Không barie, không soát vé!
Có một điều hết sức bất ngờ nếu bạn đi tàu điện ngầm lần đầu ở Đức: Không barie, không soát vé! Cảnh tượng này tôi chưa hề gặp ở bất kỳ đâu trên thế giới. Tại Nhật Bản, Singapore, Pháp, Ý... hay Mỹ, tất cả đều có kiểm soát vé tự động bằng barie cả chiều vào và ra ga tàu điện ngầm.
Điều này chứng tỏ tính tự giác, kỷ luật của người Đức rất cao. Có lần tôi chứng kiến cảnh một ông già người Đức bị nhỡ tàu tại Berlin vì tay ông run rẩy nên không thể đưa tấm vé vào khe của máy dập ngày, ông thà nhỡ tàu chứ nhất quyết không phạm luật.
Một người Việt sống hơn hai chục năm tại Đức cho tôi biết, sống lâu trong xã hội văn minh này, anh đã “bị nhiễm” tính kỷ luật, tự giác của người Đức, đi tàu mà không mua vé anh cảm thấy chân mình nặng như đeo đá, không thể bước lên tàu được.
Như vậy, nhờ tính kỷ luật, tự giác của người dân mà ngành đường sắt Đức đã tiết kiệm được một khoản chi phí không nhỏ trong việc thiết lập, duy trì hệ thống barie soát vé trên khắp đất nước. Thay vào đó, thi thoảng nhân viên nhà tàu mặc thường phục sẽ bất chợt đi kiểm tra vé, nếu ai trốn vé sẽ bị phạt gấp 20 lần giá gốc.
Tôi từng đi tàu điện ngầm suốt hàng tháng trời ở Đức nhưng chỉ bị kiểm tra đúng một lần và tuyệt nhiên cũng chả thấy ai trốn vé cả. Hỏi ra mới biết, người Đức chỉ hậu kiểm qua doanh thu hàng tháng và một khi tổng thu vẫn đúng quy luật, không có gì bất thường, có nghĩa là hiện tượng trốn vé không đáng kể.
Giao thông công cộng tại Đức cực kỳ phát triển. Hầu hết các thành phố đều có hệ thống tàu điện ngầm (U-Bahn) rất hiện đại kết nối với hệ thống đường sắt xuyên quốc gia (DB). Trên mặt đất, còn có thêm hệ thống tàu điện nổi (S-Bahn, Tram) và xe buýt. Nhờ đó bạn có thể dễ dàng đi phương tiện công cộng tới bất kỳ một địa điểm nào trong thành phố.
Dài thì đi tàu điện ngầm, ngắn hơn thì xe buýt hoặc tàu điện nổi. Thủ đô Berlin có hẳn một cặp đường vành đai (ring) bằng đường sắt. Trên đường vành đai này cứ trung bình vài phút lại có một chuyến chạy xuôi và một chuyến chạy ngược (S41 và S42) đỗ ở tất cả các ga.
Nối vào các ga trên đường vành đai này là chằng chịt các tuyến tàu điện ngầm xuyên tâm. Cách bố trí khoa học trên giúp việc đi lại đến bất kỳ đâu trong thành phố cũng hết sức tiện lợi, nhanh chóng.
Hệ thống giao thông công cộng tại Berlin được coi là một trong những hệ thống hiện đại và lớn nhất trên thế giới. Một đặc điểm nổi bật khi sử dụng các hệ thống giao thông công cộng tại Đức là: Biết chắc chắn đi từ điểm A đến điểm B hết bao nhiêu phút, bởi hệ thống này rất đúng giờ.
Tỷ lệ sử dụng phương tiện giao thông công cộng của người Đức vào hàng lớn nhất thế giới. Không chỉ vì sự tiện lợi, mà còn do ý thức bảo vệ môi trường rất cao của người dân: Đi phương tiện công cộng giúp giảm tới 90% phát thải CO2 so với việc lái xe đi làm.
Văn hóa tàu điện ngầm
Tôi biết có người Việt ở Đức hơn hai chục năm mà chưa một lần dám đi tàu điện ngầm một mình. Đơn giản là mải làm ăn buôn bán, quen dùng ô tô rồi, đâm ra ngại, bây giờ xuống ga đâm ra lơ ngơ không biết đi như thế nào.
Thực ra cũng dễ hiểu cái sự ngại ngùng trên, bởi muốn đi lại bằng tàu điện ngầm một cách thành thạo, bạn cần phải biết ba kỹ năng sau: Biết dùng máy tính để hỏi đường đi từ điểm A đến điểm B; biết cách mua vé tại máy bán vé tự động; và cuối cùng là phải biết đọc bảng chỉ dẫn, bản đồ các tuyến tàu điện ngầm ở nhà ga. Nhiều bà con người Việt mưu sinh bên này đúc rút thành một câu mà họ rất tâm đắc: “Sống ở Tây phải biết tự mình làm lấy mọi việc, không ai làm hộ cả”.
