Tết là

TP - 1. Tết là, cứ độ đầu tháng Một, còn hai tháng nữa mới Tết hoặc năm nào bận thì đến tiết đông chí là cùng, ông đã cho tôi đi theo lên làng Yên Phụ, nhà bạn ông để mua thêm ít cá cảnh và giấy điều.

Đường làng Yên Phụ lát gạch nghiêng, hai bên là nhà, phần lớn là nhà 3 gian, 5 gian 2 chái lợp ngói. Một phía của làng sát mép nước Hồ Tây. Làng có hai nghề, cá cảnh và làm giấy màu. Cuối năm, hàng bán chạy, đường làng sân vườn nhà nào cũng kín giấy màu, nhuộm, phơi. Xanh hồ thủy, đỏ điều, thái thanh lam, tím, ngược xuôi, ra vào kẻ mua, người bán, nói cười, tay chân mặt mũi ai ai cũng lem nhem xanh đỏ phẩm màu. Những giờ học thủ công hồi ấy, học trò làm bài tập cắt xé giấy màu là loại giấy quét tay bằng phẩm màu này. Cả phố Hàng Mã bán giấy và đồ mã là do làng Yên Phụ cung cấp và từ chợ Hàng Mã tỏa đi các làng quê. Làng Yên Phụ nay không còn nghề làm giấy màu, chỉ còn nghề cá cảnh. Giấy màu giờ in máy bằng mầu công nghiệp nhanh nhiều rẻ và trơ lì, sao bằng giấy xưa. Ông cháu tôi ra về với một cuộn giấy hồng điều và ít cá. Cá kiếm, cá hắc mô ni đen, khổng tước… Mấy loài cá giản dị, đẹp, nhỏ, hiện nay cũng không còn ai chơi, không còn ai bán. Đời sống khá giả, ai cũng thích cá to, cá kỳ dị, nhập khẩu, lai giống tạp nham, lòe loẹt. Mặt sau của cái huy chương giàu có kể cũng khiếp thật.

Tôi phụ ông thau bể, giữa bể là hòn non bộ bằng đá xanh xám rêu bám kín trong các hốc, thấp thoáng có mấy tượng mục đồng, tiều phu bằng gốm nhẹ lửa… Mặt bể lơ thơ vài búi rong đuôi chó và bèo tấm. Một cái tiểu cảnh giản dị như nhắc người chơi về sự thuần phác, mộc mạc của đời sống, đưa người ta về với tự nhiên đó là cái lẽ của “đạo quy ư phác”. Ai mà chả phải sống, phải làm ăn, tiền tiền bạc bạc. Nhưng say với công danh, mê mẩn tiền bạc quá, khi chợt tỉnh thì đã muộn. Mầm họa nào mà chẳng nẩy trong lúc phúc.

2. Tết là, cữ cuối thu, khí kim hanh khô và nắng, và heo may, tôi theo bà đi chợ Hàng Bè mua củ cải. Bà thái, hai anh em tôi xếp những miếng củ cải bé xíu ấy vào mẹt, phải khéo tay không được dính vào nhau để khi phơi thì khô đều. Sau vài nắng, bà cho vào lọ, ngâm nước mắm để dành một lọ. Tết xong, làm thang, đầu năm ăn thang, thường là sau hôm mùng Ba hóa vàng.

Minh hoạ: Lê Thiết Cương

3. Tết là, trước 23 tháng Chạp, cùng ông bà bao xái ban thờ. Bao giờ bà cũng chuẩn bị sẵn một chậu nước bồ kết để nguội và ít vải màn để lau tượng, hoành phi câu đối. Đồ sơn mài chỉ sạch khi lau bằng nước bồ kết? Tôi vẫn còn giữ cái chậu đồng khảm tam khí, họa tiết mai lan cúc trúc, luôn để dưới gầm ban thờ và một năm cũng chỉ dùng vài bận, không dùng vào bất kể việc gì khác.

