyên phủ nhận đưa quân và thiết bị tới các vùng ở miền đông Ukraina do phe ly khai kiểm soát, và phản đối Ukraina gia nhập NATO.

Liên quan đến việc ngừng tuyệt giao về công nghệ quốc phòng, phía Nga không phải không chịu nhiều gánh nặng khi nhiều chi tiết, công nghệ, chuyên gia quân sự...trước đó vẫn phải phụ thuộc vào Ukraine. 

Đó cũng là lí do phần nào khi ông Putin phải tuyên bố sẽ dùng 20 nghìn tỷ Rúp (hơn 576 tỷ USD) để hiện đại hóa lực lượng vũ trang, 3 nghìn tỷ Rúp (tương đương 83 tỷ USD) được dùng để hiện đại hóa các công ty quốc phòng và đẩy nhanh tốc độ thay thế linh kiện sản xuất ở Ukraine.

Cũng vì lí do liên quan đến chiến sự ở Ukraine, nền kinh tế Nga bị ảnh hưởng nặng nề sau lệnh trừng phạt của phương Tây được áp đặt lên Nga cũng như giá dầu đang giảm. GDP Nga đã giảm 4,9% vào quý II/2015 so với cùng kỳ năm ngoái, còn tỉ lệ lạm phát có thể sẽ tăng 17%.

Tuy nhiên, mặc dù tình hình đất nước không khả quan, Nga vẫn có thể tự xoay xở được và sẽ không khiến ông Putin bỏ qua Ukraine. Ông biết rằng Ukraine cũng đang đứng trước khả năng đổ vỡ nền kinh tế, cho dù đã có một số bước tiến nhất định. 

Các quan chức phương Tây lo ngại, với việc có được bán đảo Crimea và nhận được sự ủng hộ ở miền Đông, ông Putin có thể đưa Ukraine rơi vào tình trạng hỗn loạn bất kỳ lúc nào nhằm tách Ukraine khỏi phương Tây.

Thậm chí, các quan chức còn sợ rằng Nga đang đợi thời điểm thích hợp để mở rộng cuộc xung đột ở Ukraine. Quân ly khai ở Donetsk và Lugansk đã có nhiều động thái có thể là nhằm chuẩn bị cho một cuộc tấn công vào thành phố cảng Mariupol, hiện vẫn đang thuộc quyền kiểm soát của chính quyền Kiev.

Các chuyên gia phương Tây tin rằng, trong trường hợp ông Putin tấn công trước, quân ly khai sẽ giành được thành phố Mariupol sau một trận chiến gian khổ. Chính quyền Poroshenko rất có thể sẽ bị đẩy đến bờ vực sụp đổ.