Trung Quốc coi đảo Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình, và đã liên tục gia tăng sức ép ngoại giao và quân sự lên hòn đảo trong vài năm gần đây.
Reuters dẫn nguồn tin nắm được tình hình cho biết tàu sân bay Sơn Đông đã tiến gần đến mức chỉ cách cận đảo Kim Môn nằm đối diện với thành phố Hạ Môn của Trung Quốc đại lục khoảng 30 hải lý.
Tàu khu trục tên lửa lớp Arleigh Burke USS Ralph Johnson đã bám đuôi tàu sân bay Trung Quốc trên một phần hải trình. Tàu Sơn Đông không có máy bay trên boong và đã đi về phía bắc của eo biển, nguồn tin cho biết.
Nguồn tin cũng nói rằng Đài Bắc đã đưa các tàu chiến ra theo dõi tình hình.
Cơ quan phòng vệ Đài Loan (Trung Quốc) ra một thông cáo ngắn xác nhận tàu Sơn Đông đã đi qua eo biển, nhưng không cho biết thông tin cụ thể.
Phát ngôn viên Hải quân Mỹ, Trung uý Mark Langford cho biết rằng tàu Ralph Johnson đã tiến hành chuyến đi định kỳ qua eo biển Đài Loan theo cách “phù hợp với luật pháp quốc tế”, nhưng không cho biết cụ thể.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên chuyển câu hỏi về vấn đề này sang Bộ Quốc phòng, nhưng cho biết tàu Sơn Đông có “lịch huấn luyện thường kỳ”.
“Chúng ta không nên liên hệ hoạt động này với việc trao đổi giữa nguyên thủ của Trung Quốc và Mỹ. Bạn có thể nghĩ nó quá nhạy cảm. Chỉ có bạn nhạy cảm, không phải eo biển Đài Loan”, ông Triệu nói tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh.
Chuyến đi diễn ra khoảng 12 giờ đồng hồ trước khi ông Biden và ông Tập điện đàm.
Nguồn tin nói rằng chuyến đi của tàu diễn ra quá gần cuộc điện đàm và thật bất thường khi hoạt động đó diễn ra vào ban ngày, thay vì ban đêm như thường lệ.
Lo Chih-cheng, một nghị sĩ của đảng Dân chủ tiến bộ Đài Loan (Trung Quốc), cho rằng chuyến đi của tàu Sơn Đông gửi đi một “thông điệp rất khiêu khích” khi các quốc gia trong khu vực đang thấy báo động vì tình hình ở Ukraine và chỉ vài giờ trước khi diễn ra cuộc điện đàm giữa lãnh đạo Mỹ - Trung.