Các cuộc biểu tình, theo Reuters, với sự tham gia của các dân quân được Iran hậu thuẫn, tạo ra một thách thức mới với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Vị tổng thống, đang ráo riết chạy đua cho nhiệm kỳ thứ hai trong năm nay, ban đầu đe dọa trả đũa Iran nhưng sau đó nói không muốn phát động chiến tranh.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, các nhân viên ngoại giao bên trong tòa đại sứ an toàn và không có kế hoạch di tản họ.
Lính gác đại sứ quán đã dùng lựu đạn gây choáng và hơi cay để giải tán đám đông, những người đốt trạm gác tại lối vào tòa đại sứ nhưng không xâm nhập tòa nhà.
Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, ngoài các lính thủy quân lục chiến được cử đến bảo vệ nhân viên đại sứ quán, khoảng 750 lính thuộc sư đoàn Không vận số 82 được phái đến Trung Đông và số lính này sẽ được triển khai trong một vài ngày tới.
“Việc triển khai này là hành động cẩn trọng và thích hợp để đáp lại các mối nguy đang gia tăng cấp độ nhằm vào nhân viên và các cơ sở của Mỹ, như chúng ta đã chứng kiến ở Baghdad hôm nay”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper nói trong một văn bản.
Các quan chức Mỹ giấu tên nói rằng, 750 lính mới triển khai ban đầu sẽ đóng ở Kuwait. Theo các quan chức này có thể 4.000 quân sẽ được phái đến Trung Đông trong những ngày tới, nếu cần thiết. Hiện nay, có hơn 5.000 lính Mỹ đóng ở Iraq hỗ trợ các lực lượng địa phương.
Vụ tấn công chưa từng có vào một đoàn ngoại giao Mỹ ở Iraq đánh dấu một bước leo thang mới trong cuộc xung đột giữa Mỹ và Iran, cả hai đều là các nước có ảnh hưởng lớn đến Iraq, khiến quan hệ Washington-Tehran tụt xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua.
Mỹ và các đồng minh đã đổ quân vào Iraq từ năm 2003 và lật đổ nhà lãnh đạo Saddam Hussein. Nhưng ổn định chính trị vẫn chưa đến với Iraq.
Ông Trump, đang trong kỳ nghỉ kết hợp làm việc kéo dài hai tuần ở Palm Beach, Florida, đã điện đàm với thủ tướng Iraq Adel Abdul Mahdi. “Tổng thống Trump nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ các nhân viên và cơ sở của Mỹ ở Iraq”, Nhà Trắng nói. Ông Trump cáo buộc Iran dàn dựng mọi chuyện.
“Iran sẽ phải chịu trách nhiệm cho nhân mạng, hoặc các thiệt hại phát sinh, tại bất cứ cơ sở nào của chúng tôi. Họ sẽ phải trả giá rất đắt. Đây không phải là cảnh báo, đây là lời đe dọa”, ông Trump viết trên Twitter.
Tuy nhiên sau đó, khi các phóng viên hỏi về khả năng căng thẳng leo thang thành một cuộc chiến với Iran, ông nói: “Tôi có muốn (một cuộc chiến) không ư? Không, tôi muốn có hòa bình. Tôi thích hòa bình. Và Iran nên muốn có hòa bình hơn ai hết. Vì thế tôi không nghĩ điều đó (chiến tranh) xảy ra”.
Trong khi đó, Iran bác bỏ mọi sự liên quan. “Mỹ trơ tráo đổ lỗi cho Iran về các vụ biểu tình của người Iraq chống lại việc Washington giết ít nhất 25 người Iraq”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi nói.
Các vụ biểu tình diễn ra sau đợt không kích do Mỹ thực hiện hôm 27/12 vào các căn cứ của lực lượng dân quân Kataib Hezbollah trong lãnh thổ Iraq, giết chết 25 người, làm bị thương 55 người. Các đợt không kích này là để trả đũa vụ một nhà thầu Mỹ bị chết trong cuộc tấn công bằng rocket vào một căn cứ quân sự của Iraq. Washington cho rằng, lực lượng Kataib Hezbollah thực hiện vụ tấn công.
Một số nghị sỹ đảng Dân chủ tỏ ra thất vọng về việc tổng thống rút nước Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran năm 2015, nhanh chóng coi sự việc là thất bại trong chính sách của ông Trump đối với Iran.
“Kết quả có thể thấy trước của những hù dọa, leo thang và toan tính sai lầm của chính quyền Trump ở Trung Đông là nay chúng ta đang bị cuốn dần vào một cuộc chiến không chính đáng với Iran mà người dân Mỹ không ủng hộ”.
Thượng nghị sỹ đảng Dân chủ Tom Udall, thành viên Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