Đi lại nhiều trên khắp nước Đức bằng tàu điện cả ngầm lẫn nổi, tôi hay bắt gặp cảnh người Đức bình thản rút một cuốn sách dày cộp ra đọc. Tàu có lúc đông, lúc vắng tùy giờ, nhưng tất thảy mọi người lên xuống đều rất nhanh gọn, trật tự.
Làm nghề báo nên mắc cái tật hay quan sát, ngó nghiêng, thế mà tuyệt nhiên tôi không thể tìm đâu ra cái cảnh hớt hải, vội vàng hay chen lấn xô đẩy ồn ào như ở ta. Dòng người lên tàu đứng hẳn sang một bên kiên nhẫn chờ cho đến khi người cuối cùng ở trên tàu bước xuống rồi mới lần lượt lên tàu. Hoàn toàn yên ả với một tâm thế bình thản, nhanh nhẹn và chuẩn xác, là điều mà tôi cảm nhận được trong cái dòng người cuồn cuộn chảy tại các nhà ga trung tâm vào giờ cao điểm ở Đức.
Nhiều lúc ngồi trên tàu cao tốc 300 km/h lao vun vút qua những vùng quê xanh bạt ngàn, qua những cánh đồng chong chóng trắng muốt (phong điện) của đất nước này, tôi lại lẩn thẩn tự hỏi: Cái tác phong đúng giờ của người Đức (và của nhiều nước văn minh khác) có tự bao giờ, trước hay sau khi có hệ thống giao thông hiện đại này?
Vẫn biết cái sự công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã dần tạo nên một tác phong nghiêm túc, đúng giờ, song rõ ràng không thể chậm dù là chỉ một vài chục giây nếu bạn muốn đi tàu ở Đức. Hẳn chỉ riêng cái hệ thống giao thông công cộng hiện diện khắp nước Đức cũng đã buộc các công dân nước này phải có thói quen đúng giờ.
Lại nữa, không biết cái văn hóa đọc của họ có từ bao giờ? Chỉ biết sau vài tuần đi lại bằng tàu điện ngầm, tôi cũng đã tự mua cho mình một vài cuốn sách để ngồi đọc trên tàu, bởi đó là cách chống lãng phí thời gian tuyệt vời nhất.
Người Đức (và hầu hết dân châu Âu) có văn hóa đi nhanh, làm nhanh (nhưng không ẩu) chắc một phần cũng vì cái văn hóa tàu điện ngầm này mà ra. Thú thật quen thói chầm chậm như ở nhà nên những lần đầu sang Đức, lâu thì mất cả tuần, nhanh cũng vài ngày, tôi mới hết cảnh thi thoảng lại giật mình vì bị một người Đức đang sải bước phía sau lịch sự “In- chô - đi - gung” (Entschuldigung - Xin lỗi) vì tội chưa chịu hội nhập, chưa bắt kịp tốc đô nên vô tình làm cản đường họ, hoặc đứng chềnh ềnh trên thang máy cuốn. Té ra, khi lên xuống ga tàu điện ngầm bằng thang máy cuốn, cần đứng gọn sang phía bên phải để nhường đường cho những người đang vội, họ vừa đi thang máy vừa sải bước.
Thám hiểm Dortmund dưới lòng đất
Vùng Ruhr phía Tây nước Đức còn có riêng một hệ thống đường sắt mang tên VRR, chúng kết nối các thành phố trong khu vực như Bochum, Dortmund, Essen, Düsseldorf, Duisburg... với nhau bằng tàu cao tốc liên vùng (RB, RE). Doanh thu trung bình qua bán vé trên toàn hệ thống VRR đạt xấp xỉ 1,5 tỷ euro/năm, tính riêng TP Dortmund là khoảng 60 triệu euro/tháng.
Thông qua sự giới thiệu của các đồng nghiệp ở nhật báo Westflische Rundschau có trụ sở tại Dortmund, tôi may mắn được tham quan, tìm hiểu về hệ thống điều hành giao thông công cộng của TP này.
Phòng điều khiển trung tâm cho cả hệ thống tàu điện ngầm lẫn xe buýt của TP Dortmund nằm tại ga tàu điện ngầm Stadtgarten, trực thuộc công ty DSW 21. Ông Ralf Sliminski, một kỹ thuật viên có thâm niên hơn 30 năm trong nghề nhiệt tình giới thiệu với tôi toàn bộ hoạt động của hệ thống.
