Tàu Trung Quốc manh động đâm tàu Kiểm ngư Việt Nam

TP - Chiều 7/6, Cục Kiểm ngư Việt Nam cho biết, lúc 14 giờ ngày 7/6, tàu kéo của Trung Quốc số hiệu 281 đã đâm trực tiếp vào mạn trái, gây hư hại cho tàu Kiểm ngư KN-635 của Việt Nam.
Hôm qua, Trung Quốc vẫn duy trì khoảng 120 tàu, trong đó 37-40 tàu hải cảnh, khoảng 30 tàu vận tải và tàu kéo, 40-45 tàu cá cùng 4 tàu quân sự để bảo vệ giàn khoan 981.

Hôm qua, Trung Quốc vẫn duy trì khoảng 120 tàu, trong đó 37-40 tàu hải cảnh, khoảng 30 tàu vận tải và tàu kéo, 40-45 tàu cá cùng 4 tàu quân sự để bảo vệ giàn khoan 981. Lực lượng chấp pháp Việt Nam cũng phát hiện một máy bay Y-8 lượn trinh thám nhiều vòng ở độ cao 250-300m quanh khu vực giàn khoan.

Trong khi đó, 4 tàu quân sự của Trung Quốc, gồm 2 tàu quét mìn hoạt động cách giàn khoan về phía Nam khoảng 19-21 hải lý, còn 2 tàu hộ vệ tên lửa nằm phía Đông-Đông Nam, cách giàn khoan 981 khoảng 20-25 hải lý.

Theo Cục Kiểm ngư, hôm qua, Trung Quốc tăng lên 4 tàu hải cảnh, để hỗ trợ nhóm tàu cá vỏ sắt khoảng 40-45 chiếc ngăn cản, đẩy ép tàu cá của ngư dân ta khi đang đánh bắt trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Nhóm tàu hải cảnh, tàu cá vỏ sắt của Trung Quốc liên tục có những hành động manh động, nguy hiểm với tàu cá của ngư dân Việt Nam. Tuy nhiên, số tàu cá của ta vẫn đảm bảo an toàn, tiếp tục bám biển, đấu tranh đòi ngư trường truyền thống, nơi cách giàn khoan 981 khoảng 35-40 hải lý.

Trong khi đó, tại khu vực giàn khoan 981, các tàu hải cảnh, hải tuần, tàu kéo, tàu vận tải của Trung Quốc vẫn tổ chức từng nhóm, có hành động quyết liệt, manh động hơn nhằm đẩy lực lượng Kiểm ngư Việt Nam ra xa khi làm nhiệm vụ tiếp cận giàn khoan. Nhóm tàu Trung Quốc sẵn sàng hú còi, đâm va, tấn công bằng vòi rồng vào tàu Kiểm ngư Việt Nam.

Hiện các lực lượng chấp pháp của Việt Nam vẫn hoạt động đấu tranh với cường độc cao trong cự ly cách giàn khoan 9-11 hải lý, để phản đối và yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoàn trái phép 981 khỏi vùng biển chủ quyền của Việt Nam.

* Sáng 7/6, tại Công viên Biển Đông, UBND TP Đà Nẵng tổ chức Lễ Mít tinh hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam 2014 và Ngày Đại dương Thế giới 8/6. Gần 2.500 cán bộ, công chức, viên chức, ĐVTN và người dân tham gia.

Đại diện lãnh đạo TP Đà Nẵng và các tổ chức đoàn thể lên án gay gắt Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, đồng thời thể hiện thái độ kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam.

Tại đây, hàng ngàn cán bộ, người dân cùng tham gia đóng góp quỹ Vì biển đảo thân yêu và tham gia chiến dịch làm sạch bãi biển thành phố.

Đại đội nữ pháo binh ngư thủy thăm UBND huyện đảo Hoàng Sa

“Nhiều người đã già yếu, nhưng còn sức nào, chúng tôi cũng nguyện đóng góp cho chủ quyền biển đảo”- bà Nguyễn Thị Thản, Chính trị viên đại đội, hiện trưởng Ban liên lạc Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy anh hùng (Quảng Bình) nhấn mạnh, khi thăm UBND huyện đảo Hoàng Sa, sáng 7/6.

Đoàn cùng xem video “Những cột mốc người” do UBND huyện Hoàng Sa phối hợp thực hiện, giới thiệu về quá trình xác lập, thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa; cuốn “Kỷ yếu Hoàng Sa” do Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa Võ Công Chánh trao tặng.

Thay mặt đoàn, bà Thản thông qua UBND huyện Hoàng Sa chuyển đến bà con ngư dân Đà Nẵng phần quà nhỏ, thể hiện sự chia sẻ, động viên những ngư dân can trường, bám biển bảo vệ ngư trường.

Theo bà Thản, từ ngày Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển Việt Nam, đại đội phản đối, lên tiếng mạnh mẽ yêu cầu Trung Quốc chấm dứt hoạt động vi phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam; theo dõi sát các diễn biến ngoài thực địa.

“Tuy nhiều người, tuổi cao sức yếu, nhưng chúng tôi nguyện đóng góp tinh thần, vật chất, “lên đường” vì chủ quyền biển đảo”, bà Thản nhấn mạnh.

Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy thành lập năm 1967, với 37 chị em (sau tăng gần 100 người). Hiện, đại đội còn 81 người đang sinh sống và làm việc tại Quảng Bình, trong đó 34 người tham gia chuyến thăm UBND huyện đảo Hoàng Sa.

Nguyễn Huy