Hết tuần nhang, bà tôi lau pho tượng Phật trước, pho tượng Thích ca ngồi trên tòa sen, sơn son, còn lại là thếp bạc phủ sơn cánh dán. Nhưng lạ và đẹp là ở chi tiết cụ Thích Ca một tay cầm đài sen, chứ không phải là bông hoa sen như trong tích Niêm hoa vi tiếu, Ca Diếp mỉm cười. Có lẽ người tạc pho tượng này muốn “yểm” vào tư tưởng như nhất, không phân biệt nở hay tàn, sinh hay tử cũng là một của nhà Phật? Hai bên ban thờ Phật còn đôi câu đối “Phương tiện” và “Tùy duyên”, nền gấm vạn thếp vàng, chữ nổi then đen mờ. Sau này khi đã lớn, bà tôi giảng: mọi sự đều là phương tiện, kể cả những điều bất ưng, oan trái, thua thiệt, bệnh tật… không có những điều đó thì mình tốt lên sao được, “phiền não tức Bồ đề” là vậy.

Còn “Tùy duyên” thì dễ hiểu hơn, nhất niệm khởi nhất duyên sinh, một niệm tốt khởi lên là một duyên lành đến. Còn duyên thì gặp, hết duyên thì tan. Đời Trần có cụ Tuệ Trung Thượng Sỹ (1230-1291) là anh của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và là bác của Trần Nhân Tông. Cụ Tuệ Trung Thượng Sỹ 3 lần trực tiếp tham gia đánh đuổi giặc Nguyên. Đang tụng kinh gõ mõ, giặc đến, thì cất chuông mõ vào tủ, đeo kiếm, lên mình ngựa ra trận. Giặc cút rồi thì lại tụng kinh niệm Phật, sao đâu? Đó là duyên, tùy duyên. Cụ điển hình là một thiền sư “tùy tục”, tùy duyên mà xuất thế tùy duyên mà nhập thế.

Trong lúc hai bà cháu loay hoay lau dọn bên trong thì ông bê cái đỉnh và đôi hạc bằng đồng ra sân đánh lại. Nắp đỉnh chạm thủng 8 quẻ, cũng là để hương trầm bay ra. Đôi hạc đứng trên lưng rùa. Hạc là thanh cao, là nhã, rùa là quy, là phục, là quẻ Địa Lôi Phục, ý của hạc / rùa là luôn mong ước được thanh cao, được trở về với cái “nhã”…

Rồi còn tỉa bớt chân nhang cũ, thay tro của các bát hương bằng tro mới xin ngoài đình. Cuối cùng là lau đôi câu đối treo hai bên cửa buồng thờ hình quả bí, nền son nhì đỏ bầm, chữ thếp vàng Chi lan quân tử ý. Tùng bách cổ nhân phong (Tình ý của người quân tử như cỏ chi, hoa lan/ Phong thái của cổ nhân như cây tùng cây bách).

Chữ nghĩa của các cụ đều hay đều đẹp, lại còn vàng son lộng lẫy nhưng với thời gian đã phai bạc ít nhiều. Chả nhẽ cứ để bụi bặm che lấp? Mỗi năm mỗi bận, vẫn cần lau sạch cho mới lại để luôn nhắc nhở mình về lẽ nhân nghĩa và đón năm mới đang ngấp nghé ngoài cửa rồi.

Lũ trẻ con háo hức vì mọi việc xong xuôi sẽ được thụ lộc 2 mâm, 1 chay ở ban Phật, 1 mặn ở ban gia tiên. Bà tôi gọi là mâm cơm lễ yên vị bát nhang.

4. Tết là, chiều 30 Tết ông tôi mang cuộn giấy hồng điều ra viết đại tự, thường chỉ là chữ Phúc, chữ Thọ, chữ Đức để mừng tuổi khách đến chúc Tết. Bà tận dụng mấy tờ giấy lề, thừa ra để gấp bao lì xì. Năm nào ông cũng viết một chữ để treo ở phòng khách. Năm ấy, ông viết những 3 chữ, tôi mài mực, chờ mãi, vài bận ông đã chấm bút vào nghiên rồi lại nhấc lên. 3 chữ: Càn Khôn Tại theo lối thảo thư. Mầu mực đen óng trên tờ giấy phẩm hồng be bé chỉ nhỉnh hơn cái quạt nan một chút nhưng rất đẹp, rất Tết, ý tứ thì sâu nặng mà cho đến gần đây khi đã vào tuổi xế chiều, tôi mới vỡ ra. Tôi hiểu là Trời đất có ở đâu xa, trời đất ngay trong lòng mình thôi. Trời đất người là một. Đạo là Thiên Địa Nhân hợp nhất.

12/2021