> Hà Nội không cấp phép cho ôtô đỗ trên vỉa hè
Thiếu bến bãi, taxi đua nhau chiếm dụng đường phố, trở thành một trong những “thủ phạm” chính gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng.
Vượt dự báo 10 năm
Từ năm 2007 đến 2009, TPHCM đã thành lập thêm 3 hãng taxi lớn gồm Hoàng Long, Happy, Future Star, đưa ra đường phố khoảng 1.500 xe các loại (4-7 chỗ). Các hãng taxi cũ như Vinasun, MaiLinh, Savico, Air Port... không ngừng mở rộng quy mô, đầu tư thêm phương tiện khiến số lượng taxi hoạt động tại TPHCM tăng đến mức chóng mặt.
Hãng Vinasun mỗi năm đều có kế hoạch tăng đầu xe theo quý và đến cuối năm 2010 đã có trên 4.000 xe. Hãng xe Mai Linh cũng không kém với khoảng 4.000 xe.…
Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM đến năm 2020 (tầm nhìn sau năm 2020) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2007, đến năm 2015, TPHCM cần tối đa 9.500 taxi và đến năm 2020 cần 12.700 xe.
Tuy nhiên, do quản lý lỏng lẻo, không bám sát mục tiêu quy hoạch, đến cuối tháng 10-2009, TPHCM đã có 10.711 xe taxi, vượt gần 13% so với quy hoạch đến năm 2015. Chưa dừng lại, đến đầu tháng 2-2010, số lượng taxi tại TPHCM đã tăng lên 12.551 xe.
Ùn tắc giao thông trở thành vấn nạn. Ngành giao thông tính đến việc tạm ngưng cấp phép song tất cả đều đã muộn bởi đến thời điểm chính thức tạm ngưng (từ 1-6-2010 chỉ cho phép DN thay thế 1 xe cũ bằng 1 xe mới, không được đăng ký thêm xe), số lượng taxi hợp pháp tại TPHCM đã chạm con số taxi dự báo năm 2020 và hiện đang thừa hơn 3.000 xe.
Theo lãnh đạo Sở GTVT, tốc độ phát triển taxi như hiện nay là quá nhanh. TPHCM hiện có 36 DN, HTX kinh doanh taxi. Chưa kể, hiện còn nhiều HTX nhỏ, lẻ hoạt động manh mún, không hiệu quả, tạo điều kiện cho taxi “dù” hoạt động bát nháo.
Theo ước tính của Hiệp hội taxi, trên địa bàn TPHCM hiện còn có trên 2.000 taxi nhái, taxi “dù”. Đó là chưa kể nhiều hãng taxi có chi nhánh tại các tỉnh đối phó bằng cách đăng ký biển số tỉnh khác rồi đưa xe về TPHCM hoạt động.
Bến bãi chỉ có trên giấy
Hệ thống bến bãi phục vụ dừng đỗ taxi (và các phương tiện công cộng khác) đã xây dựng và đưa vào khai thác mới đạt gần 10% so với quy hoạch vào năm 2020. Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải, đến năm 2020 và sau 2020, quỹ đất dành cho xây dựng các bến bãi đậu xe taxi khoảng 31 ha.
Theo một số chuyên gia, diện tích bến bãi dành cho taxi theo quy hoạch phủ khá đều trên địa bàn. Tại nhiều nước có hệ thống đường giao thông chật hẹp như TPHCM, xe taxi chỉ được đưa đón khách tại những bến bãi. Hành khách muốn đi taxi thì đến bãi đậu taxi gần nhất, ngược lại taxi cũng chỉ có thể đưa khách tới bãi taxi gần nơi hành khách muốn đến nhất…
Tuy nhiên, theo giám đốc Sở GTVT Trần Quang Phượng, hiện nay TPHCM mới đưa vào sử dụng 2,5 ha bến bãi. 28,5 ha còn lại đang bỏ trống hoặc còn nằm trên giấy. Nguyên do là chưa có DN, HTX taxi nào chú trọng đến việc phát triển bến bãi. Còn một số hãng taxi thì giải thích khi xây dựng bến bãi sẽ phải tăng giá cước nên hành khách khó chấp nhận. Mặt khác, đa số vị trí xây dựng bến bãi tập trung ở ngoại ô nên không phù hợp
Không có bến bãi dừng đỗ, nhiều taxi tùy tiện sử dụng phần diện tích trước cửa các nhà hàng, khách sạn, lòng đường thành những nơi đậu xe tràn lan hay thậm chí chạy vòng vòng để chờ đón khách.
Tại khu vực trung tâm thành phố, trên các tuyến đường Bùi Thị Xuân, Tôn Thất Tùng, Hai Bà Trưng, Pasteur, Nguyễn Thị Minh Khai, Cống Quỳnh, Nguyễn Trãi, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Trần Hưng Đạo, Sương Nguyệt Ánh … mật độ taxi dày đặc, gây cản trở lưu thông. Theo một số chuyên gia, kể cả chạy rỗng hoặc có khách, trung bình mỗi xe taxi chạy từ 120 đến 150km/ngày.
Với tổng số phương tiện taxi hiện có, mỗi ngày, hoạt động của taxi cần trên 1,6 triệu km đường. Mỗi xe taxi chiếm dụng 15m2 mặt đường. Với số phương tiện taxi hiện có, TPHCM cần trên 70 nghìn m2 mặt đường. Hạ tầng giao thông nội ô thành phố sẽ trở nên quá tải, dễ xảy ra UTGT khi taxi dồn nén vào khu vực trung tâm đông đúc, đường hẹp...
“Sự bùng nổ taxi cộng với việc TP thiếu những chính sách kiểm soát tốc độ phát triển, thiếu quy hoạch, đầu tư xây dựng bến bãi dành cho taxi là nguyên nhân góp phần làm cho nạn ùn tắc giao thông tại TPHCM thêm trầm trọng” – TS Lê Đình Cường, chuyên gia về quản lý giao thông nói.