Thảm họa dịch thuật trong ‘Những thứ họ mang’?

“Những thứ họ mang” là bản dịch tiếng Việt của một tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Mỹ Tim O’Brien, cuốn sách này đang bị dư luận phản ứng vì những câu văn tục tĩu.

Thảm họa dịch thuật trong ‘Những thứ họ mang’?

“Những thứ họ mang” là bản dịch tiếng Việt của một tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Mỹ Tim O’Brien, cuốn sách này đang bị dư luận phản ứng vì những câu văn tục tĩu.

“Những thứ họ mang” là tập truyện ngắn nổi tiếng của nhà văn Mỹ Tim O’Brien, dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng chuyển ngữ, công ty Nhã Nam và NXB Văn học ấn hành đang là quyển sách thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận khi nhiều câu dịch bị lên án là quá tục tĩu.

Cụ thể, một đoạn trong “Những thứ họ mang” được tác giả dịch thế này: “…Hãy nghe Chuột Kiley mà xem. Con mặt l**, hắn nói. Hắn không nói con đ* c**. Hắn chắc chắn là không nói bà ấy, hay cô ấy. Hắn nói con mặt l**. ...” Hay có đoạn viết: “Con mặt l** ngu đ** bao giờ trả lời.”…

Ngôn từ văng tục đó được đặt trong ngữ cảnh: Một tay lính viết cho em gái của đồng đội đã hy sinh mà anh ta hết sức yêu quý một bức thư “rất riêng tư và cảm động”. Sự chờ đợi đầy ức chế kéo dài hai tháng vì tuyệt nhiên không nhận được hồi âm đã khiến anh ta phát điên lên và văng tục như thế.

Những từ tục tĩu ấy nhanh chóng tạo nên hai luồng dư luận trái chiều, một bên gay gắt phản đối, một bên thì đồng ý với cách dịch ấy của dịch giả Cao Đăng. Cũng cần nói thêm rằng dịch giả Cao Đăng không phải người xa lạ, anh là chủ nhân giải thưởng văn học dịch Hội Nhà văn Hà Nội 2007. Anh cũng là người mà 9 năm trước từng rung hồi chuông cảnh báo “một thảm họa dịch thuật” với bản dịch “Mật mã Da Vinci” nhưng giờ thì anh đang gây nên cuộc tranh cãi với chính bản dịch của mình.

 

Cuộc tranh cãi trong “Những thứ họ mang” đang xoay quanh câu “The dumb cooze never writes back” trong bản gốc được dịch thành “Con mặt l** ngu đ** bao giờ trả lời”. Bên phản đối thì cho rằng dịch như thế chưa đúng với nghĩa nguyên bản mà tác giả dùng, quá tục tĩu và không phù hợp với văn hóa của người đọc Việt. Số người đồng tình với dịch giả thì cho rằng sự văng tục ấy đúng với văn cảnh, đúng nghĩa nguyên bản và quan trọng là cũng cần thiết vì nó theo tâm lý nhân vật….

Mỗi bên đều có cái lý đúng của mình và có lẽ cuộc tranh luận này sẽ không có hồi kết. Và trong khi dư luận đang la ó thì “Những thứ họ mang” - một cuốn sách vốn lặng lẽ có trên kệ sách từ năm 2011 với số lượng phát hành rất khiêm tốn là 2.000 bản đang trở nên đặc biệt thu hút!

Có thể nói chuyện một cuốn sách chứa những câu tục tĩu như thế thì việc bị dư luận phản ứng cũng là chuyện hết sức bình thường, ngay cả khi dịch giả Cao Đăng dịch chính xác nguyên bản đến mấy. Bởi vì văn hóa người Việt không thể chấp nhận những câu văng tục nặng nề như thế là văn chương, dù đó có là phù hợp văn cảnh. Cũng vậy văn chương luôn được xem là cái đẹp, là văn hóa nên dù viết về cái xấu cũng không nên quá thô tục như thế.

Hẳn sẽ có nhiều ý kiến cho rằng dịch thì phải sát nghĩa với bản gốc! Điều đó cũng không sai nhưng cũng chưa hẳn là hoàn toàn chính xác. Bởi dịch là một quá trình sáng tạo mới dựa trên nguyên tác nhưng phải làm sao đảm bảo được sự chính xác, truyền cảm nhất và đặc biệt là phải phù hợp với một ngôn ngữ và văn hóa người đọc ở nền văn hóa đó.

Đó là chưa bàn đến những câu tục tĩu ấy có nhất thiết phải có mặt hay không?! Nó có là những câu quyết định tính chất sống còn của tác phẩm này hay không? Có lẽ câu trả lời sẽ lại gây tranh cãi, xong có một điều dễ dàng thấy rằng nếu không có những câu rất tục tĩu kia thì “Những thứ họ mang” có lẽ là một trong những trang viết hay về chiến tranh.

Cũng phải nói thêm rằng, người viết bài này không có ý kêu gọi tránh né những sự thật trần tục, thô ráp mà nên nhìn nhận sự thật ấy theo một cách văn chương và đặt vào văn hóa người đọc thì tốt nhất!

Thật khó để ai đó nghi ngờ trình độ dịch thuật của dịch giả Cao Đăng bởi dịch giả này đã được khẳng định qua các giải thưởng và bề dày kinh nghiệm làm dịch giả. Tuy nhiên, rất nhiều khán giả đã hết giật mình khi chỉ trong một trích đoạn ngắn của cuốn “Những thứ họ mang” đã thấy rất nhiều lỗi dịch thuật rất sơ đẳng; mà những lỗi này thuộc về lỗi tra cứu, dịch vội, dịch ẩu.

Ví dụ, bản tiếng Anh viết: “They carried Sterno, safety pins, trip flares, signal flares, spools of wire, razor blades, chewing tobacco, liberated joss sticks and statuettes of the smiling Buddha…”. Bản dịch của Cao Đăng là: “Họ mang đồ Sterno, kẹp giấy, đèn pin, đèn hiệu, dây cuộn, dao cạo điện, thuốc lá nhai, nhang và tượng ông Phật cười…”. Trong khi đó, rất dễ để chúng ta tra cứu ra rằng: “Sterno” là xăng khô đóng hộp; “safety pins” là kim băng, “trip flares” là pháo sáng cài bẫy! Những sai sót này trong bản dịch thật khó để giải thích vì sao, nếu không nói đó là sự cẩu thả!

Để một tác phẩm mắc nhiều lỗi dịch và có nhiều câu chữ ngược với văn hóa người đọc Việt như thế ra đời không những là lỗi ở người dịch mà còn là lỗi rất lớn của biên tập, nhà xuất bản, cụ thể ở đây là công ty Nhã Nam. Chỉ có thể nói quá trình hiệu đính đã diễn ra hết sức sơ sài, qua loa nên mới sinh ra chuyện “thảm họa dịch thuật” như thế!

Theo Petrotimes

Theo Đăng lại