>> Đà Nẵng: Trầy trật mua vé xe Tết
Theo phản ánh của hành khách, trong ngày 25-1, nhiều người đi từ bến Giáp Bát, Nước Ngầm về các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An... đã phải trả giá vé cao từ 30 đến 50% so với ngày bình thường.
Cụ thể, giá vé đi Ninh Bình ngày bình thường chỉ 50.000 đồng, nhưng ngày hôm qua đã tăng lên 70.000 đồng/hành khách; giá vé đi Thanh Hóa ngày thường 60.000 đồng, ngày hôm qua đã tăng lên 100.000 đồng/hành khách; giá vé đi Nghệ An bình thường 100.000 đồng, ngày hôm qua tăng lên 150.000 đồng/hành khách... “Việc các nhà xe tự tăng giá vé lên như vậy là không chấp nhận được”, anh Nguyễn Đình Xuân, một hành khách đi trên tuyến xe Hà Nội - Thanh Hóa ngày hôm qua bức xúc.
Điều này cũng xảy ra tương tự với các nhà xe chạy các tuyến Hà Nội - Nam Định, Thái Bình... Nhiều sinh viên về quê nghỉ Tết ngày hôm qua đã phát hoảng khi bất ngờ bị các nhà xe thu với giá cao. Do chỉ dành tiền vừa đủ về nhà như thường lệ nên nhiều sinh viên đã phải vay mượn thêm bạn bè hoặc để về tận bến xe rồi nhờ người nhà đến trả. “Nếu các nhà xe có kế hoạch tăng giá thì nên thông báo từ trước để mọi người biết, với sinh viên chúng tôi cũng biết dành đủ tiền đi về”, Nguyễn Thị Trang, sinh viên năm thứ 4 trường ĐH KHXH& NV Hà Nội nói.
Cũng theo nhiều hành khách, không chỉ tăng giá vé, ngày hôm qua, hầu hết các xe đều chở quá số người quy định. Bình thường các hàng ghế chỉ ngồi 2 người nhưng những ngày qua nhà xe đã xếp 3 - 4, thậm chí 5 hành khách ngồi chung hàng sau khi kê thêm ghế nhựa. “Vậy nhưng trên dọc đường các xe không ngừng bắt thêm khách và hầu hết hành khách lên sau thường phải đứng chen chúc ở các cửa ra vào”, chị Nguyễn Thị Khánh đi trên tuyến Hà Nội - Nam Định phàn nàn.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Trần Hoàng, Trưởng phòng Kế hoạch Cty Quản lý bến xe Hà Nội cho biết, đến cuối ngày hôm qua, Cty đã nhận được một số thông báo về việc một số DN vận tải tăng giá vé, tuy nhiên số người phản ánh chưa nhiều và ngày hôm nay Cty sẽ tổng hợp và có thông tin cụ thể.
Nói về việc các DN tăng giá vé vận tải, ông Hoàng cho rằng, đa số các DN đều lý giải ngày Tết số lượng khách có đông nhưng chỉ được một chiều (về các tỉnh), còn chiều ngược lại (lên Hà Nội) xe rỗng nên các DN tăng giá để bù lại cho khỏi lỗ.
Cũng theo ông Hoàng, từ đầu tuần này, số lượng khách đổ về bến xe trên địa bàn Hà Nội bắt đầu tăng, riêng bến Giáp Bát ngày hôm qua đã tăng 50% so với ngày bình thường và một số DN vận tải ở đây bắt đầu sử dụng đến xe tăng cường. Số lượng hành khách ở các bến xe có thể tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba trong những ngày tới.
Các chuyên gia vận tải cho rằng, việc giá xăng dầu thời gian qua khá ổn định không có lý do gì các DN vận tải tăng giá vé. Lấy lý do khách chiều đi vắng để tăng giá vé là không xác đáng vì phần này sẽ được bù vào khi số lượng khách chiều về tăng cao.