Choán hết bức tường lớn trước mặt các nhân viên điều khiển là bảng sơ đồ các tuyến đường tàu điện ngầm tại Dortmund. Trên đó thể hiện đầy đủ, liên tục theo thời gian thực toàn bộ hành trình, trạng thái của mọi tuyến đường, mọi chuyến tàu đến và đi tại trên 100 nhà ga trong thành phố.
Chi tiết hơn nữa được thể hiện trên các màn hình tại bàn làm việc của mỗi nhân viên, họ có thể biết và điều khiển được tốc độ tàu đang chạy, tình trạng bẻ ghi trên các tuyến đường, thời gian tàu đến và đi ở các ga.
Tóm lại, với người trần mắt thịt như tôi, sơ đồ điều khiển tàu điện ngầm ở Dortmund nom hao hao giống cái bảng lưới điện tại Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (còn gọi là A0) ở Bờ Hồ nhà mình.
Hành trình của các đoàn tàu đều được lập trình và điều khiển một cách tự động bởi một phần mềm chuyên dụng, các nhân viên điều hành chỉ trực để theo dõi và phát hiện, xử lý các sự cố bất thường nếu xảy ra. Bởi vậy mà mỗi ca trực tại phòng điều hành trung tâm cho hệ thống giao thông công cộng của TP Dortmund (600 ngàn dân) chỉ vẻn vẹn có 4-5 người.
Ông Sliminski cho biết, chiều dài từ Bắc tới Nam của tuyến tàu điện ngầm ở Dortmund là 1,5 giờ chạy tàu, tương đương khoảng 120km (vận tốc tàu điện ngầm ở Đức khoảng 80km/h). Trung bình một năm, Sliminski cùng các đồng nghiệp thực hiện 103 triệu km tàu chạy một cách an toàn và đúng giờ.
Nhìn sơ đồ hệ thống tàu điện ngầm chằng chịt với vô số các đèn tín hiệu xanh đỏ trên bức tường lớn trước mặt, bất giác tôi hỏi Sliminski rằng liệu ông có chắc trong hàng trăm chuyến tàu đang lao vun vút dọc ngang dưới lòng đất nơi tôi đang đứng đây, tuyệt đối không có chuyện chúng đâm vào nhau chứ?
Sliminski cho hay, về lý thuyết là không thể có vì mọi chuyện đã được lập trình kỹ càng, song trên thực tế không thể khẳng định một cách tuyệt đối được. Ông tiết lộ, năm 1986 hệ thống tàu điện ngầm Dortmund đã xảy ra sự cố hai tàu đâm vào nhau, do lỗi trong hệ thống máy tính, tất nhiên đó là một sự cố hy hữu khó có thể lặp lại.
Một điều vô cùng quan trọng trong vận hành và điều khiển hệ thống tàu điện ngầm là nguồn điện cung cấp phải được đảm bảo tuyệt đối liên tục. Sliminski kéo tôi ra khỏi phòng điều hành, lên tàu đi tới một nhà ga khác. Tại đây tôi được mục sở thị hệ thống nguồn điện dự phòng cung cấp cho mạng máy tính điều khiển: cả một căn phòng lớn với rất nhiều những bình ắc quy khổng lồ được đấu nối với nhau.
Đi tiếp tới một nhà ga khác, Sliminski dẫn tôi vào một lối đi dành riêng cho các nhân viên kỹ thuật, băng qua đường ray tàu điện ngầm dưới lòng đất sâu hun hút để quan sát khu vực đỗ dự phòng dành cho các đoàn tàu trong trường hợp khẩn cấp.
Thú thực lúc Sliminski ngoắc tay tôi băng qua đường ray tàu điện ngầm, tôi chợt chững người lại, một cảm giác ớn lạnh chạy dọc suốt sống lưng... Chắc chắn những ai đã từng đi tàu điện ngầm đều sẽ có cảm giác như tôi, bởi cái đường ray tàu điện ngầm sâu hút phía dưới kia được coi là vùng chết bất khả xâm phạm, cách đây chưa lâu một sinh viên Việt Nam đã tử nạn vì điện giật khi rơi xuống đường ray tàu điện ngầm London.
Nhận ra nỗi sợ hãi của một người ngoại đạo như tôi, Sliminski cười rồi chỉ lên trần: “Không giống như ở Anh và một số nước khác, đường dây điện dùng cho tàu điện ngầm ở Đức trên cao nên rất an toàn”. Bước qua đường ray tàu điện ngầm chắc chắn là điều không thể với mọi hành khách, nhờ Sliminski mà tôi đã có một đặc quyền có một không hai trong đời.
Bochum - Dortmund - Hà Nội 12/2010
Nguyễn Việt Hùng